Người dân "hiến kế" cho Đồ án thiết kế đô thị xung quanh hồ Thiền Quang

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Những người dân tham dự Hội nghị đã ghi ý kiến đóng góp trực tiếp vào ''Phiếu lấy ý kiến'' nộp lại cho UBND phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng), bày tỏ sự đồng tình với việc triển khai "Đồ án thiết kế đô thị (riêng) khu vực xung quanh hồ Thiền Quang, tỷ lệ 1/500”.

Hôm nay, 29/2, UBND phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đại diện cộng đồng dân cư về “Đồ án thiết kế đô thị (riêng) khu vực xung quanh hồ Thiền Quang, tỷ lệ 1/500” tại phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Hội nghị có sự tham dự của đông đảo cán bộ cơ sở và người dân đến từ các địa bàn dân cư trên địa bàn phường.

Để Đồ án thực sự mang lại hiệu quả thiết thực 

Tại Hội nghị, qua lắng nghe đơn vị tư vấn thiết kế trình bày báo cáo “Đồ án thiết kế đô thị (riêng) khu vực xung quanh hồ Thiền Quang, tỷ lệ 1/500”, nhiều người dân đã nêu ý kiến bày tỏ sự đồng tình của người dân khu vực đối với chủ trương của quận Hai Bà Trưng trong việc xây dựng, triển khai Đồ án này. Song, một số ý kiến cũng thẳng thắn nêu góp ý để việc triển khai Đồ án thực sự mang lại hiệu quả thiết thực với sự phát triển của địa phương và tiện ích cho người dân.

Quang cảnh Hội nghị lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đại diện cộng đồng dân cư về ''Đồ án thiết kế đô thị (riêng) khu vực xung quanh hồ Thiền Quang, tỷ lệ 1/500” do UBND phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) tổ chức
Quang cảnh Hội nghị lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đại diện cộng đồng dân cư về ''Đồ án thiết kế đô thị (riêng) khu vực xung quanh hồ Thiền Quang, tỷ lệ 1/500” do UBND phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) tổ chức

Ông Nguyễn Trọng Huy, trú tại số 154 phố Huế, tổ dân phố 1, phường Nguyễn Du chia sẻ, Hà Nội có mật độ dân cư lớn, diện tích đất công cộng hạn chế, nên cần có những quảng trường nhỏ, không gian xanh, không gian công cộng cho người dân nghỉ ngơi, thưởng thức văn hóa, biểu diễn… góp phần tái sản xuất sức lao động. Vì vậy, ông cùng nhiều người dân trong khu vực rất ủng hộ Đồ án này.

“Nghiên cứu tôi thấy Đồ án giúp cải thiện môi trường sinh thái quanh hồ tốt hơn, giúp các không gian công cộng tại đây hấp dẫn hơn, mà vẫn cơ bản giữ được số lượng cây bóng mát và tỷ lệ mặt nước hiện có, hòa hợp với môi trường xung quanh, có tính thẩm mỹ, đồng thời gắn kết với không gian thoáng và đẹp của Công viên Thống Nhất. Từ bản vẽ phối cảnh rất đẹp, tôi hy vọng kế hoạch chỉnh trang không gian quanh hồ Thiền Quang sẽ thành công”- ông Nguyễn Trọng Huy bày tỏ.

Ông Vũ Hy Chương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Du (trú tại tổ dân phố 9 phường Nguyễn Du) cũng cho hay: “Nhà ở phố Nguyễn Thượng Hiền, sát khu vực hồ Thiền Quang, tôi thấy nhiều năm nay, một số hạng mục công trình quanh hồ đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, nhưng đúng là chưa phát huy được hiệu quả thấy rõ. Song với Đồ án lần này, việc đầu tư chỉnh trang khu vực quanh hồ Thiền Quang khá đồng bộ, rất đáng hoan nghênh, với nhiều điều hấp dẫn, tạo ra một nơi lý thú cho Nhân dân khu vực và du khách đến nghỉ ngơi, ngắm cảnh”.

Đại diện người dân nêu ý kiến góp ý vào ''Đồ án thiết kế đô thị (riêng) khu vực xung quanh hồ Thiền Quang, tỷ lệ 1/500'' tại phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng
Đại diện người dân nêu ý kiến góp ý vào ''Đồ án thiết kế đô thị (riêng) khu vực xung quanh hồ Thiền Quang, tỷ lệ 1/500'' tại phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng

Đặc biệt, theo ông Vũ Hy Chương, việc chuyển các hàng quán vào sát Công viên sẽ giúp không còn gây ảnh hưởng đến đường giao thông; kết hợp với khu vực này là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ cũng là ý tưởng hay. 4 góc hồ chia ra 4 quảng trường theo đặc thù 4 mùa là một ý tưởng rất sáng tạo, tuy nhiên, với mỗi quảng trường nên chọn 1 loại cây đặc trưng của mỗi mùa để trồng, chẳng hạn quảng trường Mùa Hạ nên trồng cây hoa phượng…

Đồng thời, với những bảng điện tử đang hoạt động ở khu vực, nên bổ sung các nội dung có tính tuyên truyền giáo dục như: Thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng, trật tự giao thông đô thị, giáo dục trong nhà trường cho trẻ em…

Với khu vực Cung Văn hóa học sinh-sinh viên (góc phố Trần Bình Trọng-Trần Nhân Tông), đại biểu này đề xuất, việc chỉnh trang không nên xây nhiều hạng mục, cần ở mức độ vừa phải, vì đây là khu đất nhô ra hồ nên không chịu được trọng tải quá lớn. Ngoài ra, kiến nghị bố trí một trụ nước tại khu trung tâm để lấy nước uống công cộng, phục vụ lượng lớn người dân và du khách đến tham quan, giải trí.

Cùng bày tỏ phấn khởi trước việc triển khai Đồ án, bà Nguyễn Tuyết Oanh, trú tại số 17 phố Nguyễn Thượng Hiền, phường Nguyễn Du cũng băn khoăn khi khu vực này đã được chỉnh trang nhiều rồi nhưng vẫn chưa thực sự sạch đẹp, nhất là khi lượng người đến sinh hoạt cộng đồng rất lớn, nên rất cần giải quyết về nơi trông giữ xe và nhà vệ sinh công cộng. Trong đó, cần công khai cụ thể số nhà vệ sinh sẽ đặt quanh hồ, sao cho hòa hợp không gian xung quanh.  

Tuyên truyền để người dân hiểu đúng, đủ về ý nghĩa của Đồ án

Trước các ý kiến của người dân, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng Nguyễn Tiến Quang khẳng định: Việc cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Thiền Quang đã xác định bảo đảm phát huy được giá trị cảnh quan đẹp của không gian quanh hồ, kết nối với không gian Công viên Thống Nhất tạo ra một thể thống nhất trong khu vực. Đặc biệt, một nhiệm vụ quan trọng đặt ra là tạo được sự mới lạ, sống động cho không gian này.

Những người dân tham dự Hội nghị đã ghi ý kiến đóng góp trực tiếp vào ''Phiếu lấy ý kiến'' nộp lại cho UBND phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng), bày tỏ sự đồng tình với việc triển khai Đồ án 
Những người dân tham dự Hội nghị đã ghi ý kiến đóng góp trực tiếp vào ''Phiếu lấy ý kiến'' nộp lại cho UBND phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng), bày tỏ sự đồng tình với việc triển khai Đồ án 

Trong thiết kế đã xây dựng một quảng trường trung tâm làm nơi diễn ra các hoạt động chính của tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông cũng như hoạt động chung của quận Hai Bà Trưng; sẽ tổ chức các hoạt động vừa mang tính cộng đồng vừa mang tính biểu diễn, cũng là nối tiếp vào không gian Công viên Thống Nhất, tạo thành địa điểm hấp dẫn cho người dân đến sinh hoạt động đồng, tham quan.

“Qua xem xét toàn bộ nhu cầu, tại khu vực không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận đã bố trí 2 khu vực để xe, đến nay cho thấy đang đáp ứng tốt các hoạt động dịp cuối tuần. Về nhà vệ sinh công cộng, hiện xung quanh hồ đã có bố trí, nhưng riêng trên phố Quang Trung hoàn toàn chưa có, nên đơn vị tư vấn đã đề xuất đặt tại đây một khu vệ sinh, để người tham quan có nơi vệ sinh gần nhất. Cùng đó, toàn bộ khu vực sẽ có cấp nước uống công cộng, phát wifi miễn phí, không gian nghỉ ngơi… cho người dân”- ông Nguyễn Tiến Quang thông tin.

Theo Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du Dương Minh Đức, "Đồ án thiết kế đô thị khu vực xung quanh hồ Thiền Quang, tỷ lệ 1/500” đã cơ bản giải quyết được những tồn tại hạn chế trong thiết kế đô thị hiện nay, để đồng bộ và đẹp hơn, tiện dụng cho sinh hoạt của người dân- mục đích cuối cùng của quy hoạch đô thị. Tất nhiên, để đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của người dân, chắc chắn cần có thời gian để Đồ án được điều chỉnh phù hợp.

“Hiện tại khu vực này, dự án thiết kế đô thị xung quanh hồ Thiền Quang đang triển khai song song với 3 dự án khác (xậy dựng, cải tạo Công viên Thống Nhất; cải tạo, nâng cấp Cung Thanh Niên tại phố Trần Bình Trong; tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị cụm 3 chùa Thiền Quang-Quang Hoa-Pháp Hoa). 4 dự án này được triển khai đồng bộ nhau nhằm phát huy những giá trị về đô thị, kiến trúc và bảo đảm các quy định về đô thị. Đặc biệt, trước sự quan tâm lớn của người dân về nhà vệ sinh công cộng, công trình giao thông tĩnh… phục vụ khu vực, trên cơ sở đề xuất của đơn vị tư vấn thiết kế, Phòng Quản lý đô thị quận sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến các bên để hiệu chỉnh Đồ án cho phù hợp, bảo đảm quy hoạch đô thị, đúng pháp luật”- ông Dương Minh Đức nói.

Cũng theo Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du, trong vòng 1 tháng qua kể từ khi Đồ án được công khai và từ các ý kiến tại Hội nghị hôm nay cho thấy, người dân trong phường đều cơ bản ủng hộ việc triển khai Đồ án. Vì vậy, chính quyền địa phương mong người dân sẽ là những tuyên truyền viên giúp tiếp tục tuyên truyền vận động để người dân hiểu đúng, đầy đủ về ý nghĩa của Đồ án.