Ngành thuế nỗ lực bù đắp nguồn thu

Bài, ảnh: Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh gần một nửa số địa phương trong cả nước thu không đạt dự toán; các địa phương thu bảo đảm tiến độ thì chủ yếu nhờ các nguồn thu thiếu bền vững như thu từ đất… một trong những giải pháp được cơ quan thuế triển khai mạnh trong 6 tháng cuối năm 2020 là theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sức khỏe DN, hoạt động sản suất, kinh doanh của người nộp thuế, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách Nhà nước (NSNN).

Gần một nửa địa phương thu không đạt
Thông tin tại Hội nghị triển khai công tác thuế 6 tháng cuối năm 2020 do Tổng cục Thuế tổ chức ngày 8/7 cho biết, kết quả thu 6 tháng đầu năm 2020 do Tổng cục Thuế quản lý ước đạt 574.237 tỷ đồng, bằng 45,8% so với dự toán pháp lệnh, bằng 96,1% so với cùng kỳ năm 2019. Diễn biến thu qua các tháng giảm dần và giảm mạnh từ tháng 4 trở đi.
 Hội nghị triển khai công tác thuế 6 tháng cuối năm tại đầu cầu Hà Nội.
Chỉ có 34/63 địa phương có tiến độ thu lũy kế 6 tháng đảm bảo tiến độ thực hiện dự toán (đạt trên 50%). Số địa phương còn lại (29/63 địa phương) có tiến độ thu chậm, chưa bảo đảm tiến độ thực hiện dự toán năm. “Hầu hết những địa phương này là những địa phương có nguồn thu thuế GTGT, TTĐB, thuế tài nguyên chiếm tỷ trọng lớn. Đây là những nguồn thu có kỳ nộp thuế phát sinh theo tháng, tác động của dịch bệnh Covid-19 đến tình hình kinh tế đã ngay lập tức ảnh hưởng rõ nét đến thu NSNN trên địa bàn...”- đại diện Tổng cục thuế cho hay.
Tính đến ngày 30/6/2020, cơ quan thuế đã tiếp nhận 151.339 giấy đề nghị gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất của DN. Số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là 43.212,3 tỷ đồng. Cũng đến hết tháng 6, số hộ kinh doanh gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đến UBND cấp xã là 38.231 hộ. Số lượng hộ kinh doanh mà UBND cấp xã gửi hồ sơ sang cơ quan thuế đề nghị thẩm định là 34.217 hộ.
Về phía các địa phương, báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Mai Sơn khẳng định, dù khó khăn nhưng đơn vị sẽ quyết tâm hoàn thành dự toán thu NSNN được giao. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2020, số thu NSNN của đơn vị này cơ bản đạt mức khá với 118.034 tỷ đồng, đạt 45,3% dự toán, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, Cục Thuế TP Hà Nội cũng đã đôn đốc thu nợ được 4.653 tỷ đồng, đạt 50,8% chỉ tiêu thu nợ được giao, tăng 8,5% so với cùng kỳ 2019.
Tăng giám sát, đốc thu thuế
Theo Tổng cục Thuế và cơ quan thuế các địa phương, nhiệm vụ thu NSNN 6 tháng cuối năm 2020 là hết sức nặng nề trong bối cảnh các DN, người nộp thuế và các ngành nghề kinh tế trọng điểm gặp nhiều khó khan. Vì thế, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu. Cụ thể, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế. Thực hiện rà soát toàn bộ người nộp thuế trên địa bàn bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sức khỏe DN, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế thuộc phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh. Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế ổn định sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN.
Ngoài ra, việc tăng đốc thu với các khoản thu còn dư địa cũng là giải pháp được nhiều địa phương nêu ra. Tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, cơ quan này xác định quản lý tốt, đầy đủ các đối tượng phải nộp thuế cũng như nắm chắc các nguồn thu NSNN trên địa bàn. Tăng cường giám sát, đôn đốc thu các hoạt động có dư địa tăng thu như thương mại điện tử, viễn thông, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự án hoặc chuyển nhượng bất động sản....
Tập trung phân tích, nhận diện và tăng cường tổ chức thanh tra – kiểm tra thuế theo yếu tố rủi ro, theo các chuyên đề chống thất thu từ kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng dự án - vốn, chống chuyển giá, chống xói mòn cơ sở thuế, chống lợi dụng hiệp định thuế…

"Trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động lớn bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương đã nỗ lực triển khai các giải pháp thu ngân sách, trong đó có thu nợ thuế. Đơn cử, Hà Nội đã làm rất tốt công tác thu nợ. Các cuộc gặp gỡ với DN đã được triển khai để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN; đồng thời có giải pháp mạnh tay với DN chây ì." - Tổng cục trưởng Tổng cục thuế Cao Anh Tuấn