Người thầy giáo tâm huyết với tiếng Việt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngoài công việc chính là giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên Thái Lan và dạy tiếng Thái cho du học sinh, anh Phú luôn ấp ủ mong muốn là làm thế nào để trong cộng đồng người Việt ở Thái Lan có nhiều người nói được tiếng Việt.

KTĐT - Ngoài công việc chính là giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên Thái Lan và dạy tiếng Thái cho du học sinh, anh Phú luôn ấp ủ mong muốn là làm thế nào để trong cộng đồng người Việt ở Thái Lan có nhiều người nói được tiếng Việt.

Thật khó để đoán Suriya Khamwan là người Thái Lan hay người Việt khi gặp anh tại Tuần lễ du học Thái Lan vừa qua tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Anh nói tiếng Thái như người Thái và tiếng Việt như người Việt...

Điều này cũng dễ hiểu. Suriya Khamwan có tên Việt là Vũ Đình Phú. Sinh ra tại Nakhon Phanom, nhưng bố mẹ anh là người Ý Yên, Nam Định. Cái chân chất của miền quê nghèo không chỉ để lại dấu ấn trong giọng nói mà cả cách trò chuyện rất mộc mạc của anh. Lần này về Việt Nam, anh Phú vui lắm. Bạn học sinh, sinh viên nào đến gian hàng của Đại học Nakhon Phanom cũng được anh đón tiếp rất nồng nhiệt. Tận tình trả lời các thắc mắc về tình hình học tập cũng như sinh sống tại Nakhon Phanom và Thái Lan nói chung, anh chiếm được cảm tình của rất nhiều bạn bằng chất giọng thật ấm áp…

Tốt nghiệp cử nhân Lịch sử, trường Đại học Mahasarakham, anh Phú có nhiều lựa chọn để tiếp tục sự nghiệp học vấn của mình. Theo tiếng gọi của quê hương, anh sang Hà Nội học tiếng Việt. Năm 2001, biết tin trường Đại học Nakhon Phanom đang cần giáo viên dạy tiếng Việt cho sinh viên Thái Lan, anh đến nộp hồ sơ và được sự chấp thuận của thầy hiệu trưởng.

Vào thời điểm đó, phong trào học tiếng Việt với cương vị là ngôn ngữ nước láng giềng đã bắt đầu nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền. Tại tỉnh Nakhon Phanom, nơi có đông đảo kiều bào sinh sống, lãnh đạo tỉnh có chính sách mở rộng quan hệ hợp tác cấp địa phương với các tỉnh miền Trung của Lào và Việt Nam. Một lĩnh vực mà các bên quan tâm là giáo dục, văn hoá và học tiếng của nước bạn. Sau một năm dạy tiếng Việt, anh được nhà trường cử sang học thạc sĩ Lý luận ngôn ngữ tại Đại học Vinh.

Trở lại Thái Lan năm 2005, anh tiếp tục làm giáo viên và hiện đang công tác tại Viện Ngôn ngữ, Đại học Nakhon Phanom. Ngoài ra, thầy giáo 34 tuổi này cũng làm phiên dịch cho tỉnh Nakhon Phanôm, Hội Thái Lan - Việt Nam tỉnh Nakhon Phanom, cố vấn cho trung tâm Hữu nghị Nakhon Phanôm - Hà Nội về việc dạy tiếng Việt...

Ngoài công việc chính là giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên Thái Lan và dạy tiếng Thái cho du học sinh, anh Phú luôn ấp ủ mong muốn là làm thế nào để trong cộng đồng người Việt ở Thái Lan có nhiều người nói được tiếng Việt. Trăn trở của anh là “phần lớn bạn trẻ ở đây không nói được tiếng Việt. Đó cũng là điều dễ hiểu vì các bạn đã hoà nhập vào xã hội của người Thái, học trường Thái và ít khi dùng tiếng Việt. Mặt khác, xu thế học ngoại ngữ hiện tại thiên về các tiếng như Anh, Hàn, Trung, Nhật”.

Nhưng “điều dễ hiểu đó” là một nỗi lo của thế hệ ông bà, cha mẹ… Ngoài việc tận tụy với những bài giảng, anh Phú cũng thường xuyên tận dụng các cơ hội để trò chuyện với các bạn trẻ nhằm “thắp lên ngọn lửa Việt trong họ” - anh nói. Bản thân cũng đã mở lớp dạy tiếng Việt cho lãnh đạo trường Đại học Nakhon Phanom, giúp Hội người Việt ở Nakhon Phanom mở lớp dạy tiếng Việt cho con cháu kiều bào trong tỉnh.

Ngoài việc gìn giữ và truyền bá tiếng Việt, anh Phú cũng lo rằng những phong tục, nếp sống thuần Việt sẽ mai một trong cơn bão của thị trường. Đó cũng là lý do anh thực hiện Đề tài nghiên cứu về “Bánh chưng” nhằm giới thiệu nét văn hoá ẩm thực của người Việt tại Thái Lan...

Trong bữa cơm thường ngày của gia đình anh Phú thường không thiếu món canh cua, cà muối, mắm tép do mẹ anh tự nấu. Anh cũng thường xuyên xem tivi, nghe nhạc và đọc sách báo Việt Nam…