Ngành giáo dục quận Cầu Giấy: Dấu ấn sau 5 năm đổi mới

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 – NQ/TƯ về đổi mới toàn diện công tác GD&ĐT, quận Cầu Giấy đã có những bước tiến dài và bền vững trong sự nghiệp “trồng người”. Điều đáng nói, không chỉ vững vàng về kiến thức, các lớp thế hệ học sinh được đào tạo dưới cái “nôi” Cầu Giấy luôn cho thấy khả năng thích ứng cao với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Trường Tiểu học Mai Dịch (quận Cầu Giấy) được xây dựng mới khang trang, hiện đại. Ảnh: Thanh Hải
Tất cả vì tương lai 
Theo lãnh đạo quận Cầu Giấy, thực hiện Nghị quyết 29 – NQ/TƯ ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, các thế hệ lãnh đạo quận luôn coi sự phát triển phẩm chất, năng lực của người học, xây dựng một xã hội học tâp, học tập suốt đời… hướng đến hội nhập một cách chủ động là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động.
Trong giai đoạn 2013 – 2018, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ quận Cầu Giấy luôn được đánh giá cao. Đến nay, quận đã phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, xóa mù chữ cấp độ 2
Nhiều năm qua, ngoài việc nâng cao năng lực, chất lượng của đội ngũ giáo viên, quận Cầu Giấy đã thí điểm thực hiện chương trình giáo dục mới tại trường THCS Nam Trung Yên và TH Dịch Vọng B. Tổ chức thí điểm mô hình trường học mới tại các trường THCS Nghĩa Tân, Mai Dịch, Nguyễn Siêu, FPT… Triển khai thực hiện Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 và căn cứ theo nhu cầu thực tế của cả học sinh và phụ huynh để bố trí các trang thiết bị, nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên, cũng như liên kết với các giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy ngoại ngữ cho học sinh. Đặc biệt, trong quá trình giảng dạy, ngành GD&ĐT quận luôn chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học phổ thông theo hướng hiện đại, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh tiếp thu kiến thức.

Lãnh đạo quận Cầu Giấy chia sẻ, cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, trong những năm qua, quận đặc biệt quan tâm tới đầu tư phát triển cơ sở vật chất. Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, quận đã đầu tư xây mới và xây lại 7 trường học với tổng kinh phí 1.317 tỷ đồng, cải tạo mở rộng 3 trường học với kinh phí trên 303 tỷ đồng. Cùng với đó, hàng năm, quận vẫn đầu tư từ 30 – 60 tỷ đồng để cải tạo, chống xuống cấp các trường hoc.

Chính những sự nỗ lực của các lực lượng chức năng đã giúp chất lượng giáo dục của quận Cầu Giấy từng bước được nâng tầm, đáp ứng nhu cầu của người dân trong khu vực. Chị Nguyễn Thị Nhâm, phường Trung Hòa chia sẻ, ở nhiều nơi, cứ mỗi dịp đầu năm, các bậc phụ huynh lại đôn đáo đi xin học cho các con, em mình vào các trường, lớp chất lượng cao. Tuy nhiên, tại Cầu Giấy, sự đầu tư cho ngành giáo dục diễn ra ở mọi cấp học, mọi phường nên ở bất cứ đâu, người dân rất an tâm khi gửi gắm con em mình.

Vinh dự lớn, áp lực nhiều

Bà Trịnh Thị Dung – Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 – NQ/TƯ, công tác GD&ĐT trên địa bàn vẫn còn một số bất cập. Theo bà Trịnh Thị Dung, hiện nay, một số cán bộ, giáo viên tuy đã được chuẩn hóa trình độ chuyên môn nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu đổi mới, giáo dục. Năng lực quản lý của một số cán bộ quản lý còn hạn chế, vẫn còn những cán bộ, giáo viên bị xử lý kỷ luật.

Bà Dung cho hay, những tồn tại mang tính chủ quan nêu trên có thể từng bước được xử lý trong thời gian tới. Bởi, ngoài việc không ngừng nâng cao năng lực, nghiệp vụ của các giáo viên, quận Cầu Giấy đã và đang thực hiện khá hiệu quả chính sách thu hút nhân tài, tiếp nhận giáo viên giỏi, sinh viên tốt nghiệp giỏi, thủ khoa xuất sắc về công tác tại các trường trên địa bàn quận.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của vị Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, điều khiến những người làm công tác giáo dục quận đau đầu nhất chính là tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh. Lý giải điều này, bà Dung cho biết, trên địa bàn quận có rất nhiều khu đô thị, tòa chung cư mới mọc lên nhưng chủ đầu tư lại chưa dành quỹ đất để xây dựng trường học khiến các trường trên địa bàn thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải.
Trong khi đó, đến thời điểm này, trên địa bàn vẫn còn một phường (Quan Hoa - PV) chưa có trường THCS công lập. “Hầu hết cư dân sống trên các tòa chung cư mới trên địa bàn đều là những gia đình trẻ, có con đang tuổi đi học. Do đó, chỉ cần mỗi gia đình có một người con đang trong tuổi đi học, sức ép lên ngành giáo dục đã là rất lớn, tình trạng quá tải, cung không đủ cầu là điều khó tránh khỏi” – bà Dung chia sẻ.

Để khắc phục những tồn tại trên, cũng như tiếp tục nâng cao hiệu quả của Nghị quyết 29 – NQ/TƯ, bà Trịnh Thị Dung cho biết, trong thời gian tới, ngành GD&ĐT quận Cầu Giấy sẽ tiếp tục xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện; Rà soát, điều chỉnh quy hoạch mang lưới trường học và các cơ sở giáo dục; Đẩy mạnh xã hội hóa và tự chủ trong các cơ sở GD&ĐT…

Không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục, trong những năm qua, ngành giáo dục quận Cầu Giấy đã và đang tập trung phát triển thể chất, kỹ năng giao tiếp, ứng xử của các em học sinh. Tại nhiều cơ sở giáo dục, ngoài việc trang bị các dụng cụ, thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác giáo dục, quận Cầu Giấy đã xây dựng nhiều bể bơi, sân chơi… để các em học sinh có sự phát triển một cách toàn diện nhất.

Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh