Nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng: Doanh nghiệp thiếu mặn mà

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao đã tạo ra bộ giống cây trồng đa dạng áp dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập cần sớm được tháo gỡ.

 Mô hình sản xuất thực nghiệm giống lúa Bắc Hương 9 vụ Xuân 2018 tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Ảnh: Ngọc Ánh

Nhiều bất cập cần tháo gỡ

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), giai đoạn 2013 - 2017, cả nước có 135 giống cây trồng mới được công nhận. Nhiều đơn vị, DN đã nỗ lực nghiên cứu, khảo nghiệm, sản xuất ra những giống mới, năng suất cao như: Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty CP Giống cây trồng miền Nam… Riêng Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam - Vinaseed hàng năm sản xuất ra 8 vạn tấn hạt giống với 80% sản phẩm bản quyền, chiếm 20% thị phần cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, các chương trình, đề tài nghiên cứu chọn tạo giống vẫn chủ yếu tập trung vào nhóm cây lương thực truyền thống như lúa, ngô.
Cơ quan chức năng sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép DN, cá nhân được bình đẳng tham gia đặt hàng một số sản phẩm khoa học và công nghệ của Bộ NN&PTNT. Đồng thời, hỗ trợ bằng tiền sau đầu tư cho những DN, cá nhân có giống được công nhận và được áp dụng nhiều trong sản xuất đại trà.

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Hồng Sơn
Đáng nói, hiện thủ tục công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới (theo Quyết định 95/2007/QĐ-BNN của Bộ NN&PTNT) còn phức tạp, chưa khuyến khích, thúc đẩy các đơn vị, DN đầu tư nghiên cứu, chọn tạo giống mới. Giám đốc Công ty CP BAGICO Bắc Giang Nguyễn Thị Thành Thực chia sẻ: “Khảo nghiệm giống cây ăn quả thường kéo dài từ 3 - 5 năm. Muốn đánh giá sự phù hợp, phải thêm vài năm nữa để nghiên cứu, triển khai quy mô, đưa ra phương án sản xuất tối ưu, tiếp đó phải chờ thêm 2 - 3 năm mới được cấp bằng sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu. Như vậy sẽ mất đi cơ hội kinh doanh nên nhiều DN chưa mặn mà với việc triển khai giống mới”.

Bên cạnh đó, các DN kinh doanh nông sản có khả năng thương mại hóa sản phẩm khó tiếp cận nguồn gen quốc gia do không nằm trong đối tượng đang thực hiện đề tài, dự án của Nhà nước. Trong khi đó, cơ quan chức năng mới chỉ kiểm soát được những đơn vị kinh doanh giống cây trồng có đăng ký, có cửa hàng, địa chỉ cụ thể. Lượng giống cây trồng trôi nổi trên thị trường theo hình thức bán buôn, bán lẻ rất khó kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng…

Sớm hoàn thiện cơ chế

Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, hiện, nước ta có hàng nghìn giống bản địa, hàng trăm giống thảo dược quý hiếm được lưu trữ tại ngân hàng gen quốc gia. Các giống bản địa có khả năng sinh trưởng tốt, kháng sâu bệnh cao, giá trị dinh dưỡng ưu việt. Nếu có cơ chế mở, cho phép các DN tiếp cận các nguồn tài nguyên về giống để lựa chọn, nghiên cứu, khảo nghiệm. Như vậy, các DN mới có thêm cơ hội sản xuất ra những giống cây trồng ưu việt.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam GS Trần Đình Long cho rằng, năm 2004 khi Pháp lệnh Giống cây trồng ban hành, một số luật liên quan chưa được ban hành nên hiện nay có những quy định chưa phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, cần xây dựng hành lang pháp lý vững chắc, tạo điều kiện phát triển và cung cấp ra thị trường các loại giống cây trồng năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh tốt.

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Sơn cho hay, để tháo gỡ khó khăn trong quản lý giống cây trồng, Bộ đang xây dựng cơ chế, chính sách theo hướng tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu chọn tạo giống. Bên cạnh đó, rà soát ban hành, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về giống cây trồng; hoàn thiện Luật Trồng trọt trình Quốc hội thông qua để có căn cứ thực hiện...