“Người lạ trong nhà”: Bi kịch gia đình trong cuộc sống hiện đại

Ngô Quang Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dựa theo câu chuyện có thật về bi kịch của một gia đình ở New York vào năm 2012, nữ tiểu thuyết gia Leila Slimani đã đem đến cho độc giả một“Người lạ trong nhà” vô cùng thời sự, ám ảnh.

Tác phẩm đã xuất sắc dành giải thưởng Goncourt 2016, đưa nữ nhà văn trở thành người phụ nữ thứ 12 trong số 113 người từng giành được giải thưởng văn học danh giá này.
Cuốn sách Chanson douce (tựa tiếng Việt: Người lạ trong nhà)
Nhân dịp phát hành bản dịch tiếng Việt cuốn sách Người lạ trong nhà của nhà văn Pháp gốc Ma Rốc Leïla Slimani, Công ty CP văn hóa và truyền thông Nhã Nam cùng Trung tâm văn hóa Pháp tổ chức tọa đàm Cuộc sống hiện đại: Trả giá bao nhiêu thì hợp lý? Với sự tham gia của các diễn giả: PGS-TS Nguyễn Hoàng Ánh (giảng viên ĐH Ngoại thương, Hà Nội), Nguyễn Thanh Nguyệt (giáo viên Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội); buổi tọa đàm là cầu nối giúp chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc, đánh giá của các diễn giả và các độc giả về chủ đề mà cuốn sách đề cập, không chỉ từ góc độ văn chương mà cả từ góc nhìn xã hội.

Lấy cảm hứng từ một tin nhanh về vụ án sát hại trẻ em, cùng sự nhạy cảm xã hội đáng nể, Leila Slimani đã viết nên 240 trang sách đầy sắc sảo, ám ảnh về vụ một vú em giết chết 2 đứa trẻ. Về nội dung, nữ nhà văn 35 tuổi đã phân tích tỉ mỉ những điểm mơ hồ gắn kết các bậc phụ huynh với những người trông coi con cái cho họ và khám phá những lo sợ cùng cực của người làm mẹ. Đối với khía cạnh nghệ thuật, Leila đã phá vỡ quy tắc của thể loại trinh thám để bắt đầu cuốn sách bằng kết thúc “Đứa bé trai nhỏ hơn đã chết”. Kết hợp với lối kể chuyện thông minh, tác giả Leila đã lật ngược dòng thời gian và cuốn hút những độc giả tò mò bằng những mối quan hệ chẳng chịt ấy. Độc giả dần dần lần ra các dấu hiệu, các rạn nứt trong cuộc sống của nhân vật chính, những điều báo trước tội ác chị ta phạm phải. Sau tất cả, nỗi cô đơn, những khó khăn của người phụ nữ hiện đại trở nên chân thực hơn bao giờ hết.
 Khá đông độc giả tham gia buổi tọa đàm, đa phần là nữ.
Bắt đầu từ 1 tin nhanh, bằng cách đã tái hiện chân thực thứ áp lực đè nặng lên những người mẹ vừa muốn lo toan, vun vén cho chồng con; vừa muốn thăng hoa, thành công ở những nơi khác ngoài tổ ấm gia đình, nữ nhà văn đã gửi gắm câu hỏi mở đầy bức thiết, thời sự: công việc/con cái: liệu có hay không một sự cân bằng?
  Diễn giả PGS-TS Nguyễn Hoàng Ánh (giảng viên ĐH Ngoại thương, Hà Nội) cùng giáo viên Nguyễn Thanh Nguyệt (Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) hào hứng chia sẻ ''Người lạ trong nhà'' cùng độc giả.
Bên cạnh việc giới thiệu sách, các diễn giả PGS-TS Nguyễn Hoàng Ánh cùng cô giáo Nguyễn Thanh Nguyệt đã có nhiều chia sẻ thực tế, mở rộng hơn thông điệp mà nhà văn Leila Slimani muốn gửi gắm, đặc biệt đúng đối với xã hội Việt Nam về nhu cầu của người phụ nữ trong việc tìm chỗ đứng trong xã hội; câu chuyện về sự cô đơn; nguy cơ trầm cảm sau sinh của người phụ nữ; sự thấu hiểu; vai trò của người đàn ông trong việc sẻ chia trách nhiệm, công việc với người phụ nữ trong gia đình; cuộc sống hiện đại phải trả giá bao nhiêu thì công bằng, công bằng với bản thân, với gia đình và những người xung quanh,... để những sự việc đáng tiếc như câu chuyện tác giả đề cập không còn xảy ra nữa.