Ngành nông nghiệp vùng Đồng bằng Sông Hồng: Hợp tác để cùng phát triển

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 13/12, Sở NN&PTNT Hà Nội đăng cai tổ chức hội nghị Tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2018, triển khai nhiệm vụ và giải pháp năm 2019 của khối thi đua Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng Sông Hồng (Bộ NN&PTNT). Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu dự.

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, đánh giá cao sự hợp tác của Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng Sông Hồng
Khối thi đua Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH) bao gồm 10 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hải Dương. Với chủ đề “Chủ động khắc phục khó khăn, đoàn kết, hợp tác, đổi mới và phát triển”, khối thi đua đã thực hiện tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới; phát động phong trào sâu rộng trong công chức, viên chức, người lao động thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, kế hoạch năm 2018.
Theo ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, Trưởng khối thi đua Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố vùng ĐBSH, mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp gây khó khăn cho sản xuất và đời sống. Nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc trực tiếp của các tỉnh, thành phố và nỗ lực phấn đấu của các đơn vị trong khối, các Sở NN&PTNT đã cơ bản hoàn thành và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, các tỉnh, thành khu vực ĐBSH đã tích cực chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả và nâng cao giá trị gia tăng, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ tạo chuỗi liên kết. Đồng thời mở rộng các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới phương thức sản xuất. Tăng tỷ lệ lúa chất lượng cao tỉnh Nam Định đạt 69%, Hưng Yên đạt 64,8%, Hải Dương đạt 67%...
Tổng diện tích gieo trồng vùng ĐBSH là 1.079407,24ha. Sản lượng lúa điển hình như Hà Nội đạt 1.028,54 nghìn tấn, Bắc Ninh đạt 411.731,1 tấn, Nam Định 375.796 tấn...
Bên cạnh đó, các đơn vị đã chú trọng quy hoạch vùng sản xuất tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng "Cánh đồng mẫu lớn liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm" là một giải pháp quan trọng lâu dài góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Về chăn nuôi, các tỉnh đã quy hoạch, phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng vùng ĐBSH đạt khoảng 1.216.408,8 nghìn tấn. Một số tỉnh có sản lượng thịt hơi xuất chuồng lớn như: Hà Nội đạt 436.463 nghìn tấn, Thái Bình đạt 190 nghìn tấn...
Trong xây dựng nông thôn mới các tỉnh, thành phố trong khu vực triển khai quyết liệt, đạt kết quả cao. Đến nay, Hà Nội có 297 xã và 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh Nam Định có 207 xã và 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã đề nghị các đơn vị trong Khối Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố vùng ĐBSH tăng cường sự phối hợp hơn nữa, nhất là trong lĩnh vực quản lý nhà nước cần phát triển đội ngũ kỹ thuật để nâng cao trình độ. Đồng thời kết nối các DN lớn và nhỏ để hỗ trợ phát triển sản xuất cho bà con nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Bên cạnh đó cần thực hiện hiệu quả phong trào thi đua "Toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành và xây dựng NTM". Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nhân rộng các điển hình tiên tiến, những tấm gương có thành tích xuất sắc trong tất cả các lĩnh vực công tác.