Người tận tâm với nghề mây giang đan

Bài, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một đời gắn bó với mây giang đan, ông Nguyễn Văn Trung (SN 1953) thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ là một trong những nghệ nhân luôn nặng lòng với nghề truyền thống.

Rời giảng đường về quê giữ nghề
Thôn Phú Vinh được biết đến như cái nôi của nghề mây giang đan. Với truyền thống hơn 400 năm, ở Phú Vinh, hầu như gia đình nào cũng có người theo nghề kiểu "cha truyền con nối". Ông Nguyễn Văn Trung cũng được truyền nghề từ ông cha mình. Nhưng ông không may mắn như nhiều thanh niên khác. Một trận ốm nặng đã khiến ông mắc chứng co cơ, phải nằm liệt giường. Sau nhiều nỗ lực điều trị, đôi chân của ông đã có thể cử động được. Tuy nhiên, chân phải bị ngắn hơn chân trái nên không thể đi đứng bình thường. Dù vậy, với tình yêu nghề cùng mong muốn tiếp nối truyền thống hàng trăm năm do cha ông để lại, ông Trung vẫn ngày ngày cần mẫn với mây, giang, mày mò, học hỏi đúc kết kinh nghiệm và sáng tạo nên những sản phẩm độc đáo.

Dù đã gần 65 tuổi nhưng nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung vẫn không ngừng tìm tòi, sáng tạo ra những mẫu mã sản phẩm mới.

Trở thành một trong những người thợ lành nghề bậc nhất ở cái nôi mây giang đan Phú Vinh, năm 1980, ông Trung được nhận giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” và được mời làm giảng viên tại trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Với tài năng của mình, năm 1983, ông được Ủy ban Khoa học Nhà nước (tiền thân của Bộ KH&CN) và Bộ Đại học (nay là Bộ GD&ĐT) cử sang Cu Ba giúp nước bạn làm hàng thủ công mỹ nghệ. Hơn bốn năm sau (năm 1987) ông về nước đúng thời điểm suy thoái kinh tế, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ không tìm được chỗ đứng khiến nhiều người buộc phải bỏ nghề để tìm kế sinh nhai. Với suy nghĩ “mình không làm thì ai làm”, ông Trung đã từ bỏ công việc giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, về quê với quyết tâm bảo tồn và vực dậy làng nghề mây giang đan.
Giá trị chỉ bền vững khi được sẻ chia
Khi cơ chế thị trường thay đổi, ông đứng ra thành lập DN.  “Ngày đó, để có thể ký được một hợp đồng tiêu thụ hàng hóa rất khó. Chân không lành lặn nhưng tôi đã phải lặn lội khắp nơi tìm kiếm đối tác” - ông Trung nhớ lại. Ông may mắn khi nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ và chung sức của rất nhiều người, kể cả những người làm công thấy hoạt động của DN khó khăn đã cho ông nợ tiền công trong gần một năm. Nhờ chất lượng sản phẩm tốt, mẫu mã ấn tượng, chỉ sau 1 - 2 lô hàng đầu tiên được xuất đi, đối tác từ khắp các tỉnh, thành tìm đến đặt hàng.
Đến nay, ông Trung có thể tự hào khi sản phẩm thủ công mỹ nghệ của thôn Phú Vinh nói chung, cơ sở sản xuất của ông nói riêng từng bước tiếp cận và chiếm lĩnh được thị trường nhiều nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Thụy Điển…
Năm 2007, ông thành lập Trung tâm dạy nghề tư thục mây tre đan Phú Vinh. Trong thời gian hoạt động, trung tâm đã đào tạo được trên 4.300 lao động cho Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận. Ông còn mở lớp dạy nghề miễn phí cho hơn 600 người khuyết tật. Đồng thời, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Khu xưởng của ông Trung hiện tạo việc làm thường xuyên cho 15 người và hơn 100 lao động theo hình thức khoán sản phẩm. Ông Trung luôn tâm niệm, những giá trị chỉ thực sự bền vững khi được sẻ chia. Đó cũng là điều mà một đời ông muốn gìn giữ và truyền dạy cho các thế hệ tiếp nối. Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, cuối năm 2015, ông Trung được UBND TP Hà Nội phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.
            

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần