Người dân được bảo vệ từ căn cước công dân

Đạt Lê - An Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Luật Căn cước công dân (CCCD) sửa đổi, nhiều thông tin trên mẫu thẻ CCCD gắn chip được đề xuất sửa với nỗ lực mang lại nhiều tiện ích cho người dân.

Công an TP Hà Nội hướng dẫn hỗ trợ người dân kích hoạt định danh điện tử tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Phú Khánh
Công an TP Hà Nội hướng dẫn hỗ trợ người dân kích hoạt định danh điện tử tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Phú Khánh

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, nhiều người thuộc nhóm yếu thế không có giấy tờ tùy thân gây khó khăn cho công tác quản lý, bản thân họ chịu nhiều thiệt thòi. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp căn cước sẽ giúp bảo vệ người dân.

Còn những băn khoăn

Mới đây, thảo luận về dự án Luật Căn cước, các đại biểu Quốc hội tán thành việc xây dựng dự án Luật là cần thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật CCCD năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở Việt Nam. Về bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ CCCD cho người dưới 14 tuổi, đại biểu Vũ Huy Khánh (Bình Dương) đồng tình với bổ sung quy định và cho rằng, hiện nay nhu cầu đi máy bay, sinh hoạt trong nước, trại hè, du lịch... của người dưới 14 tuổi đều cần thiết có khai sinh. Do đó, đặt ra nhu cầu cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ góp phần giảm việc cá nhân phải mang theo nhiều giấy tờ khi ra ngoài.

 

Việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam sẽ giúp cho một bộ phận người gốc Việt Nam có nguyện vọng cần có một loại giấy tờ tùy thân, giúp họ ổn định cuộc sống, có việc làm, con em được đến trường, bảo đảm quyền lợi trong giao dịch dân sự, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý Nhà nước.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Còn theo đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang), những người dưới 14 tuổi sẽ có sự thay đổi rất nhanh về vóc dáng và ngoại hình, trong khi thẻ căn cước lại có thời hạn. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc và đánh giá tác động của việc cấp thẻ CCCD cho trẻ em dưới 14 tuổi tại Điều 20 của dự thảo Luật vì phần lớn trẻ em dưới 14 tuổi không tự mình (hoặc không được phép) thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự, đặc biệt là các giao dịch đòi hỏi thẻ CCCD cần có cha, mẹ hoặc người giám hộ đại diện.

Dẫn chứng thêm kinh nghiệm quốc tế, đại biểu cho biết một số nước nếu muốn cấp thẻ căn cước phải có giám hộ hoặc xác nhận của phụ huynh mới được. Vì vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu và đánh giá rõ tác động của quy định này…

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) - Bộ Công an, về thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06, tính đến cuối tháng 4/2023 đã cấp được hơn 80 triệu thẻ CCCD gắn chíp điện tử cho công dân. Với dự án Luật CCCD (sửa đổi), trong đó đề xuất hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ CCCD, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú...

Chị Trần Phương Thanh (phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội) băn khoăn, những năm qua, các loại giấy tờ tùy thân của người dân có quá nhiều thay đổi. Khoảng 5 năm trở lại đây, người dân thay đổi từ chứng minh Nhân dân 9 số sang thẻ CCCD 12 số rồi mới đây là thẻ CCCD gắn chip. Việc cấp mới này không biết thẻ CCCD gắn chip của mình còn giá trị hay không nếu trong luật mới có thay đổi các thông tin. Với những thắc mắc trên, không chỉ của riêng chị Trần Phương Thanh mà cũng của nhiều người dân đang sử dụng thẻ CCCD gắn chip vừa mới được cấp (đổi) trong thời gian qua.

Về vấn đề này, Thiếu tá Trần Duy Hiển - Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư quốc gia, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết, nội dung thể hiện trên thẻ CCCD như đề xuất trong dự thảo Luật nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như tăng tính bảo mật thông tin cá nhân của công dân. Việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho công dân trong quá trình sử dụng thẻ CCCD, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ CCCD và bảo đảm tính riêng tư của công dân.

Các thông tin căn cước của công dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chip điện tử trên thẻ CCCD. Đối với những thẻ CCCD đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này. Về tích hợp thông tin vào thẻ CCCD, dự thảo luật bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước vào thẻ CCCD...

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Về dự án Luật CCCD (sửa đổi) sáng 10/6, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, chủ trương của Đảng và Nhà nước là không để ai bị bỏ lại phía sau nhưng thực tế vẫn đang có tới hàng triệu người không có giấy tờ tùy thân, không có căn cước, hộ khẩu nên không thể quản lý. Đó là con số đáng buồn.

Theo Đại tướng Tô Lâm, thực tế, khi công an xã triển khai việc cấp CCCD ở vùng sâu, vùng xa, có những cụ già 70 tuổi chưa bao giờ ra khỏi nhà, chưa từng chụp ảnh. Còn ngay tại Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, cũng có hàng trăm nghìn người không có giấy tờ, không hộ khẩu, thường trú. Đó là những người bán hàng rong, thợ đánh giày, những người làm thuê, làm mướn… cuộc sống tạm bợ, ngủ ở khu trọ, gầm cầu. Khi họ lập gia đình, sinh con đẻ cái cũng không có giấy khai sinh, không được đi học và lớn lên tiếp tục… đánh giày, cuộc sống lại khó khăn như vậy. Vì vậy, việc cấp căn cước sẽ giúp bảo vệ người dân.

“Hiến pháp bảo vệ người dân, người dân có quyền cư trú ở bất cứ đâu và không ai cấm, hạn chế quyền theo Hiến pháp quy định. Do đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp căn cước sẽ giúp bảo vệ người dân” - Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Ở vai trò nữa là quản lý xã hội, với căn cước, người dân sẽ thuận tiện hơn trong các giao dịch, thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và quản lý thuận lợi hơn. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, căn cước là vật bất ly thân của người dân, không ai có quyền giữ, trừ trường hợp vi phạm pháp luật bị cơ quan có thẩm quyền giữ để phục vụ điều tra. Người dân chỉ cần xuất trình CCCD để các cơ quan, khách sạn ghi chép thông tin về họ tên, số định danh. Khi cần thiết, các đơn vị sẽ đối chiếu với thông tin này. Thẻ CCCD không có chức năng hỗ trợ theo dõi, định vị, bởi trên thẻ không có sóng, tín hiệu...

Về lợi ích khi sử dụng thẻ CCCD, theo TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc sử dụng thí điểm khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng CCCD gắn chip đang được triển khai tại nhiều tỉnh, thành và thời gian qua đã thu được nhiều kết quả tốt. Cả nước hiện có 12.268 cơ sở y tế triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip, với gần 11,8 triệu lượt tra cứu thành công thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chip phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT.

Qua kết nối và chia sẻ dữ liệu, hệ thống của BHXH Việt Nam cũng đã xác thực trên 74,4 triệu thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, hệ thống đã cung cấp và chia sẻ gần 96,3 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

Có thể thấy, việc sử dụng CCCD gắn chip trong khám chữa bệnh BHYT cho người dân đem đến nhiều lợi ích đối với cả cơ quan quản lý, các cơ sở y tế và cả người dân. Cơ sở y tế cũng như người bệnh giảm thời gian làm thủ tục đăng ký khám chữa bệnh, bên cạnh đó tránh tình trạng sử dụng thẻ BHYT của người khác, thất thoát thẻ BHYT của người bệnh.

 

Vấn đề tích hợp các giấy tờ vào CCCD đặt ra một số vấn đề về bảo mật thông tin cá nhân. Việc bảo đảm an toàn thông tin cá nhân của người dân là vô cùng quan trọng. Vì thế, các tổ chức và cơ quan Chính phủ cần thực hiện các biện pháp bảo mật thông tin hiệu quả để ngăn chặn các vấn đề về lạm dụng thông tin cá nhân.
Thạc sĩ Lê Anh Tiến - CEO Công ty CP Công nghệ chatbot Việt Nam