Nghịch lý: Việt Nam nhập khẩu hàng trăm triệu USD các mặt hàng nông sản mỗi tháng

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rau củ quả trong nước sản xuất ra nhưng khó tiêu thụ. Tuy nhiên, mỗi tháng, Việt Nam vẫn nhập khẩu hàng trăm triệu USD các mặt hàng nông sản này từ các quốc gia, đặc biệt là Thái Lan và Trung Quốc.

 Ảnh minh họa
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong tháng 5 qua, Việt Nam nhập khẩu trên 120 triệu USD rau củ quả, nâng tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này từ đầu năm 2018 lên tới gần 600 triệu USD (tăng 110 triệu USD so với cùng kỳ năm 2017). 
Như vậy bình quân mỗi ngày, Việt Nam chi khoảng 91 tỷ đồng để mua và sử dụng các loại rau củ quả nhập khẩu, chủ yếu từ Thái Lan và Trung Quốc. Nhiều người sẽ còn băn khoăn hơn khi biết rằng, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 1,7 tỷ USD. Đồng nghĩa với việc, cứ xuất khẩu 3 phần giá trị, thì Việt Nam lại chi phí mất một phần cho nhập khẩu. Điều này đồng nghĩa, tăng trưởng giá trị xuất khẩu thực chất không đạt được giá trị như những con số mà các cơ quan chức năng thông tin.

Điều đáng buồn, rau củ quả nhập khẩu từ Thái Lan chủ yếu là xoài, chôm chôm, thanh long, sầu riêng, mít…; từ Trung Quốc là bắp cải, cà rốt, su hào, mận, táo, lê… Đây đều là những loại cây trồng có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt tại Việt Nam. Vậy nhưng Việt Nam không thể tận dụng được tiềm năng, lợi thế để gia tăng giá trị của các mặt hàng nông sản có giá trị cao này.

Điều đáng lo ngại khác là rau củ quả nhập khẩu hiện đã có mặt không chỉ ở các siêu thị, mà còn thâm nhập vào các chợ nhỏ lẻ, truyền thống. Và trong khi rau củ quả Thái Lan không phải chịu thuế nhập khẩu vào Việt Nam qua đường chính ngạch, thì nông sản Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu bằng đường tiểu ngạch, do đó cũng không thu được thuế và khó quản lý được giá.

Những năm qua, Việt Nam luôn được xem là một trong những quốc gia có tiềm năng xuất khẩu nông sản nói chung, rau củ quả nói riêng lớn nhất thế giới. Nhưng vì sao tỷ lệ nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam vẫn lớn đến vậy? Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng: Câu trả lời là ở khâu tổ chức sản xuất.
Thực tế cho thấy, phương thức canh tác truyền thống, hàm lượng khoa học - công nghệ áp dụng vào sản xuất thấp, khiến năng suất, chất lượng rau củ quả của Việt Nam không cao. Đặc biệt, công nghệ sơ chế, chế biến, bảo quản rau củ quả của Việt Nam còn hạn chế, khiến các mặt hàng sau thu hoạch chưa đa dạng. Trong khi đó, một số phân khúc tiêu dùng nhất định lại đòi hỏi cao về mẫu mã, chất lượng và cách thức chế biến rau củ quả.

Bên cạnh yếu tố trên, việc liên kết chuỗi trong sản xuất - tiêu thụ rau củ quả hiện nay cũng chưa bền vững, phần lớn bà con nông dân vẫn “tự sản - tự tiêu”. Yếu tố quản lý Nhà nước tại nhiều địa phương cũng còn mờ nhạt, đây chính là nguyên nhân của tình trạng “được mùa rớt giá” đang dần trở thành câu chuyện “đến hẹn lại lên” của nông nghiệp nước nhà. Chính vì vậy, chỉ khi các bộ ngành T.Ư, địa phương tích cực triển khai thực hiện hiệu quả việc tổ chức lại sản xuất theo hướng gia tăng giá trị trên cơ sở tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thặng dư xuất - nhập khẩu rau củ quả nói riêng, nông sản nói chung mới mong đạt kỳ vọng.