Ngời sáng khát vọng kiến quốc, phục hưng đất nước

PGS.TS Bùi Đình Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ các kỳ Đại hội Đảng nhìn lại, sự nghiệp đổi mới đã đem lại cho chúng ta những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kiến quốc, phục hưng đất nước vẫn luôn là sợi chỉ đỏ soi đường để đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu. 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về kiến quốc, phục hưng đất nước

Ngày đầu tiên của nước Việt Nam mới (năm 1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra các biện pháp để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách như giải quyết nạn đói, nạn dốt, xây dựng hiến pháp dân chủ, đảm bảo tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết, thực hiện cần kiệm liêm chính, làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô ''1-5'', lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành Công nghiệp Hà Nội 19/12/1963. Ảnh tư liệu
Người sớm quan tâm tới giới công thương Việt Nam để xây dựng một nền tài chính vững vàng, thiết lập nền kinh tế quốc dân thịnh vượng. Người chỉ rõ muốn giữ vững nền độc lập thì phải đi vào con đường kiến quốc. Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công thì kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến thiết cần có nhân tài là một tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh.

Trong cuộc họp đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc (10/1/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, giành được độc lập rồi, phải thực hiện hai nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc mà hạt nhân là giải quyết tốt mối quan hệ giữa chiến sĩ đã hy sinh để giữ gìn đất nước với đem hết tài năng và tri thức để kiến thiết. Quan điểm chỉ đạo như sợi chỉ đỏ xuyên suốt của Hồ Chí Minh là “chúng ta giành được tự do độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa nêu quan điểm vừa là tấm gương, biểu tượng sáng ngời của tư tưởng kiến quốc với một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.

Một điểm nhấn trong tinh thần kiến quốc, phục hưng đất nước của Hồ Chí Minh là vai trò của Chính phủ. Trên cương vị người đứng đầu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngay tại Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa I, trước bàn thờ linh thiêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, Người đã tuyên thệ, xin cương quyết lãnh đạo Nhân dân kháng chiến, thực hiện nền dân chủ cộng hòa Việt Nam, mang lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Tại kỳ họp thứ Hai Quốc hội khóa I, tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới “Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài”, Người chỉ rõ trách nhiệm của Chính phủ do Người đứng đầu phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái; phải là một Chính phủ liêm khiết, biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất nước nhà; Chính phủ cố gắng làm việc, nỗ lực làm việc, một lòng vì nước, vì dân, cùng xây dựng một nước Việt Nam mới.

Ngay khi chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến, Hồ Chí Minh đã có bài viết đăng báo Cứu quốc để tìm người tài đức. Bài báo khẳng định kiến thiết phải có nhân tài. Chính phủ có khuyết điểm là nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Để sửa đổi khuyết điểm đó và trọng dụng những người hiền năng thì các địa phương phải điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục củng cố, chỉnh đốn Ủy ban kháng chiến, động viên dân chúng, tăng gia sản xuất với khẩu hiệu: “Tiền phương ra sức chiến đấu/Hậu phương tăng gia sản xuất/Tiền hậu phương đều kháng chiến/Thì kháng chiến quyết thắng lợi”. Cả dân tộc hiên ngang bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến với quyết tâm “chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Ngay sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, với bút danh Tân Sinh, Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Đời sống mới”, chỉ rõ việc thực hành đời sống mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc. Một kế sách kiến quốc, phục hưng đất nước trong kháng chiến được triển khai đồng bộ, sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân mà sợi chỉ đỏ xuyên suốt là “Thi đua ái quốc” nhằm mục đích “Diệt giặc đói - Diệt giặc dốt - Diệt giặc ngoại xâm” với cách làm “dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân”. Làm mau, làm tốt, làm nhiều với khẩu hiệu “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, vừa kháng chiến vừa kiến quốc” để thực hiện “Dân tộc độc lập - Dân quyền tự do - Dân sinh hạnh phúc”. Lời kêu gọi “Thi đua ái quốc” của Hồ Chí Minh cách đây 73 năm đã ăn sâu, lan rộng tới mọi tầng lớp Nhân dân, giúp dân tộc ra dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Khát vọng phát triển đất nước dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh

Với lòng thi đua yêu nước, chúng ta làm nên một Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Thắng lợi đó đưa dân tộc ta bước vào một thời kỳ mới, không chỉ là kiến quốc mà thật sự bắt tay vào công cuộc xây dựng xã hội mới, nền kinh tế mới, con người mới, vừa chuẩn bị cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội vừa làm hậu thuẫn vững chắc cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, đấu tranh vì hòa bình thống nhất nước nhà.

Năm 1945, khi cách mạng vừa thành công, Hồ Chí Minh đã nêu khát vọng đưa dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu. Viết Di chúc tháng 5/1965, Hồ Chí Minh khẳng định:

“Còn non, còn nước, còn người,

Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”

Di chúc năm 1968 suy nghĩ về việc chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Người viết về kế hoạch xây dựng lại TP và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của Nhân dân. Trồng cây thành rừng tốt cho phong cảnh, lợi cho nông nghiệp… Người mong muốn toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng với sự nghiệp cách mạng thế giới.

Sự nghiệp đổi mới đã đem lại cho chúng ta những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ, vị thế và tiềm lực to lớn như ngày nay. Trên nền tảng thành tựu của 35 năm đổi mới, Đại hội XIII của Đảng khơi dậy khát vọng phát triển đất nước bằng ý chí, tiềm năng, nguồn lực của cả dân tộc mà hạt nhân là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam kết hợp với sức mạnh thời đại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần