Nghĩa Tân - sức bật tuổi 25

Công Trình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ những tuyến đường đất, lầy lội, bụi bẩn quanh năm, người dân chẳng dám ra khỏi nhà sau mỗi trận mưa…, sau 25 năm hình thành và phát triển, thị trấn Nghĩa Tân, tiền thân của phường Nghĩa Tân ngày nay đã trở thành một trong những khu vực đô thị sầm uất, văn minh không chỉ của quận Cầu Giấy mà cả Thủ đô.

Thị trấn Nghĩa Tân ngày ấy...
Thị trấn Nghĩa Tân được thành lập theo Quyết định số 226/QĐ-TCCP, ngày 17/4/1992. Ngày 1/6/1992, lễ công bố Quyết định số 226 được tổ chức trọng thể và được lấy là ngày truyền thống ghi dấu ấn thành lập thị trấn Nghĩa Tân (nay là phường Nghĩa Tân).
Những ngày đầu thành lập, thị trấn Nghĩa Tân là một quần thể gần 100 khối nhà chung cư phân phối cho cán bộ của cơ quan T.Ư và Hà Nội, cán bộ quân đội và công an. Bồi hồi nhớ lại thời gian khó, bà Nguyễn Thị Chiển (nhà A10 - khu tập thể Nghĩa Tân), người đã có 27 năm gắn bó với phường chia sẻ, ngày ấy xung quanh chỉ là một khu vực hoang vu, với những con đường đất, ngày nắng bụi bay mù mịt, ngày mưa nước ngập trắng chân cầu thang... Buổi tối, sau những trận mưa, cả người lớn và trẻ nhỏ không ai dám ra ngoài đường vì sợ loạng quạng giẫm phải rắn rết.

Trụ sở phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy). Ảnh: Công Hùng

Tại thời điểm đó, lãnh đạo chủ chốt của thị trấn Nghĩa Tân phần lớn là bộ đội nghỉ hưu. Tuy nhiên, “gừng càng già càng cay”, với những kinh nghiệm đúc kết được trong suốt thời gian công tác trong quân ngũ, những người cựu chiến binh ấy đã cùng với hơn 13.000 dân của thị trấn Nghĩa Tân vượt qua hết khó khăn này đến thách thức khác. Và như chia sẻ của ông Mai Quý Dân – Bí thư Đảng ủy phường Nghĩa Tân, họ chính là những người đặt những “viên gạch đầu tiên” để xây dựng và phát triển thị trấn Nghĩa Tân ngày ấy và phường Nghĩa Tân ngày nay.
Và phường Nghĩa Tân ngày nay
Sau 25 năm “từ làng lên phố”, bằng sự nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, thị trấn ven đô Nghĩa Tân ngày ấy đã trở thành phường điểm của quận Cầu Giấy nói riêng và TP Hà Nội nói chung.
Dân số của phường từ chỗ chỉ hơn 13.000 người đã tăng lên 27.479 nhân khẩu. Đảng bộ từ chỗ chỉ có 479 đảng viên với 21 chi bộ, nay đã phát triển thành 39 chi bộ với 1.912 đảng viên. Cùng với sự phát triển về nhân khẩu và tổ chức Đảng, một trong những điểm nhấn đánh dấu sự trưởng thành của phường Nghĩa Tân là sự phát triển về kinh tế - xã hội và hạ tầng đô thị. Từ những tuyến đường đất, ngày nắng thì bụi, ngày mưa lầy lội đã được thay thế bằng những tuyến đường trải nhựa, rộng rãi, sạch sẽ, trật tự. Những con đường như Hoàng Quốc Việt, Trần Tử Bình, Tô Hiệu, Nghĩa Tân, Nguyễn Phong Sắc... từ ao ruộng, bờ mương đã trở thành những con đường sầm uất, văn minh đô thị. Các công trình công cộng như nhà văn hóa, khu vui chơi... hiện đại lần lượt được xây dựng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân trong phường và khu vực lân cận. Trong nhịp sống đô thị bận rộn, người dân phường Nghĩa Tân có thể tự nhận mình là những cư dân hạnh phúc vì có nơi để tập thể thao, được ngắm nhìn con cháu vui đùa tại sân chơi riêng cho trẻ em.
Xác định phát triển kinh tế là “xương sống” trong điều hành, lãnh đạo phường Nghĩa Tân qua các thời kỳ đã ban hành nhiều chính sách có lợi cho tiểu thương, DN. Nhờ đó, nguồn ngân sách của phường năm sau luôn cao hơn năm trước, đời sống của Nhân dân từng bước được nâng cao. Từ chỗ chỉ là nơi giao thương mang tính chất làng xã, đến nay, chợ Nghĩa Tân đã trở thành khu vực kinh doanh sầm uất. 
Đặc biệt, với sự quan tâm đầu tư của quận và TP, sự cố gắng của các thế hệ cán bộ, người dân, giáo dục đào tạo phường Nghĩa Tân đã trở thành điểm sáng của quận Cầu Giấy và Thủ đô trong nhiều năm qua. Cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục của các trường trên địa bàn phường Nghĩa Tân liên tục được nâng cao, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong thời đại mới của hàng ngàn học sinh. Với những thành tích trong việc dạy và học, trường Tiểu học Nghĩa Tân và trường THCS Nghĩa Tân đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, trường Mầm non Hoa Hồng được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ...
Sức mạnh của sự đoàn kết
Dù là một phường có tuổi đời chưa nhiều nhưng nhờ sự chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo, ở bất cứ thời kỳ nào, các thế hệ lãnh đạo phường Nghĩa Tân cũng phát huy được giá trị nội tại là “sức mạnh trí thức” để từng bước phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn ổn định an ninh trật tự. Bí thư Chi bộ 27 Trương Văn Côn chia sẻ, là nơi sinh sống của nhiều cán bộ, công chức đã và đang công tác trong các cơ quan Nhà nước, hơn ai hết, những cư dân của phường Nghĩa Tân luôn gương mẫu trong việc chấp hành, vận động gia đình tuân thủ đường lối chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. “Sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân là điều kiện quan trọng để các thế hệ lãnh đạo phường xây dựng chính quyền “của dân, do dân và vì dân”, tạo tiền đề cho sự phát triển sau này” – ông Côn chia sẻ.
Đồng quan điểm này, bà Vũ Thị Thủy – Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân chia sẻ, trong hành trình 25 năm hình thành và phát triển của phường, không thể đong đếm được sự đóng góp của các tầng lớp Nhân dân. Trong chặng đường sắp tới, dù còn không ít khó khăn và thách thức, nhưng bà Thủy tin tưởng với sức trẻ của tuổi 25, với sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, phường Nghĩa Tân sẽ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra.
Trong 25 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân phường Nghĩa Tân đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2002); Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2006); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2000, 2016); Cờ thi đua xuất sắc của UBND TP Hà Nội năm 2016 và nhiều Bằng khen của UBND TP và các bộ, ngành. Đảng bộ phường Nghĩa Tân được Thành ủy tặng cờ “Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm” (2000 - 2004).