[Ngô Tử Hạ - Người đại biểu cao tuổi nhất của Quốc hội khóa I] Kỳ 2: 27 năm làm Đại biểu Quốc hội

Nguyễn Minh Đức
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cụ Ngô Tử Hạ là người đại biểu cao tuổi nhất của lịch sử Quốc hội Việt Nam, làm đại biểu liên tục từ các khóa 1, 2 và 3 cho đến năm 1971, khi cụ đã 90 tuổi. Trong những năm tháng làm việc cho chính quyền cách mạng, cho Quốc hội, cụ đã có những đóng góp to lớn, nhiều câu chuyện về cụ đã trở nên huyền thoại.

Người in đồng bạc Cụ Hồ
Nhận xét về cụ Ngô Tử Hạ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Cụ Ngô Tử Hạ là một nhà yêu nước, tham gia rất sớm vào phong trào Việt Minh, trước đây thường xuyên có gặp Bác Hồ và quen thân với tôi”. Từ chỗ ghét Tây và là một người yêu nước, cụ Ngô Tử Hạ đã sớm có cảm tình với cách mạng. Cụ đã từng ủng hộ hàng tạ chữ chì cho Việt Minh in báo bí mật; một số truyền đơn của Việt Minh kêu gọi Nhân dân đứng lên giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám đã được sắp chữ và in tại nhà in Ngô Tử Hạ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên của Chính phủ tuyên thệ nhậm chức tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (2/3/1946). Ảnh tư liệu
Chính quyền cách mạng non trẻ trong những ngày đầu gặp khó khăn trăm bề. Cùng một lúc, Chính phủ phải dồn sức diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, ngân khố quốc gia chỉ có hơn một triệu đồng Đông Dương rách nát. Trong khi đó, quân đội Tưởng Giới Thạch vào miền Bắc Việt Nam mang theo quan kim và quốc tệ, là những đồng tiền mất giá, gây nguy cơ lạm phát cao. Chính phủ ta lại chưa quốc hữu hóa được Ngân hàng Đông Dương, vẫn buộc phải sử dụng giấy bạc Đông Dương có đóng dấu của chính quyền cách mạng. Trước tình thế phải thống nhất tiền tệ, chống lạm phát và đảm bảo chi dùng, việc phát hành một loại tiền mới là rất cấp bách.
Ngày 31/1/1946, nhà in Ngô Tử Hạ là nơi được tin cậy, nhận trọng trách in những tờ giấy bạc đầu tiên của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa mà Nhân dân thời đó thường gọi là “đồng bạc cụ Hồ”. Đồng tiền của chế độ mới có mệnh giá: 100 đồng, 50 đồng, 20 đồng, 10 đồng, 5 đồng, 2 đồng, 1 đồng , 5 hào, 2 hào; tiền kim loại có 2 đồng tiền đồng, bằng nhôm có 5 hào và 20 xu. Tất cả những đồng tiền kể trên được in tại nhà in Ngô Tử Hạ, sau đó được vận chuyển về Bộ Tài chính ký và đóng dấu, đóng số sêri rồi mới được phát hành.
Những “đồng bạc cụ Hồ” được in và phát hành kịp thời không những đáp ứng nhu cầu chi dùng cho Chính phủ và Nhân dân mà còn thống nhất tiền tệ, khẳng định chủ quyền độc lập của quốc gia. Thực dân Pháp thấy được tầm quan trọng của nhà in Ngô Tử Hạ và vai trò của ông chủ nhà in. Ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến - 19/12/1946, nhà in Ngô Tử Hạ đã bị quân Pháp phun xăng đốt, cháy ròng rã suốt một tuần. Số nhà 24 Lý Quốc Sư - Hà Nội bây giờ chính là địa điểm, dấu tích một thời của nhà in Ngô Tử Hạ.

27 năm làm Đại biểu Quốc hội

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, với sự ủng hộ của Việt Minh và đông đảo cử tri quê hương Ninh Bình, cụ Ngô Tử Hạ đã trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa I - 1946. Cụ sinh năm 1882, đến năm ấy là 63 tuổi, là vị đại biểu cao niên nhất của Quốc hội khóa I. Tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội, tổ chức vào ngày 2/3/1946, cụ Ngô Tử Hạ được giữ chức Chủ tịch Đại hội đồng Quốc hội, chủ tọa kỳ họp, đọc lời khai mạc và Tuyên ngôn của Quốc hội Việt Nam và được bầu vào Ban thường trực Quốc hội. Tuyên ngôn của Quốc hội được cụ Ngô Tử Hạ đọc ngày hôm ấy ít được các tài liệu nhắc tới.
Tuy nhiên, nội dung của bản Tuyên ngôn của Quốc hội đã thể hiện sức mạnh, bản lĩnh, quyết tâm và tính dân chủ, đại đoàn kết dân tộc của Quốc hội Việt Nam trong những ngày đầu thành lập. Tại điều 2 của Tuyên ngôn khẳng định: “Chủ quyền của nước Việt- nam độc lập thuộc về toàn thể dân Việt- nam. Vận mệnh quốc gia Việt- nam là ở trong tay Quốc hội Việt- nam, chính thể của nước Việt- nam là chính thể Dân chủ Cộng hòa, có nhiệm vụ bảo vệ tự do và mưu đồ hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân. Các dân tộc ở trên lãnh thổ Việt- nam đều có quyền hạn và nhiệm vụ ngang nhau”.

Trong thời gian đầu xây dựng chính quyền Nhân dân, cụ Ngô Tử Hạ là cố vấn cho Hồ Chủ Tịch, được Người tin cậy và hỏi nhiều ý kiến. Chuyện kể rằng, khi Hồ Chủ Tịch hỏi cụ chọn ngày làm lễ Tuyên ngôn Độc lập vào ngày nào thì cụ đề nghị chọn ngày 2/9 vì ngày đó là ngày Chủ Nhật. Trong số ảnh mà gia đình còn lưu giữ đến nay, có một số bức ảnh cụ ngồi Chủ tịch đoàn bên cạnh Hồ Chủ Tịch và cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, tiêu biểu là sự kiện làm lễ cầu siêu cho 2 triệu người chết đói năm Ất Dậu tại Nhà thờ lớn Hà Nội.
Cụ Ngô Tử Hạ cũng chính là người làm cầu nối giữa Hồ Chủ Tịch với cựu hoàng Bảo Đại. Tại gia đình ông Trịnh Văn Đường (cháu ngoại cụ Ngô Tử Hạ) đến nay còn lưu giữ chiếc bàn ăn cổ, là chứng tích của nhiều cuộc gặp giữa cựu hoàng Bảo Đại với cụ Ngô Tử Hạ. Nguyên do là, trong thời gian cụ mở nhà in tại Huế, cụ quen thân, giao hảo với một số quan lại triều đình và có quen biết với cả Hoàng đế Bảo Đại. Chính vì thế mà trong việc chuẩn bị cho vua Bảo Đại thoái vị, Hồ Chủ Tịch đã chọn cụ làm nhà thương thuyết, để rồi sau đó vị vua cuối cùng của chế độ phòng kiến Việt Nam chấp nhận thoái vị và nhận làm Cố vấn cho Chính phủ Lâm thời với câu nói nổi tiếng: “Làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ”.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cụ về quê hương Ninh Bình. Một phần do sức khỏe, phần nữa là để tránh không để bọn phản động đội lốt tôn giáo lợi dụng và bắt ép, cụ Ngô Tử Hạ được Chính phủ tạo điều kiện sang Thuỵ Sĩ cư trú, một hành trình dài từ Ninh Bình, lên Việt Bắc, sang Hongkong rồi đến Thụy Sĩ. Khi Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu giành thắng lợi trên bàn đàm phán tại Hội nghị Giơnevơ, cụ Ngô Tử Hạ đã cùng đoàn trở về Việt Nam trong niềm vinh quang của những người chiến thắng. Năm 1954, ở tuổi 72, cụ Ngô Tử Hạ tiếp tục đảm nhiệm nhiệm vụ của mình trong Ban thường trực Quốc hội khóa I.
Cụ còn là một thành viên tích cực, một ủy viên sáng lập Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, tức Mặt trận Liên Việt và ngày 10/9/1955, khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập, cụ được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Cụ còn là Ủy viên Trung ương Ủy ban liên lạc những người công giáo Việt Nam yêu Tổ quốc, Chủ tịch Hội giúp binh sĩ bị nạn toàn quốc, Thứ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh (sau này là Bộ LĐTB&XH).

Ngày 29/8/1973, cụ Ngô Tử Hạ qua đời, hưởng thọ 92 tuổi. Cuộc đời hoạt động của cụ Ngô Tử Hạ là tấm gương sáng của một nhà tư sản dân tộc yêu nước, một đại biểu Quốc hội mẫu mực.

Thực dân Pháp thấy được tầm quan trọng của nhà in Ngô Tử Hạ và vai trò của ông chủ nhà in. Ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến - 19/12/1946, nhà in Ngô Tử Hạ đã bị quân Pháp phun xăng đốt, cháy ròng rã suốt một tuần. Số nhà 24 Lý Quốc Sư - Hà Nội bây giờ chính là địa điểm, dấu tích một thời của nhà in Ngô Tử Hạ.