Nghệ An: Xúc động chương trình nghệ thuật "Truông Bồn – Dấu chân anh hùng"

Hoàng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 29/10, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Truông Bồn (xã Mỹ Sơn), báo Nhân Dân phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt "Truông Bồn - Dấu chân anh hùng”. Chương trình nhằm tri ân, tưởng niệm, kỷ niệm 55 năm sự kiện lịch sử Truông Bồn.

Tham dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị , Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung Ương Nguyễn Xuân Thắng; Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng; Lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; báo Nhân Dân; Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh; Các Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân gia đình liệt sĩ, Thanh niên xung phong và đông đảo quần chúng Nhân dân.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Truông Bồn - Dấu chân anh hùng" đã mang đến nhiều cảm xúc đặc biệt. 
Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Truông Bồn - Dấu chân anh hùng" đã mang đến nhiều cảm xúc đặc biệt. 

Phát biểu khai mạc chương trình, Tổng Biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh bày tỏ lòng biết ơn sự hi sinh anh dũng của các bậc tiền bối, 13 liệt sĩ Thanh niên xung phong thuộc Đại đội 317, Tổng đội Thanh niên xung phong Nghệ An đã ngã xuống vì tuyến đường huyết mạch, vì hòa bình và độc lập, tự do của Tổ quốc, Nhân dân...

“Tưởng nhớ các liệt sĩ Truông Bồn, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nước, thêm một lần chúng ta khẳng định Nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử. Sức mạnh vượt trội của thời đại Hồ Chí Minh là sức mạnh của Nhân dân, của dân tộc khi có sự lãnh đạo của Đảng, là sức mạnh của văn hóa Hồ Chí Minh, là sự không tách rời của quan hệ máu thịt giữa dân và Đảng", ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Phát biểu tại chương trình  Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng gửi tới các lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, thân nhân liệt sĩ, cùng toàn thể Nhân dân tình cảm quý trọng, lời thăm hỏi thân thiết và lòng biết ơn sâu sắc nhất.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại chương trình.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại chương trình.

“Truông Bồn - Dấu chân anh hùng” là hoạt động có ý nghĩa to lớn, tôn vinh truyền thống cách mạng vẻ vang của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, những người có công với cách mạng, góp phần tăng cường giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và trách nhiệm của thế hệ hôm nay. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương Nghệ An đã được hun đúc trong khối óc, trái tim và ý chí của những con người kiên trung, kiên cường bám trụ tuyến đầu. Cùng với đồng bào cả nước, các chiến sĩ, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và toàn thể người dân Nghệ An đã dốc lòng, tiếp sức cho những vòng xe lăn bánh, đưa vũ khí, đạn dược và bộ đội ta vào chiến trường, chiến đấu cho đến ngày toàn thắng...

“Hy sinh lớn lao của những người con dũng cảm ấy đã góp dòng máu đỏ, hiến dâng tuổi trẻ của mình vào những chiến công của quân và dân Nghệ An, vào chiến thắng của dân tộc, mang lại hòa bình cho đất nước. Những cái tên, những gương mặt của tuổi thanh xuân ấy đã hóa thân vào lịch sử, sẽ mãi mãi được đời sau tri ân, ghi nhớ...” , Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Trao tặng quà cho gia đình thân nhân các liệt sĩ Truông Bồn
Trao tặng quà cho gia đình thân nhân các liệt sĩ Truông Bồn

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Truông Bồn- Dấu chân anh hùng” đã tái hiện lại những tháng năm lịch sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc, của đất nước ta, nơi tọa độ lửa Truông Bồn, dẫu có trăm ngàn tấn bom đạn của giặc cày xới, rải thảm với ý đồ chặt đứt cung đường viện trợ lương thực, súng đạn, thuốc men...cho Nhân dân miền Nam ruột thịt yên tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm, nhưng quân và dân ta vẫn gan dạ, kiên trung giữ được sự huyết mạch cho cung đường ấy.

Mỗi chiến sĩ, mỗi thanh niên xung phong, bà con Nhân dân trên tọa độ lửa Truông Bồn, là mỗi cột mốc sống, kiên cường trước mưa bom, bão đạn, các anh, các chị sẵn sàng ngã xuống, hy sinh anh dũng để tuyến đường, bảo đảm sự chi viện kịp thời cho miền Nam ruột thịt. Máu của các anh, các chị đã hòa vào cung đường, hòa vào lòng đất mẹ với ý chí quật cường quyết tử cho tổ quốc quyết sinh...Chương trình nghệ thuật đã để lại trong tâm khảm bao người dân sự xúc động, lòng biết ơn về những người chiến sĩ, những người con kiên trung của dân tộc.

Những tiết mục nghệ thuật đắc sắc trong chương trình. 
Những tiết mục nghệ thuật đắc sắc trong chương trình. 

Chương trình nghệ thuật gồm, chương 1 là những ca khúc ca ngợi chiến thắng Truông Bồn, ghi nhớ công ơn những người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho hòa bình và tự do cho dân tộc, “Có những tuổi 20 như thế” và “Linh thiêng Việt Nam” do ca sĩ Đức Tuấn thể hiện, và “Nhớ về Truông Bồn” do nghệ sĩ Quỳnh Thương thể hiện…; chương 2 “Lửa hồng tiếp bước tương lai”, là câu chuyện xúc động về nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Hoài mượn chiếc balo của chiến sĩ Nguyễn Hữu Võ để về thăm nhà trước ngày diễn ra trận chiến, nhưng ý định này không bao giờ trở thành hiện thực, vì chị Nguyễn Thị Hoài sau đó đã hy sinh...

Chiến tranh đã lùi xa, sự kiện lịch sử Truông Bồn nay đã 55 năm, nhưng những cống hiến to lớn, sự hi sinh anh dũng, quật cường và quả cảm của các anh, các chị, 13 liệt sĩ Thanh niên xung phong tại tọa độ lửa Truông Bồn luôn được hậu thế hôm nay ghi nhớ, tri ân, tưởng niệm. Nơi các anh chị ngã xuống, hi sinh anh dũng nay trở thành một khu di tích đặc biệt, địa chỉ đỏ, tượng đài ghi ơn tạc dạ những cống hiến bằng máu thịt của các anh chị cùng Nhân dân, dân tộc viết nên những trang sử vẻ vang, oanh liệt và hào hùng một thuở...

Thông qua chương trình này, các doanh nghiệp cũng đã phối hợp cùng báo Nhân Dân trao tặng tỉnh Nghệ An 50 ngôi nhà tình nghĩa trị giá 2,5 tỷ đồng, trao sổ tiết kiệm cho gia đình thân nhân liệt sĩ Truông Bồn, thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn số tiền lên tới 300 triệu đồng...

 

 Lúc 4 giờ sáng ngày 31/10/1968, Tiểu đội 2 – “Tiểu đội thép” do chị Trần Thị Thông làm Tiểu đội trưởng nhận được mệnh lệnh “Bằng mọi giá phải mở đường máu” để cho đoàn xe quân sự đi qua Truông Bồn trước khi trời sáng. Đến 6 giờ 10 phút, khi công việc nặng nhọc sắp hoàn thành thì bất ngờ một tốp máy bay địch lao tới trút 152 quả bom. Truông Bồn chìm trong khói lửa trong ngổn ngang mảnh bom và đất đá. Ngớt tiếng bom, Đại đội thanh niên xung phong 317 cùng các đơn vị bạn dồn sức đào bới, tìm kiếm các chị, các anh. Cả tiểu đội còn 1 người sống sót duy nhất là Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông.


11 nữ thanh niên xung phong gồm Trần Thị Doãn, Hà Thị Đang, Hoàng Thị Nhung, Nguyễn Thị Tâm, Phan Thị Dung, Nguyễn Thị Phúc, Vũ Thị Hiên, Đoàn Thị Bốn, Thái Thị Văn, Nguyễn Thị Hoài, Đinh Thị Vinh và 2 nam là Trần Văn Hạp, Cao Ngọc Hòa của “ Tiểu đội thép” đã hy sinh...