Ngày thứ hai xử phúc thẩm đại án tham nhũng tại Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội

Bài, ảnh: Thái Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/12, phiên tòa phúc thẩm đại án tham nhũng tại Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội gây thiệt hại gần 2.500 tỷ đồng bước sang ngày thứ 2.

Tại phiên xử này, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tập trung làm rõ tư cách pháp nhân, số vốn điều lệ của Công ty CP Lifepro Việt Nam và Công ty Vietmade do bị cáo do Lê Minh Hiếu làm giám đốc.

Bị cáo Phạm Thị Bích Lương (đứng) cùng các đồng phạm tại phiên tòa ngày 19/12.
Theo hồ sơ vụ án, tháng 10/2010, Công ty CP Lifepro Việt Nam ký 2 hợp đồng liên kết kinh tế để nhập khẩu nguyên liệu may mặc cho Dự án Dệt - Nhuộm - may của Công ty CP Enzo Việt do 5 người nước ngoài làm chủ. Mục đích, để Công ty CP Lifepro Việt Nam sử dụng các hợp đồng này vay tiền của ngân hàng. Trên cơ sở 2 hợp đồng liên kết, Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội đã giải ngân hơn 9,3 triệu Euro và hơn 6 triệu USD.
Cũng với việc ký hợp đồng liên kết kinh tế với Công ty Enzo Việt nhằm vay tiền của Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội, Công ty Vietmade do bị cáo Hiếu làm chủ đã vay được gần 3 triệu euro. Tính đến thời điểm khởi tố vụ án (9/2012), tiền dư nợ của các DN vay vốn và tài sản thực trạng là gần 3.500 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ các khoản thì các công ty này còn dư nợ hơn 2.400 tỷ đồng.
Quá trình xét hỏi tại tòa cho thấy, Công ty CP Lifepro Việt Nam đăng ký vốn điều lệ là 200 tỷ đồng nhưng trên thực tế chỉ có 1 tỷ đồng, còn Công ty Vietmade cũng đăng ký vốn điều liệu 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo lời khai của bị cáo Hiếu tại toà, vốn thực tế của Công ty Vietmade chỉ có từ 600 - 700 triệu đồng. Tiền và tài sản không có nhưng hai công ty của Hiếu đã ký 2 hợp đồng kinh tế với Công ty Enzo Việt (sau đổi tên thành Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam) để vay vốn ở ngân hàng.

Trong khi đó, trình bày tại tòa, ông Doãn Chí Công - thành viên HĐQT Công ty Vietmade cho biết, khi thành lập công ty có tham gia góp vốn trên giấy tờ là 300 triệu nhưng thực tế chỉ góp 20 triệu đồng. Từ năm 2008, bản thân ông và anh trai có đề nghị Hiếu cho ra khỏi công ty. Theo đó, ông Công phủ nhận việc có tham gia ký vào quyết định vay vốn của ngân hàng. Đối đáp lại, bị cáo Hiếu cho biết, các cuộc họp của 2 công ty có các thành viên HĐQT tham gia và đều có chữ ký của họ. Đồng thời khẳng định, các biên bản, chữ ký trong hồ sơ vay vốn đều là thật.

Theo bị cáo Hiếu, sau khi vụ án xảy ra, Công ty Vietmade hầu như không hoạt động, tài sản không có gì và vốn lưu động cũng không có. Với Công ty CP Lifepro Việt Nam, khi xảy ra vụ án, do không thu hồi được nợ nên tài sản công ty này dường như không có gì. Trong khi đó, Chi Cục thuế Nam Từ Liêm (đơn vị quản lý DN của bị cáo Hiếu) cho hay, từ năm 2012 - 2015, Công ty CP Lifepro Việt Nam vẫn đóng gần 80 triệu đồng các khoản thuế theo quy định. Còn Công ty Vietmade hoạt động nhưng chưa có doanh thu…