Nghệ sĩ xiếc không mặn mà với “sân nhà”

Nhật Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi anh em Giang Quốc Cơ – Giang Quốc Nghiệp nổi tiếng khắp thế giới nhờ phần thi xuất sắc trong chung kết Britain's Got Talent 2018, cả công chúng lẫn giới làm sân khấu trong nước mới giật mình: Nhân tài Việt chỉ tỏa sáng ở sân khấu nước ngoài. Quả là đã từ lâu, nghệ sĩ xiếc không còn mặn mà với sân khấu tròn của rạp xiếc Việt.

 Giang Quốc Cơ và Giang Quốc Nghiệp trong tiết mục dự thi tại Britain's Got Talent. Ảnh: Thanh Loan
Dựng xong... đi Tây
Sau màn biểu diễn gây ấn tượng tại sân khấu Britain's Got Talent, Giang Quốc Cơ và Giang Quốc Nghiệp hé lộ với báo chí, mỗi năm chỉ biểu diễn ở Việt Nam nhiều nhất là 3 tháng. Thời gian còn lại anh em họ đi lưu diễn ở Đài Loan, Mông Cổ, Kazakhtan, Anh, Pháp… Các giải thưởng, huy chương trong nhà Quốc Cơ và Quốc Nghiệp chủ yếu cũng là danh hiệu quốc tế.

Thực tế, không chỉ đến khi cái tên Quốc Cơ – Quốc Nghiệp tỏa sáng, diễn viên xiếc Việt mới chuộng biểu diễn ở nước ngoài. Từ năm 2012, Liên đoàn Xiếc Việt Nam dựng vở “Làng tôi” được coi là hoành tráng, mang bản sắc của một làng quê Việt, nhiều thủ pháp xiếc thể hiện sự đặc sắc. Thế nhưng, cho dù có tạo điều kiện để “Làng tôi” được biểu diễn định kỳ tại Nhà hát Lớn hoặc rạp xiếc T.Ư, thì sau 3 tháng cũng phải... xếp kho vì không có khán giả.
Liên đoàn Xiếc chuyển hướng đưa “Làng tôi” ra nước ngoài trình diễn và đã trở thành show diễn kéo dài vòng quanh thế giới. Hợp đồng biểu diễn cho các vở xiếc Việt với đối tác nước ngoài thường kéo dài cả năm. Khi ký được hợp đồng với các đơn vị nước ngoài, nghệ sĩ, cũng như đoàn biểu diễn trích lại 30% thù lao cho đơn vị chủ quản. Nhưng như tâm sự của cặp nghệ sĩ Hoàng An – Thu Hiệp (đoàn Xiếc TP Hồ Chí Minh) như thế nguồn thu vẫn còn tốt hơn là biểu diễn ở quê nhà.

Vì khán giả Việt thờ ơ

Nghệ sĩ xiếc Việt rất thiếu các sân diễn chuyên nghiệp. Điểm qua cũng chỉ có chương trình nghệ thuật “Ionha” dành cho tour du lịch diễn ra ở Trung tâm nghệ thuật Galaxy (Láng Hạ, Hà Nội) là có đất diễn thường xuyên. Nhưng vở diễn cũng chỉ tạo công ăn việc làm, đất diễn cho gần 30 diễn viên. Bên cạnh đó hơn 100 diễn viên khác của Liên đoàn Xiếc Việt Nam kiếm sống chủ yếu bằng các hợp đồng với đối tác nước ngoài, hoặc chạy sô sự kiện tại các trường học, đám cưới, sinh nhật.
Mai Nguyệt - diễn viên Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: Vào dịp 1/6 và những tháng Hè, cô chạy sô túi bụi cũng chỉ thu nhập 20 triệu đồng/tháng. 10 tháng không thuộc mùa cao điểm nghệ sĩ chỉ có 3 - 5 triệu đồng/tháng tiền lương. Trong khi đó, trước đây, khi còn độc thân, Mai Nguyệt cũng có những hợp đồng biểu diễn ở Đài Loan, Pháp với thu nhập tối thiểu 1.000 USD mỗi tháng.

NSƯT Tạ Duy Ánh – Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam thừa nhận, hiện nay mỗi năm nhà hát không đầu tư nhiều cho các vở diễn mang tính chuyên sâu, mà chủ yếu dựng vở ngắn để phục vụ khán giả nhí mỗi dịp 1/6, Trung thu… Mặc dù, Nhà hát có đầu tư cho các diễn viên học tập nâng cao trình độ, nhưng cũng không có nhiều đất diễn, vì nhu cầu của khán giả nhỏ chỉ là các tiết mục mang tính giản đơn, có sự tương tác và vui mắt.

Hệ thống cơ sở vật chất ở các rạp xiếc lại đang xuống cấp nghiêm trọng.
Nằm giữa trung tâm Thủ đô, địa chỉ 79 Trần Nhân Tông – nơi biểu diễn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam vừa xập xệ, vừa vắng khán giả. Đó là chưa kể, gần đây những tranh cãi trước yêu cầu bỏ các tiết mục xiếc sử dụng động vật hoang dã của Liên minh châu Á vì động vật càng khiến ngành xiếc Việt lao đao, nghệ sĩ càng không mặn mà với sân khấu nước nhà.