Ngân hàng nói gì việc giữ bản gốc đăng ký xe thế chấp?

Huyền Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi dư luận phản ánh bất cập trong việc các tổ chức tín dụng (TCTD) giữ đăng ký gốc của các phương tiện đang thế chấp...

Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã có công văn yêu cầu các TCTD nghiêm chỉnh thực quy định bên vay được giữ bản gốc giấy đăng ký khi thế chấp phương tiện, nhưng hầu như tất cả các TCTD vẫn giữ bản gốc giấy đăng ký khi khách hàng vay thế chấp phương tiện.

Cái lý của các ông chủ nhà băng

Ông Đỗ Thanh Tùng - Giám đốc Sacombank Thụy Khuê (Hà Nội) cho biết, lâu nay các ngân hàng thương mại vẫn áp dụng cách giữ bản gốc các giấy tờ liên quan đến tài sản đảm bảo khi thực hiện các hợp đồng tín dụng thế chấp, hợp đồng mua bán nhà giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng ký ô tô, xe máy... Việc giữ các giấy tờ này nhằm đảm bảo quá trình thực hiện hợp đồng cho vay chặt chẽ, tránh trường hợp người vay sử dụng giấy tờ đó để mua bán tài sản thế chấp ở ngân hàng. Khi cho vay, bản thân ngân hàng chỉ có mỗi giấy tờ này để quản lý tài sản thế chấp. Khi giữ giấy tờ, phía ngân hàng đều có giấy xác nhận để người vay sử dụng khi cần.

Ông Tùng cũng chia sẻ, thực tế hiện nay việc quản lý phương tiện nhất là ô tô, xe máy vẫn còn rất lỏng lẻo, chỉ cần xe có đăng ký là có thể mua bán sang tay đơn giản, nếu ngân hàng không được giữ giấy tờ bản gốc sẽ có nhiều trường hợp xe thế chấp ngân hàng rồi nhưng chủ xe vẫn có thể bán cho người khác và hệ lụy là ngân hàng không quản lý được tài sản thế chấp.

Đa số các TCTD cho rằng, khi khách hàng ký hợp đồng thế chấp hoặc vay trả góp các phương tiện, tại hợp đồng thế chấp bao giờ cũng có thỏa thuận bên nhận thế chấp giữ bản gốc giấy đăng ký xe, khách hàng được phép sử dụng xe và lưu thông trên đường bằng bản sao có xác nhận của TCTD cấp.

Ngoài ra, để bảo vệ cho quyền giữ giấy tờ bản gốc của khách hàng các TCTD đã viện dẫn Điều 323, Bộ Luật Dân sự 2015 khẳng định quyền của bên nhận thế chấp là "Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp 2 bên có thỏa thuận, trường hợp có quy định khác”. Theo đó, trong trường hợp Luật có quy định khác thì việc thỏa thuận đó của các bên phải tuân thủ theo Luật.

Theo một lãnh đạo NHTM, căn cứ theo Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Do đó, các TCTD sẽ căn cứ vào Bộ Luật Dân sự 2015 để áp dụng.

Đại diện các TCTD khẳng định, nếu không giữ giấy tờ gốc của bên thế chấp bằng các thỏa thuận dân sự thì khó có ngân hàng nào dám cho vay mua ô tô, do lo ngại có thể phát sinh nợ xấu khó kiểm soát.

Ngành ngân hàng tích cực tháo gỡ

Mới đây nhất, một trong những nội dung quan trọng tại Hội nghị Câu lạc bộ pháp chế ngân hàng - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, diễn ra ngày 7/7 tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, nhiều kiến nghị góp ý đối với Dự thảo Luật sửa đổi Luật các TCTD và tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến pháp lý ngân hàng. Trong đó, nội dung quan trọng nhất là tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến hoạt động nhận thế chấp tài sản mà các ý kiến tập trung vào vấn đề nhận thế chấp tài sản đảm bảo là phương tiện giao thông.

Nội dung mà Hội nghị đưa ra là vướng mắc hiện nay, theo quy định tại Nghị định 163/2006 của Chính phủ (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 11/2012) thì bên thế chấp (khách hàng) được quyền giữ bản chính giấy chứng nhận các tài sản thế chấp. Tuy nhiên, thực tế để đảm bảo an toàn cho bên nhận thế chấp, các TCTD vẫn thỏa thuận với khách hàng giữ bản chính các loại giấy trên, giao cho khách hàng bản sao để tham gia giao thông.

Mới đây, NHNN đã có văn bản yêu cầu các TCTD thực hiện đúng theo quy định của Nghị định 163/2006. Do vậy, các NHTM buộc phải trả lại giấy tờ bản chính cho khách hàng.

Tuy nhiên, theo đại diện của các ngân hàng như: Agribank, BIDV, ABBank các khoản vay có tài sản thế chấp là bất động sản, phương tiện giao thông hiện nay rất phổ biến và đa số là các khoản vay trung dài hạn. Nếu buộc phải trả lại giấy tờ bản chính thì TCTD không thể cho vay được hoặc sẽ phải chuyển sang hình thức cho vay tín chấp, bất lợi cho khách hàng về lãi suất và hạn mức tín dụng. Việc này sẽ tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho các TCTD,

Liên quan đến nội dung này, nhiều phương án được đưa ra nhằm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ như: Đề nghị NHNN phối hợp với Bộ Công an ban hành thông tư liên tịch cho phép những khách hàng vay thế chấp bằng phương tiện giao thông được sử dụng bản sao; kiến nghị thay đổi các loại giấy phép phương tiện chia thành loại giấy chứng nhận sở hữu và giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia giao thông…

Cũng liên quan đến vấn đề này, luật sư Trần Đàm - Văn phòng Luật sư Trần Đàm và các cộng sự cho biết, ở một số nước phát triển việc mua xe trả góp là khá phổ biến, hãy xem xét những phương pháp quản lý tài sản thế chấp của họ.

Điều đầu tiên pháp luật rất nghiêm trong việc quản lý các tài sản thế chấp. Khách hàng chưa trả hết tiền cho nhà băng tức là tài sản đó vẫn là của ngân hàng và ngân hàng vẫn đứng tên chủ sở hữu. Tới khi nào khách hàng thanh toán hết tiền nợ mua xe ngân hàng sẽ chuyển quyền sở hữu sang tên cho họ, với một khoản phí không đáng kể.

Có một số nước thì cảnh sát có thể cấp một loại biển số phân biệt xe hiện đang trong tình trạng chưa thực hiện hết nghĩa vụ trả nợ ngân hàng, khi khách hàng trả hết nợ thì cảnh sát lại cấp lại giấy đăng ký và biển số mới cho chính chủ.

Luật sư Đàm cũng cho biết, với thực trạng hiện nay thì 3 bộ, ngành: Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải và NHNN phải cùng ngồi lại với nhau để tìm một giải pháp có thể vừa giữ vững được các quy định của pháp luật, của bộ ngành nhưng đồng thời cũng cần hài hòa với các quyền lợi của các TCTD và khách hàng hiện thế chấp phương tiện.

Được biết, NHNN là một trong những bộ, ngành có chỉ số cải cách thủ tục hành chính cao nhất. Với những động thái kịp thời, tích cực, hy vọng NHNN sẽ sớm đưa ra được một phương án phù hợp, hội đủ tất các yếu tố luật pháp, nguyên tắc của các bộ ngành, đồng thời vẫn bảo đảm quyền lợi của người sử dụng phương tiện hiện đang còn thế chấp tại các TCTD.