Nghiêm trị những kẻ coi thường quy định phòng dịch

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời điểm cả nước đang thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, không ít cá nhân tỏ ra vô cảm, chống đối việc kiểm dịch, thậm chí hành hung người thực thi công vụ. Những hành vi này rất đáng lên án, đã được xử lý hình sự để răn đe.

Những hình phạt thích đáng
Ngày 14/4, TAND huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) đã đưa ra xét xử vụ án "Chống người thi hành công vụ" đối với bị cáo Trần Văn Mạnh (sinh năm 1996, trú tại xã Tây Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).
Theo cáo trạng, ngày 8/4, tại chốt kiểm soát dịch bệnh tại xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà, phát hiện Trần Văn Mạnh điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, không đeo khẩu trang, các thành viên trực chốt đã yêu cầu Trần Văn Mạnh dừng xe. Tuy nhiên, đối tượng không chấp hành, có hành vi chống lại lực lượng chức năng, gây thương tích cho thành viên của chốt kiểm dịch. Tại phiên tòa ngày 14/4, TAND huyện Hưng Hà đã tuyên phạt Trần Văn Mạnh 9 tháng tù giam theo quy định tại Khoản 1, Điều 330, Bộ luật Hình sự 2015.
Cũng trong ngày 14/4, TAND huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Nguyễn Văn Quýnh (34 tuổi, ở xã Thụy Hòa, huyện Yên Phong). Trước đó, ngày 7/4, Nguyễn Văn Quýnh điều khiển xe máy 3 lần qua chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid - 19 được lập tại xã Thụy Hòa không đeo khẩu trang.
 Bị cáo Trần Văn Mạnh tại phiên tòa.
Mặc dù được lực lượng chức năng nhắc nhở nhiều lần nhưng Quýnh có hành vi xúc phạm lực lượng thi hành công vụ, thậm chí đập vỡ điện thoại của công an. Với những hành vi này, TAND huyện Yên Phong tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Quýnh 12 tháng tù giam về tội "Chống người thi hành công vụ" theo khoản 1, Điều 330 Bộ luật Hình sự.
Ngày 10/4, TAND huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) cũng đã tuyên phạt Đào Xuân Anh (30 tuổi, trú tại xã Đông Hải, huyện Tiên Yên) 9 tháng tù vì tấn công lực lượng phòng, chống Covid-19 khi bị nhắc đeo khẩu trang...
Có thể phạt tù lên đến 3 năm
Theo các chuyên gia luật, cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang ở giai đoạn quyết liệt nhất, rất cần sự tin tưởng đồng lòng, chung sức của toàn dân. Trong khi đó, một số đối tượng tỏ ra vô cảm, chống đối quy định phòng dịch, thậm chí hành hung người thực thi công vụ, cần thiết xử lý hình sự để răn đe.
Các trường hợp vi phạm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được đưa ra xét xử để tuyên truyền, giáo dục người dân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật. Hành vi của các đối tượng là nguy hiểm cho xã hội, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Án phạt tù là một trong những hình phạt nghiêm khắc bên cạnh hình thức xử phạt hành chính (phạt tiền) đối với những đối tượng coi thường pháp luật, có hành vi đi ngược lại những nỗ lực, cố gắng cả hệ thống chính trị, người dân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Thị Hải Yến - Giám đốc Công ty Luật Nguyễn Viết (Hà Nội) cho hay, các trường hợp chống người thi hành công vụ, không chấp hành quy định về kiểm tra, kiểm dịch y tế chống dịch... cùng với việc xử lý nghiêm cũng cần tuyên truyền rộng rãi nhằm hạn chế những hành vi vi phạm khác.
Đặc biệt, đối với các trường hợp tấn công, gây thương tích thành viên tổ công tác là hành vi vi phạm hình sự về tội chống người thi hành công vụ, theo quy định tại khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.