Người mới, thời mới, chiến lược mới

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Như nhiều người tiền nhiệm, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol công bố chiến lược an ninh quốc gia riêng cho nhiệm kỳ cầm quyền của mình.

Ông Yoon Suk-yeol vốn không giấu giếm sự khác biệt quan điểm với người tiền nhiệm về chính sách đối ngoại và an ninh nên nội dung và định hướng của chiến lược an ninh quốc gia của ông Yoon Suk-yeol có nhiều khác biệt cơ bản so với người tiền nhiệm.

Trong văn bản chiến lược này, ông Yoon Suk-yeol đề ra mục tiêu cụ thể là bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Hàn Quốc, đảm bảo an toàn cho người dân và gây dựng vai trò chính trị khu vực, châu lục và thế giới cho Hàn Quốc. Thông lệ chính trị ở Hàn Quốc từ nhiều năm nay là Tổng thống đương nhiệm nào cũng đưa ra chiến lược an ninh quốc gia riêng của mình.

Ông Yoon Suk-yeol là người mới nên phải có chiến lược mới. Thời cuộc và tình hình chính trị và an ninh ở khu vực Đông Bắc Á nói riêng cũng như trên thế giới nói chung, đặc biệt ở vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương biến động rất mau lẹ và sâu sắc, đẩy Hàn Quốc tới thách thức và nguy cơ khác trước về an ninh. Vì thế, người mới ở thời mới phải có chiến lược an ninh quốc gia mới.

Đối với Hàn Quốc, nhận diện đối thủ, đối tác và đồng minh vẫn như xưa nay. Ông Yoon Suk-yeol vẫn nhìn chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là mối đe dọa an ninh lớn nhất, vì thế cần được tập trung ưu tiên hàng đầu để đối phó.

Cách đối phó của ông Yoon Suk-yeol là tăng cường tiềm lực quân sự, tăng cường răn đe Triều Tiên bằng tiềm lực quân sự và quốc phòng của Hàn Quốc cũng như bằng thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược truyền thống với Nhật Bản.

Cũng vì mục đích này mà ông Yoon Suk-yeol chủ trương đẩy mạnh hòa giải với Nhật Bản và tranh thủ Nhật Bản và Mỹ. Ông Yoon Suk-yeol coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược, ngả hẳn về phía Mỹ trong chính sách đối với Trung Quốc và Nga. Cứ theo chiến lược này thì Hàn Quốc còn cứng rắn hơn với Trung Quốc và Triều Tiên, đồng thời càng thêm cùng hội cùng thuyền với Mỹ và Nhật Bản.