Người mua vàng lỗ tới 7 triệu đồng/lượng trong tuần

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng miếng giảm về vùng hơn 69 triệu/lượng, cuốn bay toàn bộ đà tăng đầu tuần. Nếu như người dân mua vàng SJC vào thời điểm ngày 8/3 với mức lập đỉnh là 74,4 triệu đồng/lượng, thì tính đến chốt phiên cuối tuần đã lỗ tới 7 triệu đồng/lượng.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Giá vàng SJC trong nước chững lại

Tuần qua giá vàng miếng lập kỷ lục mọi thời đại khi vượt 74 triệu đồng/lượng. Ở thời điểm đó, giá vàng miếng bán lẻ cao hơn tới trên 19 triệu đồng/lượng so với giá quốc tế. Sau khi lập đỉnh, giá vàng chuyển sang giằng co mạnh, có lúc tụt về 68 triệu đồng/lượng, rồi chững lại quanh ngưỡng 70 triệu đồng/lượng từ ngày thứ Sáu (11/3).

Vàng trong nước phiên cuối tuần suy giảm, hiện vàng miếng trong nước đang giao dịch ở ngưỡng 68 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,8 triệu đồng/lượng (bán ra). Như vậy, so với mức giá 74,4 triệu đồng/lượng, giá vàng đã giảm hơn 7 triệu đồng/lượng. Nếu như người dân mua vàng SJC vào thời điểm ngày 8/3 với mức lập đỉnh là 74,4 triệu đồng/lượng, tính đến chốt phiên cuối tuần người mua vàng đã lỗ tới 7 triệu đồng/lượng.

Dù tuột khỏi ngưỡng 70 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC bán lẻ đang cao hơn giá quốc tế quy đổi khoảng 14 triệu đồng/lượng. Giá vàng biến động liên tục và khó lường, cộng thêm chênh lệch giá mua-bán vàng kéo giãn rộng, phổ biến 2 triệu đồng/lượng, nên người mua vàng trong tuần này đối mặt nhiều rủi ro.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sự tách biệt với thị trường thế giới làm cho vàng trong nước trở thành một tài sản “ảo”, tăng giá kiểu bong bóng và xẹp xuống bất chừng không theo một nguyên tắc, quy luật có thể đoán định, lý giải nào. Đáng chú ý, cùng là vàng 9999 mang thương hiệu SJC nhưng giá bán vàng nhẫn hiện chỉ 56,75 triệu đồng/lượng, tức đang thấp hơn giá vàng miếng SJC đến 12,55 triệu đồng/lượng.

Quan sát thị trường có thể thấy, khoảng 3 - 4 tháng trở lại, mức chênh ngày càng xa và đến đợt sốt giá này, có thời điểm giá vàng miếng cao hơn giá vàng nhẫn 15 - 16 triệu đồng/lượng. Cũng chính vì khan hiếm nguồn cung nên trong những đợt biến động giá "sóng" vàng SJC luôn lớn hơn, và vì vậy người dân tập trung mua bán "lướt sóng" vàng miếng SJC mong kiếm lời trong khi ít người mua vàng nhẫn.

Giá vàng thế giới trượt khỏi mốc 2.000 USD/ounce

Tuần qua, giá vàng trên thị trường thế giới có lúc vượt mốc 2.000 USD/ounce, lên gần mức kỷ lục mọi thời đại thiết lập vào tháng 8/2020. Tuy nhiên, giá kim loại quý này chưa thể lập một kỷ lục mới và đã trượt khỏi mốc 2.000 USD/ounce. Vàng vẫn đang được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh xung đột vũ trang Nga - Ukraine và lạm phát.

Cả tuần, giá vàng tăng khoảng 1,2%. Việc giảm dưới 1.900 USD/ounce cho thấy vàng đang bước vào một giai đoạn củng cố trước khi có thể tiếp tục bứt phá. Tuy nhiên, vàng cũng đang đối mặt với sức ép giảm giá từ khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tuần tới.

Tuần này, kết quả mới nhất của cuộc khảo sát thị trường vàng hàng tuần của Kitco News cho thấy, ý kiến tin tưởng giá vàng tăng không thực sự chiếm ưu thế áp đảo.

Trong 18 nhà phân tích Phố Wall đã tham gia cuộc khảo sát vàng của Kitco News, 8 người (khoảng 44%) dự báo giá vàng tăng vào tuần tới; 3 nhà phân tích (17%) dự báo giá vàng giảm; có tới 7 người còn lại (39%) cho ý kiến trung lập về giá vàng tuần tới.

Trong khi đó, với 1.013 phiếu được thực hiện trong các cuộc thăm dò trực tuyến trên Phố Main, 634 người được hỏi (63%) tin tưởng vàng sẽ tăng giá vào tuần tới; 223 người khác (22%) cho rằng giá vàng sẽ thấp hơn; trong khi 156 (15%) cho ý kiến trung lập. Dù vàng vẫn được dự báo sẽ tăng trong tuần tới, nhưng rõ ràng các ý kiến dự đoán đều tỏ ra khá thận trọng.