Nghi ngờ vụ hỏng đường ống khí đốt Phần Lan là hành động phá hoại

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Phần Lan hôm 10/10 cho biết một tuyến đường ống dẫn khí đốt dưới biển và cáp viễn thông nối Phần Lan và Estonia thuộc Biển Baltic có khả năng bị cố ý phá hoại.

Tổng thống Phần Lan cho biết việc phá hủy đường ống dẫn khí đốt dưới biển và cáp thông tin liên lạc nối Phần Lan và Estonia có khả năng là hành động phá hoại có chủ đích.

Trạm nén của đường ống dẫn khí Balticconnector ở Inkoo, Phần Lan. Ảnh: Reuters
Trạm nén của đường ống dẫn khí Balticconnector ở Inkoo, Phần Lan. Ảnh: Reuters

Trên mạng xã hội X (Twitter trước đây) hôm 10/10, Tổng thống Sauli Niinistö cho biết: “Có khả năng vụ hư hại đường ống dẫn khí và cáp liên lạc là kết quả từ hành động bên ngoài. Nguyên nhân thiệt hại vẫn chưa rõ ràng và công tác điều tra đang được tiếp tục,” ông Sauli viết. 

Ông cũng khẳng định Helsinki “đã liên lạc với các đồng minh và đối tác" cũng như sẵn sàng cho mọi kịch bản. Vụ việc “không làm ảnh hưởng đến an ninh nguồn cung của Phần Lan,” theo nhà lãnh đạo này. 

The Guardian dẫn các nguồn tin thạo tin khẳng định Nga liên quan vụ việc, trong khi các chuyên gia an ninh khu vực cho biết một tàu khảo sát của Nga gần đây đã xuất hiện ở khu vực lân cận đường ống.

Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, cho biết liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương “sẵn sàng chia sẻ thông tin về việc phá hủy cơ sở hạ tầng dưới nước của Phần Lan, Estonia” và “hỗ trợ các đồng minh”.

Chính phủ Phần Lan cho biết trong một tuyên bố rằng nhà chức trách đã phát hiện ra hư hỏng đối với đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Balticconnector và cáp liên lạc nối Phần Lan và Estonia vào khoảng 2 giờ sáng ngày 8/10 (giờ địa phương).

Nhật báo Iltalehti của Phần Lan đưa tin đường ống bị hư hỏng nghiêm trọng và dự kiến sẽ ngừng hoạt động trong vài tháng. Lực lượng biên phòng và cơ quan tình báo quốc phòng nước này đang điều tra vụ việc.

Vô ý hay cố tình?

Người phát ngôn của lực lượng phòng vệ Phần Lan cho biết hiện tại họ không nhận thấy bất kỳ mối đe dọa quân sự nào đối với Phần Lan, và đang điều tra nguyên nhân làm hư hại đường ống.

“Chúng tôi vẫn đang xác minh xem thiệt hại là do cố ý hay vô tình gây ra”, cơ quan này cho biết, mặc dù nói thêm rằng mức độ thiệt hại lớn đến mức có khả năng đây là hành động có chủ ý.

Cục điều tra quốc gia Phần Lan khẳng định, những vết tích hư hại cho thấy đối tượng gây ra phải có "kiến thức đặc biệt".

Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng vào phiên giao dịch chiều 10/10 sau thông tin này. Lo ngại về căng thẳng ở Trung Đông kết hợp với khả năng phá hoại đường ống khiến thị trường khí đốt càng nóng lên.  

Chính phủ Phần Lan cho biết việc sửa chữa sẽ mất nhiều tháng và chi phí khí đốt ở Phần Lan có thể tăng nhẹ trong mùa đông nhưng giá điện sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể.

Đường ống NordStream

Vào năm 2022, các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream qua Biển Baltic giữa Nga và Đức đã bị hư hại do vụ nổ mà chính quyền cho rằng là hành động phá hoại có chủ ý.

Đường ống Balticconnector đi vào hoạt động hồi tháng 12/2019 để giúp kết nối các thị trường khí đốt trong khu vực, giúp Phần Lan và các quốc gia vùng Baltic như Estonia, Latvia và Litva có nguồn cung linh hoạt hơn.

Nhà điều hành hệ thống khí đốt của Litva, Amber Grid, cho biết kho lưu trữ khí đốt Incukalns của Latvia đã chuyển từ lưu trữ khí đốt sang bơm khí đốt ra ngay sau khi Balticconector bị hư hại, để cung cấp cho Estonia.

Phần Lan năm ngoái đã thuê một đơn vị lưu trữ và tái hóa khí nổi (FSRU) để tiếp nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), thay thế nguồn cung cấp từ Nga sau chiến sự tại Ukraine. Dữ liệu LSEG cho thấy phần lớn lượng nhập khẩu LNG của Phần Lan đến từ Mỹ.