Nghề mây tre đan Thái Hòa trước nguy cơ mai một

Bài, ảnh: Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mây tre đan (MTĐ) từng là nghề cho thu nhập chính của người dân thôn Thái Hòa, xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ.

Thế nhưng tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo sự xuất hiện ồ ạt của các khu công nghiệp đã thu hút một lượng lớn lao động và đẩy làng nghề đứng trước nguy cơ bị mai một.
Bỏ nghề vì thu nhập thấp
Là người đã gắn bó với nghề MTĐ 30 năm nay, chị Nguyễn Thị Mai nhớ lại thời hoàng kim của làng nghề trong sự tiếc nuối. Vào đầu những năm 2000 là thời kỳ hưng thịnh nhất của nghề MTĐ Thái Hòa khi cả làng, thậm chí cả xã nhà nào cũng làm nghề MTĐ. Những ngày trời nắng, khắp xã được phủ trắng một màu của MTĐ. Nghề MTĐ phù hợp với mọi lứa tuổi lao động, vì vậy thu hút rất đông  lao động tham gia. “Tôi nhớ mãi hình ảnh những cụ ông, cụ bà đi họp trên ủy ban cũng tranh thủ mang theo mấy thanh tre để vót nan. Còn bọn trẻ thì dù đang ngồi vắt vẻo trên lưng trâu nhưng tay vẫn thoăn thoắt vặn nan” – chị Mai kể.

Chị Nguyễn Thị Mai thôn Thái Hòa đang chuẩn bị hàng giao cho khách.

Vào thời điểm đó, gia đình chị Mai cũng là một chủ xưởng lớn trong làng với khoảng 30 lao động làm việc thường xuyên tại  xưởng nhà chị. Ngoài sản phẩm trong xưởng của gia đình, chị Mai còn thu gom hàng của các hộ trong xã để xuất bán. Mỗi ngày, nhà chị xuất đi hàng ngàn sản phẩm.
Thế nhưng, hiện tại, cả khu xưởng rộng lớn tấp nập người lao động xưa của nhà chị, nơi đặt những chiếc máy chuốt nan nay phải nằm đắp chiếu để bụi phủ kín. Nguyên nhân của tình trạng trên là do lao động đã bỏ nghề vào làm cho các công ty. Theo thống kê, toàn thôn Thái Hòa có 600 hộ dân, thời điểm hưng thịnh nhất có tới 95% hộ làm nghề, đến những năm 2014 chỉ còn khoảng 60 hộ và hiện nay số hộ bám trụ với nghề của toàn thôn chỉ còn... đếm trên đầu ngón tay.
Nói về thu nhập từ nghề MTĐ, chị Mai cho biết, thu nhập từ nghề này không cao. Một người làm thạo thì một ngày cũng chỉ kiếm được khoảng 50 – 70 ngàn đồng, còn tranh thủ làm thêm lúc nông nhàn thì chỉ được khoảng 20 – 30 ngàn đồng. Trong khi đó, so với mức lương đi làm công nhân thì có sự chênh lệch khá lớn. Hiện nay, mỗi công nhân làm việc trong công ty có thể thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng/tháng. Từ việc thu nhập thấp và sức hút từ nghề mới đã làm số lao động trong làng nghề giảm đáng kể, đẩy làng nghề trước nguy cơ mai một.
Cần chính sách đặc thù
Trước thực trạng ảm đạm của làng nghề hiện nay, Chủ tịch UBND xã Hợp Đồng Trần Đình Trình cho biết, để giữ nghề truyền thống, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện ưu tiên cho các hộ sản xuất kinh doanh về vốn vay, mặt bằng sản xuất, quảng bá giới thiệu sản phẩm để tìm kiếm khách hàng. Nhờ vậy, hiện nay ngoài tiêu thụ trong nước, sản phẩm MTĐ của làng còn được xuất khẩu sang nước ngoài.
Anh Cường, chủ DN Đức Cường thôn Thái Hòa, xã Hợp Đồng cho biết, mấy năm gần đây nhu cầu tiêu thụ hàng MTĐ của DN là khá lớn, thị trường xuất khẩu có nhiều tiềm năng. Hiện nay, DN Đức Cường xuất khẩu trực tiếp sản phẩm MTĐ sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp…  chủ yếu là các loại khay, hộp quà tặng, hộp bao bì… Tuy nhiên một thực tế đáng buồn là DN tuy đóng trên địa bàn làng nghề MTĐ nhưng lại phải đi nhập gần như hoàn toàn hàng ở những địa phương khác về gia công lại. Hiện nay công ty của anh có khoảng hơn 30 lao động làm gia công hàng MTĐ, nhưng chủ yếu là phụ nữ đã quá tuổi để làm công nhân ở các khu công nghiệp. Đây cũng là điều mà anh trăn trở, bởi chỉ vài năm nữa khi lớp lao động này không còn sức khỏe thì DN cũng như làng nghề sẽ đi đâu, về đâu? Vì vậy, để vực dậy làng nghề đang đứng trước nguy cơ thất truyền, rất cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù đối với những hộ sản xuất, mở lớp dạy nghề miễn phí cho lao động trẻ. Bên cạnh đó, DN cần cải tiến mẫu mã, mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho lao động. Có như vậy mới thu hút lao động quay lại gắn bó với nghề và làng nghề mới có cơ hội được hồi sinh.