Người giữ hồn Việt giữa trời Âu

Thiều Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa Thu, trong se lạnh của mùa lá vàng ươm rực lên trong nắng cuối mùa, Thủ đô Praha của Cộng hòa Czech như được khoác trên mình màu áo mới.

 Những ngôi nhà cổ với những ngọn tháp vút lên trời nằm xen kẽ trong các mảng màu do thiên nhiên ban tặng tạo nên một bức tranh đầy quyến rũ. Đâu đó tiếng còi tàu chở khách dưới sông Vlatava vang lên hòa trong gió giữa muôn vàn cánh chim bồ câu đang nhởn nhơ bay, bình yên đến nao lòng.
 Lẫn trong dòng người tứ phương đi trong lòng phố, tôi lang thang ngắm nhìn những ngôi nhà cổ còn nguyên vẹn sau bao biến cố của thời cuộc. Dưới tầng trệt của những ngôi nhà chất chứa lịch sử, xuất hiện vô số cửa hàng, cửa hiệu. Và trong số đó, có những cửa hàng được người Việt Nam thuê làm nơi kinh doanh.
 Anh Tuấn (thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sỹ Việt Nam sang thăm Czech tại cửa hàng Family.   
Trong góc phố trước mặt một quảng trường nhỏ hướng ra trung tâm, tôi tìm đến quán đã được nhiều người dân bản địa biết đến. Quán phở Famili của anh Tuấn, chị Nhung ở phố Slezska 11 Praha 2. Không cầu kỳ trang trí như nhiều hàng quán tôi từng gặp. Một biển hiệu nhỏ khiêm tốn treo trên góc tường, các mặt kính cửa sổ sáng bóng nhìn thấu những chiếc bàn ăn kiểu cổ kê bên trong. Đã qua giờ trưa nhưng các bàn ăn vẫn còn nhiều thực khách đang ngồi thưởng thức. Phở là món ăn được nhiều người lựa chọn nhất khi tới đây. Thứ nước được ninh ra từ xương trong cái nồi to đùng trên bếp kia rồi lọc ra, kết hợp với những nguyên liệu được lấy từ quê hương nguồn gốc phở Nam Định, là quê của anh chị, thử hỏi có đâu bằng? Có lẽ vậy nên những ông Tây, bà đầm kia mới vừa ăn, vừa xuýt xoa nghiêng bát chắt đến giọt cuối cùng của bát phở?
Đã qua nhiều nghề trên đất khách, cuối cùng sau bao bươn chải, thử nghiệm, anh chị quyết định dồn hết tâm sức cho nghề chế biến món ăn, đặc biệt là những món ăn thuần Việt. Bây giờ, tìm địa chỉ để ăn một bát phở chế biến theo kiểu Việt Nam không còn quá khó với khách du lịch khi đến thăm Thủ đô Praha. Theo xu hướng ngày càng tăng về nhu cầu thưởng thức ẩm thực châu Á, mà phở Việt đang ở thế thượng phong thì việc người Việt mở phở Việt là điều tất yếu. Song, vì không nắm rõ công thức chế biến món ăn truyền thống, không thể chinh phục được thực khách nên nhiều quán phải ngậm ngùi đóng cửa sau một thời gian ngắn.
 Thưởng thức các món ăn Việt tại cửa hàng Family.   
Tôi hơi choáng khi cầm bảng thực đơn với gần 200 món ăn được chế biến theo phong cách châu Á ở quán của anh chị. Từ những món ăn dân dã nhất như chuối nấu ốc, cá kho tộ đến các món chay cho người ăn kiêng, hầu hết những món “quốc hồn, quốc túy” của người Việt đều có mặt trong thực đơn. Có lẽ nhờ thực đơn phong phú, bí quyết gia truyền cùng tình yêu cháy bỏng với ẩm thực quê nhà, quán ăn của anh chị cứ đông dần và có nhiều thực khách quen. Cứ nhìn cách cầm đũa cừ khôi của những thực khách châu Âu đang ăn cơm với thịt kho tàu kia đủ biết họ mê ẩm thực Việt đến cỡ nào!
Đang miên man với bảng thực đơn, chị Nhung mang ra cho tôi một bát tào phớ. Xa quê đã lâu, trong hồi ức của mình, hình ảnh người bán tào phớ rong trên các phố phường Hà Nội vào mùa Hè chợt ùa về. Chiếc đòn gánh chở hàng chuyển động nhịp nhàng theo từng bước chân thoăn thoắt của ông khiến lũ trẻ chúng tôi nhìn không chán mắt. Một đầu đòn gánh là chiếc chạn nhỏ đựng dăm cái bát, một bình nước đường và một xô nhỏ đựng nước để tráng bát. Còn đầu bên này là thùng tào phớ bằng gỗ ghép. Từng miếng tào phớ được hớt vào cái bát, chan ít nước đường rồi tùy người ăn thưởng thức theo cách của mình. Đã từng ăn tào phớ của bà con mình chế biến ở nhiều nước khác nhau trên thế giới, nhưng mùi hoa nhài thoảng nhẹ từ bát tào phớ đang đặt trước mặt đã hoàn toàn chinh phục khẩu vị khó tính của tôi. Thì ra, bí quyết để có được bát tào phớ nguyên vẹn hương vị quê nhà là ở hương nhài. Anh chị cất công lựa từng cánh hoa nhài từ Việt Nam sang rồi cầu kỳ chưng cất để có được thứ hương thơm đúng như nó phải có chứ không phải dùng tinh dầu như nhiều nơi vẫn đang làm. Bạn thử hình dung, giữa sắc lá vàng trong ánh chiều tà yên ả nơi trời Âu, hương nhài vấn vít, từng miếng tào phớ trắng ngà, mềm mịn, bùi, ngậy tan dần cùng vị ngọt trong miệng, hỏi có gì bằng! Ấy là chưa kể đến món kem bọc cốm rán giòn ở quán này, mà là cốm làng Vòng hẳn hoi mới thú chứ. Từ ngạc nhiên chuyển sang thích thú, mấy cô bạn người nước ngoài đang ngồi thưởng thức món kem không thể hiểu bằng cách nào họ đã tạo nên sự thú vị này, ngoài vỏ bọc giòn tan mà kem ở bên trong vẫn lạnh y nguyên.
Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng liên tục bởi thực khách kéo vào ngày một đông. Hai con người, thời gian xa quê của họ cộng lại dài bằng cả đời người, lại vào độ tuổi được nghỉ ngơi, thư giãn, vậy mà họ vẫn mải miết làm việc, chau chuốt cho từng nguyên liệu, món ăn. Hỏi ra, anh mới cho biết, tình yêu quê hương đã ngấm vào máu thịt, phải làm để vơi đi nỗi nhớ quê nhà, nhất là vào những ngày Tết đến, Xuân về. Quan trọng hơn là anh chị được tự mình giới thiệu đến bạn bè bốn phương những tinh hoa của ẩm thực Việt Nam.
Praha về chiều như vàng hơn trong nắng Thu. Trong xốn xang lòng tôi cầu chúc cho quán ăn của anh chị Tuấn - Nhung ngày thêm đông khách để thông qua những món ăn tinh tế, bạn bè bốn phương sẽ đến gần với văn hóa Việt hơn, yêu quý chúng ta hơn.