Nghệ thuật tuyên truyền phòng chống dịch bệnh: Nghệ sĩ “chuyển động”, nhà hát “đứng yên”

Hà Thư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi trào lưu sáng tác thơ, bài hát tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của từng cá nhân nghệ sĩ đã trở thành hiện tượng được nhiều người đón nhận, thì đời sống văn hóa nghệ thuật Việt lại thiếu vắng hoàn toàn các tác phẩm mang tính dài hơi của các nhà hát chuyên nghiệp.

Cảnh quay trong MV “Tiêu diệt Corona” của nhóm Xẩm Hà Thành.
Không giải trí đơn thuần
Những bài hát, bài thơ mang chủ đề dịch bệnh có thể kể đến như: Bài hát “Ghen cô vy” của nhạc sĩ Khắc Hưng, MV xẩm “Tiêu diệt Corona” của nhóm Xẩm Hà thành, bài thơ “Em đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa” của cô giáo Lê Thị Thúy và được ca sĩ Thanh Cường phổ nhạc thể hiện trong MV cùng tên, MV “Ông bà anh” của ca sĩ, nhạc sĩ Lê Thiện Hiếu…
Những tác phẩm nghệ thuật này không chỉ đơn thuần mang tính giải trí, mà còn là lời động viên gửi đến những người đang ngày đêm làm việc không ngừng nghỉ để đẩy lùi dịch bệnh. Các tác phẩm đó, còn là lời phê phán cho những thái độ không hợp tác, hay là cách tuyên truyền hữu hiệu để người dân có ý thức hơn trong công tác phòng chống dịch.
Nhà phê bình nghệ thuật, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái
“Ghen cô vy” được coi là sản phẩm đặt hàng của Bộ Y tế dành cho nhạc sĩ Khắc Hưng để phục vụ công tác tuyên truyền. Thế nhưng, thành công của tác phẩm và vũ điệu rửa tay trong MV đã vượt biên giới, được phát sóng trên truyền hình các nước để nhắc nhau “cùng rửa tay xoa xoa đều, đừng cho tay lên mắt mũi miệng, hạn chế ra nơi đông người”. Nhạc sĩ Khắc Hưng chia sẻ: “Trước đây, tôi chưa bao giờ dành sự quan tâm đúng mực đến các vấn đề xã hội. Tôi quan tâm hơn đến sự nghiệp, gia đình, tình yêu hay đơn giản hôm nay ăn gì, mặc gì, đi du lịch ở đâu. Cuộc sống của tôi vận hành như thế cho đến khi Covid-19 xuất hiện”.
Với điệu xẩm vui nhộn, bằng nhiều ca từ bắt trend, “Tiêu diệt Corona” đi vào lòng người theo cách bình dị, dí dỏm. Từ việc phòng tránh cho đến dấu hiệu triệu chứng bệnh và cần đến y tế… đã được giai điệu của xẩm truyền đạt đến người nghe. “Hình ảnh những chiến sĩ phải ngủ dưới đất, ngoài trời, nhường chỗ cho người cách ly hay người dân tự nguyện mang đồ ăn, thức uống đến tặng cho những người đang làm nhiệm vụ; rồi chính sách chữa bệnh, cung cấp đồ ăn miễn phí cho vùng cách ly và cả những chiến sĩ áo trắng đã bị lây nhiễm trong cuộc chiến này… đã chạm vào trái tim tôi, để rồi cho tới ngày 22/3 những giai điệu đầu tiên của bài xẩm “Tiêu diệt Corona" mới ra đời. Chỉ trong 3 ngày, ê kíp đã hoành thành từ công đoạn thu âm, quay hình, hiệu đính… Và ngày 26/3, “Tiêu diệt Corona” chính thức góp thêm một tiếng nói nhỏ vào vấn đề chung của cả dân tộc, rộng hơn là của toàn nhân loại” – nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, tác giả bài hát, thành viên của nhóm Xẩm Hà Thành bày tỏ.
Sân khấu chuyên nghiệp “ngủ đông”
Do yêu cầu của Chính phủ, tất cả các sân khấu chuyên nghiệp như: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Rạp Công nhân (Nhà hát Kịch Hà Nội), rạp Đại Nam (Nhà hát Chèo Hà Nội)… đều đóng cửa. Chia sẻ về những khó khăn khi phải đóng cửa, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, NSƯT Sĩ Tiến chia sẻ: “Anh chị em nghệ sĩ thực sự rất buồn bởi không được tập trung đông người thì không được biểu diễn. Đời sống bị ảnh hưởng nhưng tất nhiên chúng tôi cũng đã làm công tác tư tưởng để anh chị em tranh thủ trong thời gian nghỉ có thể trau dồi khả năng, chuẩn bị thêm các chương trình phục vụ thiếu nhi trong dịp 1/6".
Hoặc phía Nhà hát Kịch Việt Nam khi ngừng biểu diễn vì dịch bệnh đã tập trung vào việc họp và tìm ra những đường hướng phát triển trong tương lai... "Chúng tôi cũng làm các công việc còn tồn đọng mà trong năm cũ, vì bận biểu diễn mà chưa có thời gian tập trung, như: Xây dựng quy chế vận hành, quy chế chi tiêu nội bộ, chỉ ra những bước đi phát triển mang tính chiến lược của Nhà hát” – Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - NSƯT Xuân Bắc cho biết. Nghĩa là nhà hát đều làm những công việc nội vụ, cầm chừng chờ ngày mở cửa trở lại.
Nhiều người đặt ra câu hỏi, tư duy sáng tạo nghệ thuật của các nhà hát chuyên nghiệp ở đâu, để không tìm ra các giải pháp có những tác phẩm nghệ thuật gắn với thời sự của đời sống, góp phần cổ vũ tinh thần trong công tác phòng chống dịch? “Vẫn biết, dịch bệnh không được phép tập luyện và biểu diễn đông người nhưng các nhà hát có thể xây dựng kịch bản các vở diễn ngắn, diễn viên tự tập ở nhà, xong ghép cảnh vở với số lượng người diễn dưới 10 người. Thay vì biểu diễn trên sân khấu, các nhà hát tổ chức quay hình và phát qua mạng cho khán giả…” – đề xuất của nickname Minh Hằng.
Sáng tạo nghệ thuật không thể đứng ngoài cuộc sống. Trong thiên tai, dịch bệnh nghệ thuật chính là vũ khí sắc bén để vượt qua khó khăn và giúp ta giành thắng lợi về mặt tinh thần. Thời gian qua, đời sống nghệ thuật của Việt Nam ghi nhận sự vào cuộc của các nghệ sĩ nhưng cũng cần sự vào cuộc hơn nữa của các nhà hát chuyên nghiệp, giúp đời sống của lĩnh vực âm nhạc, sân khấu… “ăn sâu bén rễ” vào tâm thức người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần