Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người dân vẫn thiếu thông tin quy hoạch

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, việc công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch, đất đai đã được triển khai rộng rãi ở các quận, huyện, thị xã của Hà Nội, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, để các dự án liên quan đến đất đai được thực hiện nhanh, có sự đồng thuận của người dân, tránh khiếu kiện kéo dài thì việc đẩy mạnh công khai các bản quy hoạch cần được chú trọng hơn nữa.

Ảnh minh họa.
Mới đây, người dân thuộc tổ dân phố 5, Mễ Trì Hạ, tổ 2,3 Mễ Trì Thượng, phường Mễ Trì, quận Nam từ Liêm bức xúc, gửi nhiều đơn thư, kiến nghị về việc thu hồi đất thực hiện dự án tuyến đường nối từ đường Đỗ Đức Dục đi Mễ Trì. Một trong những nguyên nhân của sự việc này là do người dân cho rằng: Chính quyền địa phương thực hiện quy hoạch không tiến hành công khai, dân chủ; Không lấy ý kiến của người dân nằm trong vùng được quy hoạch và có khuất tất trong việc điều chỉnh cong con đường, đoạn từ chợ Mễ trì Hạ đi theo con đường Ao Khoang; Cố tình lấy vào đất của dân đang sinh sống ổn định, mặc dù ở bên đối diện là đất công còn rất nhiều. Cùng chung nỗi niềm này là cư dân tại khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra, quận Tây Hồ). Mới đây, cư dân thậm chí còn căn băng rôn phản đối việc điều chỉnh quy hoạch tại khu đô thị. Bởi lẽ, họ phát hiện ra việc chủ đầu tư đã nhiều lần xin điều chỉnh quy hoạch nhiều ô đất trước đó mà không lấy ý kiến người dân. 
Báo cáo về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) cho thấy, năm 2015 có 17,86% số người được biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thì con số của năm 2018 tăng lên 21,61%. Tuy nhiên, cũng chỉ có chưa đến 1/3 người có cơ hội đóng góp ý kiến cho các bản quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hệ quả từ việc thiếu các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tạo ra rủi ro cho các giao dịch chuyển nhượng đất đai, đồng thời tiềm ẩn những nguy cơ về tham nhũng, người dân khiếu kiện kéo dài. Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đỗ Viết Chiến cho rằng, việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được minh bạch thông tin, công khai rộng rãi sẽ góp phần giảm khiếu kiện về đất đai. Tuy nhiên, việc công khai tất cả các quy hoạch chưa đủ, mà từ quy hoạch theo Nghị định 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư, phát triển đô thị bắt buộc phải xác định được chương trình ưu tiên. Từ đó, các nhà đầu tư mới biết được cụ thể trong 3 năm, 5 năm tới sẽ tập trung làm vào đâu. Hiện vẫn còn tình trạng đầu tư theo kiểu vết dầu loang, phong trào, gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 01/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần công bố công khai đến người dân, DN các thủ tục hành chính, thông tin về quy hoạch đất đai, xây dựng. Và theo quy định hiện hành, với thông tin quy hoạch, phòng TN&MT của các quận, huyện nơi mảnh đất tọa lạc sẽ nắm thông tin này và sẽ cung cấp thông tin khi có yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, không dễ để người dân có được thông tin từ cơ quan chức năng nêu trên.