Nghịch lý: Châu Á hưởng lợi từ sự suy yếu của USD

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – USD mất vị trí thống trị buộc các quốc gia châu Á phải đa dạng chính sách tiền tệ, chú trọng đầu tư, khai phá nhiều lĩnh vực tiềm năng.

Ngày 1/8 Fitch đã hạ bậc xếp hạng tín dụng của Chính phủ Mỹ từ mức cao nhất AAA xuống AA+.

Cơ quan xếp hạng toàn cầu này cũng tỏ ra lo ngại về quỹ đạo dài hạn của đồng USD trong bối cảnh suy thoái kinh tế dự báo tiếp diễn trong ba năm tới, cũng như các cuộc đàm phán trần nợ liên tục diễn ra.

Bên cạnh đó, việc Nga và Ả Rập Saudi thường xuyên sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch dầu mỏ khiến đồng USD bị đe dọa nghiêm trọng, bởi lẽ nguồn nguyên liệu vàng đen này đã mang lại vị thế thống trị cũng như nguồn lợi khổng lồ cho siêu cường số một thế giới.

Rõ ràng, sự suy giảm của đồng USD sẽ khiến cho nền kinh tế, tài chính thế giới ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, theo một chiều hướng tích cực, điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho các quốc gia châu Á.

Vị thế thống trị của USD đã suy giảm đáng kể. Nguồn: Asia Times
Vị thế thống trị của USD đã suy giảm đáng kể. Nguồn: Asia Times

Chính sách tiền tệ đa dạng, linh hoạt

Việc ít phải phụ thuộc vào đồng bạc xanh sẽ giúp khu vực đông dân cư và đa dạng kinh tế bậc nhất thế giới này linh hoạt hơn trong việc thiết lập các chính sách tiền tệ.

Nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Trung Quốc, cần phải quan tâm nhiều hơn đến các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trước khi quy định lãi suất cụ thể cũng như đưa ra các chính sách tiền tệ. Khi vai trò của đồng USD giảm sút đáng kể, chính phủ các nước châu Á sẽ tự do đưa ra những chính sách phù hợp hơn với điều kiện kinh tế trong nước, từ đó thúc đẩy ổn định và tăng trưởng.

Việc đồng USD suy yếu sẽ buộc các nền kinh tế châu Á phải đi tìm những đồng tiền dự trữ mới tiềm năng hơn như đồng Yên Nhật, đồng Nhân dân tệ Trung Quốc và đồng Rupee Ấn Độ. Ưu tiên sử dụng những đồng tiền khu vực sẽ giúp thương mại châu Á dễ tiếp cận và phát triển hiệu quả hơn, góp phần tạo ra nhiều cơ hội đầu tư, thúc đẩy hợp tác kinh tế trong khu vực.

Tránh được rủi ro từ việc sử dụng một loại tiền tệ duy nhất

Từ lâu, châu Á luôn phải đối mặt với những thách thức từ sự biến động của đồng bạc xanh. Minh chứng rõ ràng nhất là cán cân thương mại và dòng vốn của khu vực này luôn bị ảnh hưởng nghiêm trọng mỗi khi đồng USD tụt dốc. Do vậy, việc suy giảm tầm ảnh hưởng của loại tiền tệ này sẽ giúp tỷ giá hối đoái dần ổn định hơn, giảm biến động và rủi ro trong các giao dịch xuyên biên giới. Doanh nghiệp châu Á cũng vì vậy mà tự tin hơn trong lập kế hoạch và triển khai dự án đầu tư giúp tăng trưởng kinh tế và ổn định khu vực.

Khai phá dự án tiềm năng, tối đa hóa lợi nhuận từ nhiều loại tiền khác

Các doanh nghiệp sẽ đầu tư nhiều hơn mà không tích trữ ngoại hối như trước đây. Khi vị thế số một của đồng USD không thể lung lay, các nền kinh tế châu Á thường tích lũy ngoại hối phòng ngừa rủi ro trong tương lai. Điều này khiến họ bỏ lỡ hàng loạt dự án tiềm năng cũng như nhiều loại tiền tệ có lợi nhuận cao hơn. Do vậy, đồng bạc xanh giảm sút sẽ khuyến khích các nước châu Á đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, phân bổ nguồn lực tốt hơn và tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất.

Có thể thấy rằng vị thế đồng USD suy yếu đồng nghĩa với thế giới sẽ trở nên đa dạng và cân bằng trong sử dụng hệ thống tiền tệ. Đây cũng là chìa khóa quan trọng để khai thác tiềm năng của các nền kinh tế năng động ở châu Á.