Ngày mai, xét xử nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Diệp Dũng

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” do Diệp Dũng cùng đồng phạm thực hiện đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 115 tỷ đồng.

Dự kiến ngày mai 28/12, TAND TP Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo thuộc Saigon Co.op, gồm: Diệp Dũng (SN 1968, nguyên Chủ tịch HĐQT), Nguyễn Thành Nhân (SN 1976, nguyên Tổng Giám đốc đến năm 2019), Hồ Mỹ Hòa (SN 1979, nguyên Giám đốc Phòng tài chính), Võ Thành Trung (SN 1978, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Đô thị Mới) và Tôn Thất Hào (SN 1967, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Đại Á) về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.

Bị cáo Diệp Dũng khi chưa bị bắt. Ảnh: Báo CAND.
Bị cáo Diệp Dũng khi chưa bị bắt. Ảnh: Báo CAND.

Nhóm bị cáo khác cũng thuộc Saigon Co.op, bị xét xử tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", gồm: Trần Trung Liệt (SN 1961, nguyên Kế toán trưởng đến năm 2017), Hàng Thanh Dân (SN 1961, nguyên ủy viên HĐQT, Trưởng ban kiểm soát), Phạm Thị Minh Ngọc (SN 1978, nguyên Phó Ban kiểm soát, Trưởng Ban kiểm toán nội bộ) và Nguyễn Thị Thùy Trang (SN 1965, nguyên ủy viên Ban kiểm soát).

Cáo trạng của Viện KSND TP Hồ Chí Minh, xác định chủ mưu vụ án này là Diệp Dũng, với vai trò Chủ tịch HĐQT đã không thông qua HĐQT Saigon Co.op. Cụ thể, ngày 19/8/2016 Dũng tự ý ký hợp đồng hợp tác đầu tư (HTĐT) số 01/2016/HĐHTĐT với Tôn Thất Hào - Giám đốc Công ty Đại Á (300 tỷ đồng) và hợp đồng HTĐT số 02/2016/HĐHTĐT với Võ Thành Trung - Tổng Giám đốc Công ty Đô Thị Mới (700 tỷ đồng). Đồng thời, ký ủy nhiệm chi chuyển 1.000 tỷ đồng trong số 3.000 tỷ đồng của Saigon Co.op huy động vốn để thực hiện thương vụ mua Big C và mở rộng mạng lưới Saigon Co.op (là tài sản của Saigon Co.op) cho 2 công ty trên.

Theo hợp đồng HTĐT, Saigon Co.op được nhận tỷ lệ lợi nhuận cố định 7%/năm, thời hạn 3 tháng và được thanh toán lãi một lần vào cuối kỳ hợp tác, hợp đồng được gia hạn thời gian hợp tác theo 4 phụ lục hợp đồng (PLHĐ).

Đến ngày 24/3/2018, Diệp Dũng tiếp tục không thông qua HĐQT Saison Co.op, tự ký thỏa thuận bổ sung (TTBS) để điều chỉnh tỷ lệ lợi nhuận từ 7%/năm thành 0%/năm, để Công ty Đại Á và Công ty Đô Thị Mới không phải trả khoản lợi nhuận 7% (kể cả lãi từ việc cho vay và gửi tiết kiệm của 2 công ty này).

Đối với Tôn Thất Hào trong quá trình ký các văn bản với Diệp Dũng đều không có căn cứ thể hiện HĐQT Saigon Co.op chấp thuận việc HTĐT, nhưng Hào vẫn ký theo chỉ đạo của Diệp Dũng, và cũng không thông báo cho cổ đông Công ty Đại Á biết. Quá trình ký kết, Hào không có phương án, mục đích sử dụng 300 tỷ đồng, chỉ gửi ngân hàng (từ ngày 19/8 đến 9/11/2016, phát sinh lãi 2.004.569.986 đồng), sau đó ký hợp đồng ủy thác đầu tư (UTĐT) cho Công ty Hải Dương góp vốn quay trở lại Saigon Co.op.

Tương tự, Võ Thành Trung sau khi ký hợp đồng với Diệp Dũng, và nhận 700 tỷ đồng rồi đem tiền này gửi ngân hàng, cho vay ngắn hạn (phát sinh lãi 7.174.433.086 đồng). Tiếp đó, Trung ký hợp đồng UTĐT với Công ty Hải Nam (200 tỷ đồng), Công ty Thành Nam (200 tỷ đồng) và với bà Nguyễn Thị Phương Thảo (300 tỷ đồng) để góp vốn ngược vào Saigon Co.op.

Đối với Hồ Mỹ Hòa, là người trực tiếp thực hiện theo chỉ đạo của Diệp Dũng trong việc sử dụng 1.000 tỷ đồng từ 3.000 tỷ đồng (tiền huy động vốn), để ký 2 hợp đồng HTĐT với Công ty Đại Á và Đô Thị Mới (Hòa ký nháy từng trang trong 2 hợp đồng và PLHĐ, để gia hạn hợp đồng các lần 1, 2, 3). Khoảng tháng 4/2018, Hòa nhận được PLHĐ lần 4 và bản TTBS giảm tỷ lệ lợi nhuận từ 7%/năm thành 0%/năm, dù biết trái pháp luật nhưng vẫn cung cấp cho Phòng Kế toán hạch toán 2 hợp đồng này.

 

Trước đó vào ngày 24/8/2022, TAND TP Hồ Chí Minh tuyên phạt Diệp Dũng 2 năm tù về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước”, hiện bị cáo này đã chấp hành xong hình phạt và án phí của tội danh này.

Cũng theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, Hòa không kiểm tra tính pháp lý các hợp đồng, PLHĐ, và các văn bản liên quan; khi phát hiện sai phạm lại không đề xuất Ban Tổng Giám đốc xem xét, ngăn chặn hậu quả. Đối với Trần Trung Liệt, cáo trạng xác định sau khi tài khoản chuyên dụng nhận 3.000 tỷ đồng là tiền huy động vốn từ các nhà đầu tư, theo chỉ đạo của Diệp Dũng, khi Phòng Tài chính chuyển hồ sơ liên quan 2 hợp đồng HTĐT, Liệt và Dũng lập các bảng kê để lập ủy nhiệm chi chuyển 1.000 tỷ đồng từ tài khoản chuyên dùng sang tài khoản thanh toán. Tiếp đó, Liệt ký 2 ủy nhiệm chi chuyển 1.000 tỷ đồng sang tài khoản của Công ty Đại Á và Công ty Đô Thị Mới dù biết sai mục đích sử dụng vốn huy động của Saigon Co.op.

Phiên tòa dự kiến từ ngày 28/12 - 29/12.