Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11): Nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật cho Nhân dân

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 8 năm qua, Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) luôn được TP Hà Nội quan tâm, tích cực hưởng ứng, tổ chức hiệu quả với các cách làm mới sáng tạo, nhiều mô hình hay, nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật cho Nhân dân.

Nhiều cách làm hay được áp dụng, nhân rộng

Năm 2021 là năm thứ 8 TP Hà Nội hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Chủ đề hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2021 của TP Hà Nội là “Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11/2021, các cấp, các ngành thành phố Hà Nội nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đổi mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp đẩy lùi đại dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội".

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, TP Hà Nội luôn là địa phương đi đầu trong cả nước với nhiều cố gắng, nỗ lực để triển khai toàn diện, hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật. Đặc biệt, Hà Nội khai thác tối đa các ứng dụng công nghệ thông tin, sức mạnh truyền thông, vai trò của các cơ quan báo chí trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nói chung, thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nói riêng.

8 năm qua, Ngày Pháp luật Việt Nam luôn được TP Hà Nội quan tâm, tích cực hưởng ứng, tổ chức hiệu quả với các cách làm mới sáng tạo

Những hoạt động nổi bật của TP Hà Nội trong triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật thể hiện ở công tác chỉ đạo, hướng dẫn, quán triệt tổ chức hưởng ứng, được TP quan tâm, thực hiện bài bản, nghiêm túc gắn với triển khai thi hành Luật PBGDPL, các văn bản mới được ban hành và công tác xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật. Hà Nội đã phát huy đầy đủ vai trò tư vấn, chỉ đạo của Hội đồng Phối hợp PBGDPL và vai trò nòng cốt trong tham mưu của Sở Tư pháp.

Nội dung, hình thức thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật ngày càng được đổi mới, đa dạng, phong phú về nội dung và cách thức, không chỉ trên diện rộng mà còn chú trọng đến chiều sâu, gắn với nhiệm vụ chính trị của Thủ đô. Nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo đã được áp dụng, nhân rộng.

Điểm nhấn tại Hà Nội trong những năm qua, đó là các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến do TP Hà Nội tổ chức đã tạo được sức lan tỏa lớn, động viên mọi tầng lớp Nhân dân tích cực tìm hiểu, chấp hành pháp luật và đưa pháp luật vào cuộc sống. Các cuộc thi trực tuyến luôn thu hút số lượng lớn người tham gia, như Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến” năm 2019 có 867.000 lượt người tham gia; Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường và quy tắc ứng xử gắn với việc bảo vệ môi trường” năm 2020 có hơn 18 triệu lượt truy cập, 629.484 lượt bài dự thi (402.455 bài thi chính thức).

100% cán bộ, giáo viên và học sinh trường THCS Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (từ 12 tuổi trở lên) đã tham gia cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19”. Trong đó, em Chu Kỳ Anh đạt giải Nhất cuộc thi 

Đáng chú ý, trong năm 2021, TP Hà Nội tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19”, được phát động, bắt đầu thi từ ngày 20/6/2021 và kết thúc vào 24 giờ ngày 1/8/2021. Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, sinh viên, học sinh và Nhân dân, với hơn 1 triệu người tham dự, đã thực sự tạo thành một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, một cuộc vận động lớn trong xã hội trong phong trào tìm hiểu kiến thức pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19.

“Việc tổ chức cuộc thi theo hình thức trực tuyến phù hợp với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, đảm bảo tuân thủ các biện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Hà Nội. Đồng thời, góp phần nâng cao, rèn luyện kiến thức pháp luật trong phòng, chống dịch. Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu để tham dự cuộc thi đã giúp cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên và Nhân dân nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật về phòng, chống dịch cho cán bộ và Nhân dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL” - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội nhận xét.

Tiếp tục lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật

Tại Hà Nội, trong những năm qua, Ngày Pháp luật đã được các cấp ủy Đảng, sở, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp và Nhân dân Thủ đô hưởng ứng tích cực, đi vào chiều sâu, thiết thực, tạo sự lan tỏa sâu rộng tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trên toàn địa bàn TP; thực sự đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý có ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa xã hội sâu sắc và là ngày hội pháp luật của Nhân dân trên địa bàn Thủ đô. Qua đó, đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng hình ảnh người dân Thủ đô Hà Nội sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, đóng góp tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại.

Năm 2021, việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), được các cấp, các ngành của Hà Nội tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, nhất là trong đợt cao điểm từ thời điểm ban hành kế hoạch này đến hết tháng 11/2021, trọng tâm bắt đầu từ ngày 15/10 đến 15/11. Trong đó tập trung vào tuyên truyền, giáo dục ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật; biểu dương gương “Người tốt, việc tốt” trong tuyên truyền, xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội.

Ngày 5/11, đại diện Sở Tư pháp Hà Nội đã trao giải Ba tập thể Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19” cho UBND quận Ba Đình 

Trong đó, Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay được các ngành, các cấp TP tổ chức nhằm tiếp tục lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong xã hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn TP; thiết thực chào mừng các sự kiện lớn của đất nước, Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 ; thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đưa Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP Hà Nội vào cuộc sống, đẩy lùi đại dịch Covid-19 ; gắn liền với việc tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân.

Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật, qua các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam cũng nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật. Góp phần giải quyết những vấn đề dư luận người dân, xã hội quan tâm, trọng tâm là các lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải cách hành chính; bảo vệ môi trường; đất đai… 

Để ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 thực hiện nghiêm túc, tiếp tục được tổ chức đi vào chiều sâu, lan tỏa tinh thần tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong Nhân dân, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND quận, huyện, thị xã tập trung tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch 218/KH-UBND ngày 5/10/2021 của UBND TP về hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trên địa bàn Hà Nội năm 2021.

 Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Đoàn Luật sư Hà Nội đã trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân tại huyện Thanh Trì về Luật Đất đai

Trong thời gian cao điểm (từ ngày 1/11/2021 đến ngày 9/11/2021), các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị TP; UBND quận, huyện, thị xã tập trung phổ biến, tuyên truyền bằng hình thức phù hợp về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật năm 2021. Sở VH&TT, UBND quận, huyện, thị xã tổ chức treo băng rôn, panô, áp phích tại các tuyến đường chính, các phố lớn, các khu trung tâm, trụ sở cơ quan nhà nước, địa điểm công cộng để truyền thông về Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021. Sở Tư pháp cũng xây dựng phóng sự hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của Hà Nội để tuyên truyền, phổ biến kịp thời, rộng rãi các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam của các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị TP; UBND quận, huyện, thị xã thông qua các hình thức phù hợp, tạo điểm nhấn trong tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.

Việc tổ chức hiệu quả Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay, thực sự đã tạo ra đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng, làm cơ sở để triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, thiết thực nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của sở, ngành, địa phương. Thông qua hoạt động Ngày Pháp luật Việt Nam sẽ phổ biến, tuyên truyền những văn bản pháp luật mới ban hành. Bên cạnh đó, các cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật còn giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến các lĩnh vực pháp luật, từ đó giúp người dân hiểu được các quy định luật pháp và tuân thủ thực hiện. Đặc biệt là các nội dung liên quan đến thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội; chính quyền điện tử; dịch vụ công trực tuyến; vệ sinh môi trường; trật tự xây dựng và đô thị; an sinh xã hội.... Bên cạnh đó, Ngày Pháp luật còn là cơ hội để người dân tham gia thể hiện sự hiểu biết của mình về pháp luật và có những góp ý tham gia vào công tác xây dựng luật pháp.

Ngày Pháp luật Việt Nam bắt nguồn từ sáng kiến của địa phương. Xuất phát từ nhu cầu đa dạng hóa các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật đã tổ chức triển khai mô hình này với tính chất là một ngày sinh hoạt pháp luật tập trung để cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật. Từ mô hình này, năm 2010, Hội đồng Phối hợp công tác Phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ (nay là Hội đồng Phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật T.Ư) đã hướng dẫn việc nhân rộng trên phạm vi toàn quốc và được đánh giá là một cách làm mới, tích cực, góp phần đa dạng hóa các hình thức Phổ biến giáo dục pháp luật hiện có.

Ngày 20/6/2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Xuất phát từ vai trò của pháp luật, ý nghĩa của Hiến pháp năm 1946 - Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với những giá trị về tư tưởng pháp quyền, quyền lực thuộc về Nhân dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và thực tiễn triển khai mô hình “Ngày Pháp luật”, kết hợp với tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật đã quy định ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 8) - Ngày Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thông qua Hiến pháp năm 1946. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.