Người dân lý giải nguyên nhân lập lán chặn xe rác Khu xử lý Xuân Sơn

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở TN&MT đã kiến nghị TP yêu cầu UBND huyện Ba Vì chấm dứt tình trạng người dân chặn xe rác vào khu xử lý Xuân Sơn trước ngày 16/2. Tuy nhiên, đến nay sự việc chưa được giải quyết dứt điểm.

Chưa tìm được tiếng nói chung

Trước đó báo Kinh tế & Đô thị đã thông tin, từ ngày 7/2, do những vướng mắc liên quan đến phương án hỗ trợ, GPMB khi thực hiện dự án Di dân vùng ảnh hưởng của Khu XL CTR Xuân Sơn. Nhiều người dân đã lập lán, mang theo chăn màn, đồ ăn để túc trực trước lối vào, chặn không cho xe vận chuyển rác vào khu xử lý.

Người dân xã Tản Lĩnh mang theo chăn chiếu, thay phiên túc trực trước cổng Khu XL CTR Xuân Sơn.
Người dân xã Tản Lĩnh mang theo chăn chiếu, thay phiên túc trực trước cổng Khu XL CTR Xuân Sơn.

Cụ thể, phương án UBND huyện Ba Vì đưa ra phương án đối với đất nông nghiệp lòng hồ Suối Hai (Đồng Đá Bạc), các hộ dân đang sử dụng nằm trong ranh giới đã được cấp GCN QSDĐ cho Xí nghiệp Thủy sản Suối Hai gồm 28 hộ/50 thửa tổng diện tích là 51.324m2, UBND TP Hà Nội chấp thuận hỗ trợ khác nhau bằng 1 lần giá nông nghiệp. Sau khi Hội đồng bồi thường GPMB huyện Ba Vì họp thẩm tra, ngày 6/2/2023, Trung tâm Phát triển quỹ đất (PTQĐ) huyện Ba Vì cùng UBND xã Tản Lĩnh tiến hành công khai phương án dự thảo của 28 dân nêu trên.

Đối với 21 hộ có đất và tài sản nhưng chưa được cấp GCN QSDĐ, căn cứ mục đích sử dụng đất tại thời điểm thu hồi để xem xét hỗ trợ bằng 30% (đối với trường hợp chuyển đổi trước 15/10/1993) và 20% (đối với trường hợp chuyển đổi sau ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2004).

Tuy nhiên, đa số các hộ đều không nhất trí với dự thảo phương án và đề nghị áp dụng chính sách tương tự với năm 2017 tại Văn bản số 5488/UBND-ĐT ngày 30/10/2017 của UBND TP Hà Nội.

Thông tin từ Sở TN&MT cho biết, đơn vị đã kiến nghị UBND TP Hà Nội xem xét, chỉ đạo UBND huyện Ba Vì khẩn trương giải quyết dứt điểm những kiến nghị của người dân về công tác GPMB và có lộ trình hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân trong vùng bán kính ảnh hưởng tới môi trường của Khu XL CTR Xuân Sơn.

Thực hiện biện pháp tuyên tuyền, vận động người dân không tập trung đông người ngăn cản các xe vận chuyển rác thải gây mất ANTT, ảnh hưởng đến công tác vận chuyển rác trên địa bàn TP. Kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, dứt điểm việc người dân cản trở xe vận chuyển rác trước ngày 16/2/2023.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, chiều ngày 17/2, người dân vẫn dựng lán và thay phiên túc trực trước cổng Khu XL CTR Xuân Sơn. Đồng thời, bày tỏ nhiều ý kiến bức xúc với phương án hỗ trợ, đền bù mà được UBND huyện Ba Vì đưa ra.

Vì sao người dân bức xúc?

Theo chia sẻ của người dân, vấn đề lớn nhất mà những người đang tập trung trước cổng KXL CTR Xuân Sơn bức xúc là sự không nhất quán trong giá đền bù giữa các thời điểm 2009, 2017 và 2022.

Theo đó, vào các năm 2009, 2017, cơ chế đền bù được áp dụng đối với các đã sinh sống ổn định là tương đương với hộ đã có sổ đỏ. Ví dụ như năm 2017, là thời điểm dự án mở rộng lần thứ 2, các hộ dân có đất nông nghiệp nằm trong vùng ảnh hưởng, đã được đền bù từ 90-181 triệu đồng/sào. Nhưng trong đợt giải phóng lần này, người dân cho rằng giá áp quá thấp.

“Chúng tôi thường đùa với nhau rằng nếu đất bãi rác có giá 30 triệu đồng/sào, người dân sẵn sàng đóng góp để mua. Vì lần giải phóng này, theo đơn giá bồi thường thì gia đình tôi chỉ được nhận 20 triệu đồng/sào, tổng cộng cả 8 sào là 160 triệu đồng. Số tiền đó sẽ giúp chúng tôi sống được bao nhiêu lâu?”, bà Nguyễn Thị Hiền, người dân thôn Hiệu Lực, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì đặt câu hỏi.

Cổng Khu XL CTR Xuân Sơn.
Cổng Khu XL CTR Xuân Sơn.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên, người dân đưa ra thêm nhiều ví dụ. Như có trường hợp tổng diện tích đất là hơn 1.000m2, đã xây nhà 2 tầng và sinh sống ổn định nhiều năm nhưng khi áp giá chỉ nhận được 400 triệu đồng. Hay 40 triệu đồng cho một gia đình đã sinh sống ổn định từ năm 1987. Mặt khác, người dân cũng đưa ra nguyên nhân dẫn đến sự việc là bởi đã đóng tiền thủ tục làm sổ đỏ nhưng đến nay vẫn chưa được cấp.

“Chúng tôi sinh sống tại đây từ lâu đời, sản lượng nông nghiệp cũng thường đạt cao nhất xã nhưng từ khi có khu xử lý, đời sống đã gặp nhiều xáo trộn. Những sào ruộng màu mỡ bị nước rác chảy vào không canh tác nổi, cuộc sống thường nhật thì phải đối mặt với ô nhiễm mùi, ruồi bọ... Bởi vậy tôi và người dân đều rất ủng hộ phương án di dời của TP. Nhưng việc áp giá bồi thường quá bất cập nên cực chẳng đã mới phải ra ngồi ở đây”, bà Nguyễn Thị Hiền chia sẻ thêm.

Nhằm làm rõ ý kiến phản ánh của người dân, đồng thời tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, phóng viên đã liên hệ với đại diện Trung tâm PTQĐ huyện Ba Vì. Tuy nhiên vị này từ chối tiếp và cho biết UBND huyện đã có báo cáo với TP để đợi chỉ đạo.