Ngành giáo dục khắc phục bệnh thành tích

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngành giáo dục đã đạt được những kết quả, nhưng, vẫn còn những biểu hiện tiêu cực và bệnh thành tích.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã chỉ ra những biểu hiện tiêu cực và bệnh thành tích đang còn tồn tại trong ngành giáo dục. Đó là tình trạng thiếu trung thực trong học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, thi và kiểm tra đánh giá xếp loại. Vẫn còn có sự nể nang, thiếu dân chủ trong bình chọn, xếp loại thi đua, khen thưởng.
  Sinh viên Trường ĐH Xây dựng tham gia ứng tuyển việc làm 
Không chỉ thế, cào bằng, dễ dãi trong suy tôn; che dấu hạn chế, yếu kém vẫn diễn ra. Tình trạng áp đặt chỉ tiêu quá cao so với khả năng thực tế, trao thưởng phô trương, hình thức, lãng phí vẫn còn.

Bởi vậy, ngày 28/12, Bộ GD&ĐT có công văn yêu cầu các sở GD&ĐT và các trường từ trung cấp đào tạo giáo viên đến đại học từng bước khắc phục bệnh thành tích. Theo công văn, các cơ quan, đơn vị rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy định, yêu cầu không còn phù hợp dẫn tới bệnh thành tích.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục cho từng năm học, từng học kỳ đảm bảo thực chất, phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị.

Các trường không tổ chức những hoạt động giáo dục trái quy định, gây áp lực cho người dạy, người học, phụ huynh. Đặc biệt, không lấy kết quả của các kỳ thi, hoạt động giao lưu do địa phương tổ chức để đánh giá xếp loại thi đua, xét thưởng cá nhân, đơn vị.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng. Cũng như, phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi, biểu hiện tiêu cực trong dạy, học.

Các trường xây dựng và công bố công khai những tiêu chí thi đua cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tế, đặc thù của từng địa phương, đơn vị. Thành tích của đơn vị, cá nhân được đánh giá bằng sự tiến bộ của chính đơn vị, cá nhân đó.

Và, ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học, kiểm tra, đánh giá bảo đảm chính xác, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch.