Ngang nhiên đổ trộm đất thải ven đường 16

Bài, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, tình trạng đổ trộm đất thải ven đường 16, đoạn qua địa bàn xã Đông Xuân (huyện Sóc Sơn) diễn ra rất phức tạp. Địa phương đã nắm bắt được sự việc, tuy nhiên chưa xử lý triệt để.

Đất thải chứa thành phần nguy hại

Theo khảo sát của báo Kinh tế & Đô thị, khu vực bị đổ trộm đất thải thuộc thôn Cả, xã Đông Xuân. Tại đây, những đống đất lớn, cao quá đầu người được tập kết tràn lan. Một số vị trí, đất tràn ra cả phần đường lưu thông. Đặc biệt, vào những ngày trời mưa, bùn đất chảy ra đường khiến việc đi lại của người dân tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn…
 Đất thải chứa thành phần nguy hại được đổ tràn lan ven đường 16
Bà Bùi Thị Huyền - Trưởng thôn Cả cho biết, tình trạng trên đã diễn ra hơn nửa năm nay. Tuy nhiên, mỗi ngày qua đi, đống đất thải không những không được xử lý, dọn dẹp mà còn cao thêm với khối lượng lớn. “Người dân rất bức xúc, đã kiến nghị nhiều lần tại các cuộc họp. Lãnh đạo địa phương tiếp thu, nhưng hướng xử lý triệt để cho vấn đề này đến nay vẫn bị bỏ ngỏ…” - bà Huyền cho hay.

Điều đáng nói, trong Văn bản số 247/CV-UBND ngày 4/6/2018 của UBND xã Đông Xuân gửi Phòng TN&MT huyện Sóc Sơn đề xuất xử lý tình trạng tập kết trái phép trên, đất thải đổ ven đường 16 được xác định có chứa thành phần nguy hại. Người dân bày tỏ lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng xấu tới chất lượng đất canh tác nông nghiệp, đặc biệt là nguồn nước ngầm dùng cho sinh hoạt.

Đùn đẩy trách nhiệm?

Liên quan tới thông tin phản ánh của người dân, Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Nguyễn Văn Chung thừa nhận có tình trạng đổ đất thải ven đường 16. Theo ông Chung, vài tháng trước địa phương đã bắt quả tang một trường hợp đổ đất tại địa điểm thôn Cả nêu trên. Tuy nhiên, do khối lượng ít, lại là lần đầu vi phạm nên cơ quan chức năng chỉ nhắc nhở và yêu cầu người vi phạm vận chuyển đất thải đi. Cũng theo ông Chung, gần đây, tình trạng đổ trộm diễn ra theo chiều hướng phức tạp hơn. Các đối tượng thường lựa chọn thời điểm buổi tối để thực hiện hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, do thiếu lực lượng làm nhiệm vụ thường xuyên nên địa phương chưa thể kiểm soát được việc đổ trộm đất thải.

Ông Chung cũng cho biết thêm, để xử lý đất thải đổ trộm ven đường 16, UBND xã Đông Xuân đã chủ động làm việc với Công ty CP Môi trường đô thị và công nghiệp (URENCO 10) nhằm bàn thảo hợp đồng vận chuyển đất thải. Tuy nhiên, chi phí để vận chuyển toàn bộ lượng đất thải tồn đọng lên tới 150 triệu đồng. Đây là khoản kinh phí vượt quá khả năng chi trả của UBND xã Đông Xuân.

Trước bài toán nan giải trên, UBND xã Đông Xuân đã có Văn bản số 247 gửi Phòng TN&MT huyện Sóc Sơn đề xuất hỗ trợ địa phương kinh phí để vận chuyển đất thải đi xử lý. Tuy nhiên, Phòng TN&MT huyện Sóc Sơn sau khi nhận được báo cáo, lại có Văn bản số 212 ngày 16/7/2018 với hàm ý nội dung đề nghị UBND xã Đông Xuân phải “tự xử lý”, đồng thời giới hạn thời gian phải thực hiện xong trước ngày 20/7/2018. Trước khó khăn về kinh phí như đã đề cập, ngày 18/7/2018, UBND xã Đông Xuân tiếp tục có Văn bản số 327 gửi Phòng TN&MT huyện Sóc Sơn với đề xuất tương tự nêu tại Văn bản số 247. Nhưng đến nay sau gần 3 tháng, địa phương vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi từ Phòng TN&MT huyện Sóc Sơn!

Như vậy có thể thấy, sau quãng thời gian rất dài kể từ khi vụ việc đổ trộm đất thải ven đường 16 xảy ra, hai đơn vị có trách nhiệm trực tiếp là UBND xã Đông Xuân và Phòng TN&MT huyện Sóc Sơn vẫn chưa tìm được tiếng nói chung và thống nhất được phương án giải quyết. Điều này cũng đồng nghĩa, khối lượng rất lớn đất thải có chứa thành phần nguy hại vẫn sẽ án ngữ ven đường 16, bất chấp những nguy cơ tiềm ẩn về an toàn sức khỏe và việc đi lại của người dân có thể bị ảnh hưởng.