Ngũ hổ trong tranh Hàng Trống

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, hổ là con vật có sức mạnh linh liêng. “Ông Ba mươi” đầy uy linh, quyền kính được dựng thành biểu tượng qua nhiều chất liệu tạo hình bằng gỗ, đá, vôi giấy, đất nung, tranh vẽ và có ở hầu khắp các công trình như đình, đền, miếu.

Tuy vậy, mẫu tranh được biết đến nhất là ngũ hổ của phố Hàng Trống (Hà Nội).

Ngũ hổ trong tranh Hàng Trống - Ảnh 1

Hình tượng hổ trong văn hóa Việt

Không trưng trên bàn thờ gia tiên như những bức tranh ngũ quả, tranh ngũ hổ thường treo ở bàn thờ dành riêng cho “ông Ba mươi” tại đình, đền, miếu. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, một số đồng bào dân tộc thiểu số cũng có tục thờ hổ, trong đó có người Khơ-mú ở Tây Bắc và miền Tây Nghệ An. Một tập quán ăn sâu vào tiềm thức của người Khơ-mú thuộc họ Rvai (hổ) đó là nghi lễ cúng ma nhà (Hrôigang).

Vào dịp Tết Nguyên đán, người Khơ-mú thường diễn lại các động tác của hổ, vật tổ của dòng họ. Với quan niệm hổ là tổ tiên của mình, người Khơ-mú thuộc họ Rvai kiêng không động tay, săn bắn, giết và ăn thịt hổ. Trong các hội hè, nghi lễ, người ta hóa trang giống như hổ. Khi gặp hổ chết, người Khơ-mú khóc than thật sự như tổ tiên của mình qua đời. Người ta tin rằng khi chết đi, họ sẽ hóa thành kiếp hổ.

Ở góc đó mỹ thuật, theo họa sĩ Lê Thiết Cương, hình tượng hổ đã xuất hiện trong các đồ gốm thời Lý, Trần hay trong các ngôi đình được xây dựng từ thế kỷ XVI. Trong đó có thể kể đến như: Đình Lỗ Hạnh (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) dựng năm 1576 có một phù điêu hổ đang vờn; đình Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) dựng từ thế kỷ XVII có một bức chạm cảnh người đang săn hổ. Ngoài ra, hổ cũng là đề tài đang trang trí trên các cột, kèo; mặt hổ phù ở các chùa hay hình tượng hổ chầu ở cổng các miếu, phủ. Trong các hình tượng đó, hổ mang tính chất trấn yểm để không cho tà ma vào đình, đền, miếu, phủ.

Nét văn hóa đặc sắc

Tranh Hàng Trống xuất hiện và thịnh hành muộn hơn các dòng tranh khác. Trong các tác phẩm đặc sắc của tranh Hàng Trống, không thể không nói đến các tranh vẽ về hổ, đạt được thành tựu cao trong giá trị tạo hình. Mặc dù là tranh thờ nhưng các nghệ nhân đã gợi tả được nét sống động của loài hổ. Từ những dáng hổ ngồi, hổ đứng, hổ đằng vân, những ánh mắt, chòm râu, vẻ mặt của từng chú hổ đều toát lên sức sống mãnh liệt, nét dữ dằn, hoang dại và quyền uy của vị chúa sơn lâm.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết: “Tranh Hàng Trống có hai loại tranh hổ. Loại tranh đầu tiên, được nhiều người biết là ngũ hổ. Trong tranh, 5 con hổ tượng trưng cho 5 hướng theo quan niệm âm dương ngũ hành. Hổ vàng/thổ bao giờ cũng ở trung tâm tranh dân gian Hàng Trống theo bố cục dọc. Vì tất cả đều quy về thổ, mọi sự trên đời kết thúc đều quay về với thổ”.

Theo các chuyên gia văn hoá, trên đầu hổ vàng, dưới mặt trời đỏ rực rỡ có 7 chấm trắng là hình tượng của chòm đại hùng tinh. Chân hổ vàng trấn lên một miếng phù có ghi “pháp đại uy nỗ”. Hai bên hổ vàng, bên phải có 5 thanh kiếm, bên trái có 5 lá cờ lệnh. Hình ảnh của cờ lệnh và kiếm trong tranh ngũ hổ thể hiện sức mạnh của thiên nhiên trong quy luật vận động của vũ trụ và sự tương tác với trái đất. Sau hổ vàng, hổ đen là phương Bắc/hành Thuỷ; hổ đỏ là phương Nam/hành Hoả; hổ xanh là phương Đông/hành Mộc; hổ trắng là phương Tây/hành Kim. Do đó, khi thờ ngũ hổ là thờ được toàn bộ âm dương ngũ hành, mang tính chất trấn yểm vì hổ là sức mạnh, linh thiêng.

Tuy nhiên, theo họa sĩ Lê Thiết Cương, rất ít khi người ta thấy bàn thờ ngũ hổ ở tư gia. Bàn thờ tư gia chủ yếu là thờ bạch hổ - hổ trắng. Vì bạch hổ là hành kim, kim trong âm dương ngũ hành hiểu theo nghĩa tích cực với những người kinh doanh là tiền tài. Muốn thờ bạch hổ, người thờ phải lễ vào ngày Rằm và mùng Một. Khác với mâm lễ thông thường, lễ dâng bạch hổ là rượu trắng, hoa trắng, thịt sống, trứng sống, gạo. Giờ lễ bao giờ cũng vào giờ Dậu (17 - 19 giờ) vì lúc đó khí Kim mạnh nhất.

Đi dọc theo con phố Hàng Trống giờ đây chỉ thấy san sát những quán xá sang trọng, tấp nập những cửa hàng đèn lồng bằng lụa, bằng giấy. Hỏi ở đâu bán tranh Hàng Trống không, cũng đều nhận được cái lắc đầu. Nơi còn sót lại duy nhất về tranh Hàng Trống là tư gia của nghệ nhân Lê Đình Nghiên (ở phố Cửa Đông, Hà Nội).

Chia sẻ về thực tế này, họa sĩ Lê Thiết Cương cho hay: “Tranh bạch hổ vẫn được bán ở phố Hàng Mã. Điều này cho thấy, tín ngưỡng thờ tranh hổ vẫn có trong đời sống hiện nay. Nhưng vì tân tiến hơn, rất ít khi chúng ta lên phố Hàng Mã mua được tranh dân gian Hàng Trống vẽ tay mà chủ yếu là tranh in”.