Ngày mai 2/11, Dự thảo Luật Giáo dục Đại học sẽ được trình Quốc hội xem xét

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong Luật Gáo dục Đại học, Bộ sẽ giao quyền cho các trường in ấn phôi bằng, cấp và chịu trách nhiệm về chất lượng bằng. Như vậy, mỗi trường sẽ có một loại bằng riêng, không còn tình trạng các bằng đồng loạt như hiện nay, khi Bộ cấp phôi bằng.

Ngày mai, 2/11, Dự thảo Luật Giáo dục Đại học sẽ được trình Quốc hội xem xét. Ngay từ khi bắt đầu soạn, Dự thảo luật chuyên ngành đầu tiên của ngành giáo dục này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, nhất là các chuyên gia trong ngành. Nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến đã được tổ chức, trong đó có không ít ý kiến khá "gay gắt" đã được gửi đến cơ quan soạn thảo là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngay trước khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đăng đàn để báo cáo Quốc hội, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bùi Văn Ga xung quanh Dự thảo này.

- Thưa Thứ trưởng, nội dung của Dự thảo Luật Giáo dục Đại học có những điểm nổi bật gì?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga:
Luật Giáo dục là luật khung cho các bậc học từ mầm non đến đại học còn Luật Giáo dục Đại học thì chuyên sâu hơn, cụ thể hóa một số vấn đề của đào tạo hệ cao đẳng, đại học và sau đại học mà Luật Giáo dục đề cập chưa sâu.

Cụ thể, Dự thảo đề cập đến hết các vấn đề của giáo dục đại học, trong đó có những vấn đề lâu nay trở thành vấn đề lớn của giáo dục đại học như phân tầng đại học, xã hội hóa giáo dục đại học, tự chủ đại học, kiểm định chất lượng đào tạo. Tất cả những vấn đề đó được Luật lần này bao quát ở những mức độ khác nhau. Những vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều thì Luật sẽ đưa mang tính khái quát. Còn những điều đã được kiểm định chắc chắn tốt thì được đưa vào thành những điều khoản cụ thể.

Ví dụ như về tổ chức đại học, trước đây, trong Luật Giáo dục chưa nói rõ đến đại học hai cấp là đại học vùng và đại học quốc gia. Hoặc vấn đề phân tầng đại học, các trường có chương trình hướng nghiên cứu và trường hướng nghề nghiệp, lần này sẽ được đưa vào Luật, giúp các trường định hướng phát triển để đào tạo lao động phù hợp với nhu cầu xã hội.

Về tự chủ đại học, Luật cụ thể hóa việc giao quyền tự chủ cho các trường về mức độ, lộ trình.

Kiểm định chất lượng giáo dục đại học cũng là vấn đề mới của Luật Giáo dục Đại học mà Luật Giáo dục chưa đề cập đến. Bộ chủ trương tiến đến xếp hạng các trường để xã hội có thể ghi nhận, biết được năng lực đào tạo của từng trường.

- Dự thảo Luật Giáo dục Đại học đã nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của rất nhiều chuyên gia. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp thu các ý kiến này như thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trong quá trình soạn thảo, Bộ đã tổ chức và dự nhiều hội thảo của nhiều cơ quan khác nhau như Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội... Bộ cũng đưa nội dung Dự thảo lên website để lấy ý kiến đóng góp. Tất cả các ý kiến đều được Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe và tiếp thu để bổ sung hợp lý, giúp Dự thảo Luật gần thực tiễn và có thể đưa vào cuộc sống ngay khi ban hành.

Ví dụ như vấn đề về lợi nhuận và phi lợi nhuận của các trường ngoài công lập. Điều này khó rạch ròi nhưng đã được đưa vào Luật, quy định các khoản trường dùng để tái đầu tư thì không chịu thuế, khoản nào chia cho người đóng góp vốn thì chịu thuế theo pháp luật. Nghĩa là lợi nhuận hay phi lợi nhuận sẽ phụ thuộc vào cân bằng tài chính cuối năm, hợp lý hơn là việc các trường tuyên bố phi lợi nhuận nhưng sau đó vẫn hoạt động vì lợi nhuận.

Tự chủ đại học cũng là nội dung được nhiều ý kiến đóng góp và là nội dung quan trọng của Dự thảo Luật mà Bộ quan tâm.

Các chuyên gia, nhà khoa học muốn các trường được tự chủ hoàn toàn. Thế nhưng với nước ta hiện nay không làm như thế được. Ví dụ như các sai phạm ở cơ sở giáo dục đại học, người dân đều phải nhờ cơ quan quản lý can thiệp. Giữa người học và trường không giải quyết được với nhau. Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đào tạo chưa được như mong muốn.

Khi nào trách nhiệm đó được nâng lên, nhà trường và người học tự xử lý với nhau theo quan hệ dân sự, khi đó mới có thể an tâm giao quyền tự chủ toàn quyền cho các trường.

Nhưng hiện nay nếu có sai sót cuối cùng vẫn là Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan nhà nước đứng ra xử lý. Vì thế, việc giao quyền tự chủ phải có lộ trình và phụ thuộc vào năng lực của từng trường để một mặt giao quyền tự chủ cho các trường, mặt khác không để cho hệ thống giáo dục của chúng ta bị xáo trộn, ít nhất là trong thời gian ngắn tiếp theo.

- Tại cuộc hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Giáo dục Đại học của Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, một số ý kiến cho rằng Dự thảo này chưa “chín”, còn thiếu sót và cần được bổ sung để trình Quốc hội sau. Vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn quyết định sẽ trình Quốc hội vào ngày 2/11 sắp tới, thưa ông?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Nói thiếu sót thì không đúng vì tất cả các điều khoản đưa vào Luật đã căn cứ vào các văn bản, các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đã xử lý các vấn đề mới, bức xúc của giáo dục đại học như tôi đã nói ở trên.

Quần chúng và các nhà khoa học kỳ vọng rằng luật ngay sau khi ra đời có thể giải quyết được tất cả các vấn đề của giáo dục đại học, nhưng trên thực tế thì không có luật nào đáp ứng được điều đó cả. Luật chỉ giải quyết các vấn đề cơ bản.

Không phải cái gì mình muốn đều đưa vào luật lần này mà chỉ đưa ở mức độ những gì đã được kiểm nghiêm. Những văn bản dưới luật sẽ xử lý tiếp những vấn đề mà ban soạn thảo cảm thấy chưa chắc chắn vì việc sửa luật sẽ tốn nhiều thời gian và phức tạp. Nếu những văn bản dưới luật thấy tốt thì sẽ bổ sung luật vào năm sau.

- Mùa tuyển sinh vừa qua, rất nhiều trường đại học, cao đẳng, nhất là trường ngoài công lập, đã không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Trong khi đó, một số địa phương như Đà Nẵng, Nam Định tuyên bố không tuyển nhân sự bằng tại chức, dân lập. Điều này liệu có ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa giáo dục? Trong Dự thảo Luật Giáo dục Đại học sắp trình Quốc hội, có điều khoản nào đề cập đến vấn đề này, thưa ông?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Mỗi khi có trường thành lập thì Bộ đều kiểm tra. Nhưng đó chỉ là điểm xuất phát, với điều kiện đó các trường có thu hút được sinh viên hay không lại là chuyện khác.

Không chỉ năm nay mà các năm trước, nhiều trường, nhất là các trường dân lập cũng khó khăn trong tuyển sinh. Nhưng năm nay có thể họ khó khăn hơn do thí sinh đã có nhiều lựa chọn và chọn thận trọng hơn. Có nhiều thí sinh đạt điểm trên mức sàn nhưng không được vào học. Nguồn tuyển là không thiếu, nhưng thí sinh không tin tưởng. Không có chính sách nào buộc các em phải học ở trường này hay trường kia, đó là quyền lựa chọn của các em. Vì thế, các trường khó tuyển phải nâng cao chất lượng đào tạo mới thu hút được người học.

Tuy nhiên, cũng không phải chỉ 5, 7 năm là trường đã khẳng định được thương hiệu. Để xây dựng được tên tuổi trường đại học không thể tính đơn vị năm mà phải vài chục năm.

Về vấn đề tuyển dụng, không nên phân biệt bằng công lập với dân lập vì thực tế, có nhiều trường ngoài công lập đã nâng cao chất lượng, thu hút được thí sinh và phát huy được các năng lực của các em trong các lĩnh vực. Vì thế, nên có sự bình đẳng.

Luật Giáo dục đã khẳng định giá trị pháp lý là như nhau. Luật Giáo dục Đại học sẽ cụ thể hơn giá trị văn bằng này thông qua chất lượng của từng trường.

Trong Luật Gáo dục Đại học, Bộ sẽ giao quyền cho các trường in ấn phôi bằng, cấp và chịu trách nhiệm về chất lượng bằng. Như vậy, mỗi trường sẽ có một loại bằng riêng, không còn tình trạng các bằng đồng loạt như hiện nay, khi Bộ cấp phôi bằng. Bên cạnh đó, tiến tới, chúng ta sẽ xếp hạng các trường, người tuyển dụng dễ dàng biết được chất lượng của bằng cấp. Về giá trị pháp lý là như nhau nhưng người tuyển dụng không nhận vì về mặt chất lượng, anh thua trường kia. Vì thế, Luật sẽ mở ra những cạnh tranh lành mạnh trong toàn hệ thống để nâng cao chất lượng.

- Nhưng thực tế là hiện chúng ta mới thắt chặt đầu vào còn khá buông lỏng đầu ra. Vậy Dự thảo Luật có đề cập như thế nào đến vấn đề này để nâng cao chất lượng sinh viên khi tốt nghiệp?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Đúng là trong quá khứ chúng ta chưa có biện pháp kiểm soát chất lượng trong quá trình đào tạo và đầu ra. Hiện Bộ đã yêu cầu các trường công bố chuẩn đầu ra, nhưng từ lức công bố đến lúc học xong phải mất 4, 5 năm, việc đào tạo ra sao để đạt chất lượng này không có kiểm soát.

Vì thế, trong Luật lần này đã đưa kiểm định chất lượng và đảm bảo chất lượng là biện pháp cần thiết để đảm bảo trong suốt quá trình đào tạo, nhà trường luôn phải tự kiểm định, tự đánh giá anh đang ở mức độ nào, đó là đánh giá trong.

Bên cạnh đó còn có đánh giá ngoài, là cơ quan kiểm định đến đánh giá. Trong suốt quá trình hoạt động đều được cơ quan này “nhòm ngó”. Các cơ quan nhà nước đủ uy tín làm việc này và sẽ công bố công khai. Những trường được công bố là chất lượng không tốt nhưng sinh viên ra lại toàn khá giỏi thì xã hội cũng không tin tưởng. Như vậy, chúng ta sẽ thắt chặt được đầu ra.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần