Người phụ nữ bị chiếm đoạt 340 triệu đồng khi tham gia mô hình dropshiping

Kim Thạch
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chị N. tìm kiếm công việc bán hàng mới trên mạng. Chị N. tạo cửa hàng và chọn sản phẩm trên trang Taobao muốn bán. Các đối tượng lấy nhiều lý do để yêu cầu chị N. nộp thêm tiền.... Chị N. đã chuyển cho các đối tượng và bị chiếm đoạt 340 triệu đồng.

Ngày 8/3, Công an TP Hà Nội đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi tham gia kinh doanh mô hình dropshiping.

Dropshipping là hình thức bán lẻ mà người bán không cần lưu trữ sản phẩm của mình trong kho, thay vào đó người bán chỉ cần chuyển các đơn hàng và chi tiết khách hàng mua sản phẩm tới nhà sản xuất hoặc đơn vị cung ứng sản phẩm. Người bán hàng chỉ cần chú tâm vào quảng bá sản phẩm, những việc còn lại đơn vị cung cấp sản phẩm phụ trách.

Khi khách hàng đặt mua sản phẩm, các nhà bán lẻ sẽ thông báo cho đối tác dropshipping - nhà sản xuất hoặc nhà bán buôn, những đơn vị này sẽ đóng gói và vận chuyển sản phẩm cho khách hàng. Đối tác vận chuyển sẽ tính phí cho từng đơn hàng.

Người phụ nữ bị chiếm đoạt 340 triệu đồng khi tham gia mô hình dropshiping.
Người phụ nữ bị chiếm đoạt 340 triệu đồng khi tham gia mô hình dropshiping.

Trong thời đại công nghệ số hiện nay, dropshipping được rất nhiều cá nhân và tổ chức lựa chọn vì sự tinh gọn của mô hình này. Từ những doanh nghiệp quy mô lớn tới những bà mẹ bỉm sữa muốn kiếm thêm thu nhập đều có thể tham gia hình thức này. Các đối tượng lợi dụng mô hình kinh doanh này để dụ dỗ nhiều nạn nhân tham gia, sau đó chiếm đoạt tiền của “người bán hàng”.

Chị N. tìm kiếm công việc bán hàng mới trên mạng nên đã chủ động nhắn tin vào trang “Taobaovn Store” và được trang cho mã vạch zalo của bạn nhân viên hỗ trợ. Chị N. tạo cửa hàng và chọn sản phẩm trên trang Taobao muốn bán. Có đơn khách đặt hàng, Chị N. phải gửi lệnh thanh toán bằng USD trên ứng dụng các đối tượng cung cấp và quy đổi thành tiền việt và chuyển cho các đối tượng.

Khi số lượng đơn hàng khách đặt quá lớn, chị N. không đủ khả năng tài chính để thanh toán nên muốn rút vốn nhưng được yêu cầu phải thanh toán tất cả các đơn hàng mới được hoàn vốn. Các đối tượng lấy các lý do: “thanh toán đủ các đơn”, “đạt doanh thu 10.000 USD”, “ủng hộ trẻ em nghèo”,… để yêu cầu chị N. nộp thêm tiền. Chị đã chuyển cho các đối tượng và bị chiếm đoạt 340 triệu đồng.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội khuyến cáo: Người bán hàng online, đặc biệt là các cá nhân kinh doanh chưa từng giao dịch với “các đối tác” cần thận trọng, xác minh kỹ thông tin khi tham gia mô hình kinh doanh dropshiping và thực hiện giao dịch chuyển tiền. Thận trọng khi đứng trước cơ hội nhận được lợi nhuận lớn nhờ vào các ứng dụng kinh doanh trực tuyến. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định của pháp luật.