Nghiên cứu ngôn ngữ học ở Việt Nam không ngừng sáng tạo

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Ngành Ngôn ngữ học Việt Nam đã nhanh chóng hoà nhập với các trào lưu, lý thuyết hiện đại của thế giới và đã có những thành tựu rất đáng ghi nhận cả về lý thuyết lẫn thực tiễn.”

Đây là khẳng định của Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học GS.TS Nguyễn Văn Hiệp tại Hội thảo khoa học quốc tế “Các khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại và nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam”, diễn ra ngày hôm nay (22/4).
 Toàn cảnh Hội thảo
GS.TS Nguyễn Văn Hiệp cũng cho biết, bên cạnh những nghiên cứu rất cơ bản với các cách tiếp cận đã có trước đây, vốn chủ yếu chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ học Pháp, Trung Quốc, đặc biệt là ngôn ngữ học Xô Viết, trong thời gian qua, giới nghiên cứu ngôn ngữ học ở Việt Nam đã thể hiện những cố gắng không ngừng trong việc hội nhập, tiếp thu, áp dụng một cách sáng tạo và có phát triển các lý thuyết, đường hướng của ngôn ngữ học hiện đại.

Cùng với các trung tâm nghiên cứu ở các đại học lớn có truyền thống ngôn ngữ, Viện Ngôn ngữ học đã khẳng định vai trò của mình qua những công bố quan trọng của các tác giả có uy tín. Đặc biệt là vai trò kết nối, tổ chức nghiên cứu thông qua các chương trình, các đề tài nghiên cứu vừa rất cơ bản vừa mang tính thực tiễn cao. Cũng như công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về ngôn ngữ học.

Hội thảo quốc tế “Các khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại và nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam” có 256 báo cáo toàn văn của các nhà nghiên cứu trong nước và ngoài nước. Trong đó có 20 tác giả nước ngoài đến từ Australia, Mỹ, Đức, Đài Loan, Hungary, Thái Lan...

Hội thảo được chia thành 5 tiểu ban, tập trung vào những vấn đề: vận dụng các lý thuyết mới của ngôn ngữ học hiện đại để tiếp tục phát hiện những đặc điểm của tiếng Việt, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số góp phần làm phong phú kho tàng lý luận của ngôn ngữ học thế giới.

Nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, cần làm rõ các vấn đề về cội nguồn và sự tiếp xúc ngôn ngữ của tiếng Việt cũng được đưa ra thảo luận tại hội thảo này.

Bảo tồn và phát huy vai trò, bản sắc của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số; giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt gắn với chuẩn hoá tiếng Việt trong tình hình và bối cảnh mới; quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá, tìm hiểu các đặc trưng văn hoá - tư duy thể hiện qua ngôn ngữ; các vấn đề của ngôn ngữ học ứng dụng cũng được đưa ra để thảo luận trong ngày hôm nay.

“Các vấn đề trên có những quan điểm khác nhau, thậm chí là đối lập, nhưng tôi hy vọng khi được nêu ra và thảo luận thẳng thắn sẽ đưa lại cho chúng ta những nhận thức mới, tri thức mới làm cho ngôn ngữ học Việt Nam đáp ứng được các nhu cầu của thực tiễn sử dụng ngôn ngữ ở Việt Nam. Cũng như có đóng góp vào kho tàng lý luận của ngôn ngữ học thế giới” - GS.TS Nguyễn Văn Hiệp nhấn mạnh.