Người từng bị kết án sẽ sớm tái hòa nhập cộng đồng

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xóa án tích là chế định thể hiện tính nhân đạo trong pháp luật hình sự của nước ta nhằm tạo điều kiện để người đã từng phạm tội tái hòa nhập cộng đồng.

So với quy định về xóa án tích trước đây, thì Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành có nhiều quy định mới có lợi hơn cho người đã chấp hành xong bản án và người bị kết án do lỗi vô ý.
Học viên các cơ sở cai nghiện trên địa bàn Hà Nội thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy. 

Ảnh: Phương Nguyên

Theo báo cáo tổng kết thi hành BLHS năm 1999 sửa đổi năm 2009 (BLHS năm 1999) của Bộ Tư pháp, quá trình xem xét xóa án tích đối với người bị kết án trong thời gian qua gặp nhiều vướng mắc về thủ tục xóa án tích. Hơn nữa, chính sách về xóa án tích của BLHS 1999 còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người bị kết án, cản trở quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Do đó, các quy định về xóa án tích trong BLHS 2015 đã được sửa đổi, bổ sung, thực hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước đối với người bị kết án, tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Một trong những đổi mới cơ bản là lần đầu tiên, BLHS quy định các trường hợp không bị coi là có án tích. Cụ thể, Điều 69, Điều 107 BLHS 2015 đã quy định 5 trường hợp sau không có án tích: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị kết án; người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý; người dưới 18 tuổi bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; người đã thành niên bị kết án do lỗi vô ý về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng; người được miễn hình phạt.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính (Bộ Tư pháp) Lê Thị Vân Anh, với quy định mới này, người có án tích đã được tạo thuận lợi để được xóa án tích, sớm hòa nhập với cộng đồng. Chế định này thể hiện sâu sắc tinh thần nhân đạo, việc xử lý hướng thiện trong chính sách hình sự của Nhà nước ta. Ngoài ra, BLHS 2015 đã có nhiều đổi mới về hình thức, thủ tục xóa án tích, về thời điểm tính thời hạn xóa án tích, về việc rút ngắn thời hạn để xóa án tích và quy định về việc xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi.

Theo các chuyên gia luật, BLHS 1999 quy định thời điểm tính thời hạn để xóa án tích cho người bị kết án là: Kể từ ngày người đó chấp hành xong toàn bộ bản án của Tòa án, bao gồm hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án như bồi thường thiệt hại (nếu có), án phí… thì mới bắt đầu được tính thời hạn để xóa án tích (Điều 64 BLHS 1999). Tuy nhiên, theo Điều 70 BLHS 2015, thời điểm tính thời hạn xóa án tích cho người bị kết án kể từ ngày người đó chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo.

Ngoài ra, thời hạn xóa án tích cho người có án tích của BLHS 2015 cũng được rút ngắn cơ bản. BLHS 2015 ngoài việc giữ nguyên thời hạn một năm đối với người bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo, còn với những trường hợp khác đều rút ngắn thời hạn xóa án tích. Cụ thể, đối với trường hợp bị phạt tù đến 5 năm thì thời hạn xóa án tích là 2 năm. Trường hợp bị phạt tù từ trên 5 năm đến 15 năm thì thời hạn xóa án tích là 3 năm và trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình đã được giảm án thì thời hạn xóa án tích là 5 năm.