Ngành vật liệu xây dựng: Cần phát triển về chất lượng

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, ngành vật liệu xây dựng (VLXD) đã có những bước tiến đáng kể, không chỉ đáp ứng nhu cầu về số lượng, chủng loại cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, theo đánh giá, ngành VLXD vẫn cần phải có chiến lược nâng cao về chất lượng để đảm bảo cạnh tranh trên thị trường.

Nhiều thành tựu
TS Thái Duy Sâm - Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam cho biết, sau hơn 30 năm từ thời điểm đổi mới, ngành VLXD Việt Nam đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ trong quá trình phát triển.
Cụ thể, sản lượng xi măng tăng gấp 30 lần về công suất và 50 lần về sản lượng thực tế, gạch gốm ốp lát tăng 700 lần về công suất và 500 lần về sản lướng, sứ vệ sinh tăng 270 lần và 350 lần, kính xây dựng 72 và 74 lần…
“Nhờ đó đã đưa Việt Nam từ nước phải nhập khẩu hầu hết các sản phẩm VLXD phục vụ xây dựng trong nước, đến nay sản xuất đã đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng và còn dư khoảng từ 10 - 30% công suất phục vụ cho xuất khẩu. Có những sản phẩm như gạch ốp lát, sứ vệ sinh đã xuất đi gần 40 nước trên thế giới” - ông Thái Duy Sâm cho hay
Ngành VLXD cần phải có sự thay đổi cả về mẫu mã và chất lượng sản phẩm. (Ảnh: Doãn Thành).
Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam Đinh Quang Huy cho biết, Việt Nam hiện là quốc gia có sản lượng đứng thứ 5 thế giới về sản xuất gốm, sứ xây dựng.
“Doanh thu gốm, sứ xây dựng năm 2019 đạt 2,5 tỷ USD, tạo việc làm cho trên 4 vạn lao động trực tiếp và hàng vạn lao động liên quan. Hiện nay, thị trường xuất khẩu gốm sứ xây dựng đã mở rộng ra nhiều nước trên thế giới từ khu vực ASEAN đến Hàn Quốc, Đức, Ý, Mỹ, Nga, Cuba, Nhật... Đó là những thị trường mà gốm, sứ xây dựng Việt Nam đã có mặt hàng chục năm nay và đã xây dựng được thương hiệu của mình” - ông Đinh Quang Huy nói.
Đổi mơi công nghệ sản xuất
Tại buổi tọa đàm về thực hiện Đề án “Phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra tại Hà Nội mới đây, Phó Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) Nguyễn Quang Hiệp cho biết, giá trị VLXD thường chiếm 60 - 70% trong cơ cấu giá thành công trình xây dựng. Chất lượng, giá thành VLXD quyết định rất lớn đến chất lượng và giá thành xây dựng công trình. Vì vậy, cần phải nâng từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường trong nước cũng như quốc tế.
“Những dây chuyền sản xuất theo công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, tiêu tốn nguyên liệu, nhiên liệu, hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường từng bước phải được loại bỏ. Các nhà máy mới cần phải đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, nhiều dây chuyền được trang bị mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao, trình độ công nghệ đạt ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới” - ông Nguyễn Quang Hiệp cho hay.
Thời gian qua các chính sách mới đã có nhiều tác động tích cực đến sự phát triển của ngành sản xuất VLXD. (Ảnh: Doãn Thành).
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam cho rằng, hiện nay, ngành VLXD đã có đủ năng lực để tham gia  xuất khẩu thì cần phải nâng cao về chất lượng, thông qua việc đổi mới công nghệ sản xuất.
“Là nước phát triển ngành công nghiệp VLXD muốn hơn các nước khác, nên Việt Nam có nhiều cơ hội để tiếp cận với công nghệ sản xuất hiện đại. Trước xu thế mới của cuộc sống, ngành VLXD cần tập trung hướng vào những sản phẩm vật liệu xanh, vật liệu xây dựng không nung... nhằm giảm phát thải nhà kính và tăng tính cạnh tranh trên thị trường” - ông Thái Duy Sâm nhìn nhận.

"Những năm vừa qua, ngành sản xuất VLXD đã phát triển mạnh về số lượng, chất lượng và chủng loại, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, nhà ở. Khi Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành VLXD trong nước cũng chịu sự tác động của các xu thế phát triển trên thế giới.

Do đó, việc ban hành các chủ trương, chính sách để ngành công nghiệp VLXD phát triển nhanh, bền vững là một yêu cầu cấp bách" - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần