[Người Việt tại Nga mùa đại dịch] Bài 3: Chờ đợi những chuyến bay cứu trợ

Nguyễn Thảo Nguyên (từ Liên bang Nga)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ đô Matxcơva có tới 5 sân bay dân dụng và 7 sân bay quân sự, thể thao, huấn luyện. Những năm trước, người Việt đi sang Nga bằng Vietnam Airlines chỉ qua sân bay Domodedovo ở phía Tây Nam TP; còn bay qua hãng Aeroflot thì ở sân bay quốc tế Sheremetyevo phía Bắc Matxcơva. Cả hai hãng, năm 2019, mỗi tuần có tới 10 chuyến, trong đó Vietnam Airlines khai thác 3 chuyến.

 Người Việt tại Nga chờ làm thủ tục để được trở về nước. Ảnh: Báo Người lao động
Hàng nghìn người Việt không thể hồi hương

Bắt đầu từ ngày 2/7/2019, các chuyến bay đều chuyển về sân bay quốc tế Sheremetyevo, cách trung tâm thủ đô 60km. Cứ mỗi chuyến bay có tới 350 hành khách cả tây lẫn ta, thì mỗi tháng, tính sơ sơ, lượng khách vừa về, vừa sang là 28.000 người. Dòng xe đưa đón cuồn cuộn khách đến, khách đi tại các cửa sân bay suốt cả ngày lẫn đêm. Từng đoàn khách du lịch Việt Nam, dáng người không lẫn vào đâu được, xếp hàng rồng rắn, nháo nhác trước các quầy làm thủ tục.

Nhưng từ sau Tết Nguyên đán 2020, chỉ còn lác đác 50 - 70 người đi về trong mỗi chuyến bay và cho đến ngày 29/2 thì lịm hẳn. Các chuyến bay quốc tế ngừng lại, sau đó các chuyến bay nội địa ở Nga cũng hạn chế dần và mãi đến cuối tháng 6 mới nối lại.

Không tính được con số cụ thể là bao nhiêu nhưng chắc chắn là có tới hàng nghìn người Việt đọng lại ở Nga không thể hồi hương. Đó là những sinh viên, nghiên cứu sinh đã học xong, những người thăm người thân hết hạn visa, cán bộ sang công tác hết hạn và DN sang nghiên cứu thị trường…

Một điều nan giải đối với các sinh viên, nghiên cứu sinh là sau khi kết thúc khóa học sẽ hết hạn đăng ký hộ khẩu, không còn tiêu chuẩn ở lại ký túc xá và dĩ nhiên không còn tiêu chuẩn học bổng. Trước đây, cứ hết hạn giấy tờ là mặc nhiên phải rời khỏi nước Nga, nếu quá 24 tiếng đồng hồ, coi như phạm luật cư trú. Nhưng đứng trước tình hình TP bị phong tỏa, các chuyến bay quốc tế bị đình trệ, chính quyền Liên bang Nga đã tự động gia hạn cho những người trong diện quá hạn visa đến khi có chuyến bay thương mại.

Nhưng khó khăn nhất là các du học sinh không có việc làm thêm trong mùa dịch. Không thể đi dạy thêm, bán hàng thuê, bưng bê trong các cửa hàng ăn, bởi TP bị phong tỏa, các nhà hàng, chợ đều đóng cửa. Nhiều gia đình du học sinh lại phải gửi tiền sang giúp cho những thanh niên sức dài, vai rộng đang bị ách lại, chưa thể trở về nhà.

Một mất, mười ngờ

Từ đầu tháng 5/2020, thông tin về chuyến bay cứu trợ đưa công dân về nước xuất hiện trên các mạng xã hội với cái tên thời sự là “chuyến bay giải cứu”. Sau đó, trên trang web chính thức của Đại sứ quán và các nhóm hỗ trợ cộng đồng đã đăng tải thông tin chuyến bay, đưa ra những tiêu chí cụ thể cho hành khách bay chuyến đầu tiên. Đó là những người không nhiễm virus SARS-CoV-2, người cao tuổi, người có nhu cầu cấp thiết nhất. Mỗi người có một tờ khai, gửi email lên phòng lãnh sự xét duyệt.

Thời chưa có virus SARS-CoV-2, vé hai chiều Matxcơva – Hà Nội có giá xê dịch từ 600 – 1.200 USD tùy thời điểm nhưng giá vé chuyến bay thời dịch là 1.300 USD/chiều, theo quy định của hàng không Việt Nam. Giá vé ngần đó cũng phải, bởi những chiêu đãi viên, phi công, người phục vụ trong các chuyến bay này được ví như những người cảm tử, chấp nhận mọi hiểm nguy, bởi trách nhiệm, nghĩa vụ, nhưng cũng là quyết tâm và lòng nhân ái. Ngoài ra, hãng hàng không còn phải lo nhiều khâu từ kiểm dịch, phun hóa chất, các loại trang thiết bị cách ly.

Không ai thắc mắc mảy may về giá cả nhưng trên các mạng xã hội lại râm ran về dịch vụ: “Đấy giá vé lên chóng mặt, người cần kíp về thì không đến lượt, người có tiền thì ung dung lên máy bay!”. Một mất, mười ngờ, sự đồn đại cũng gây ra ảnh hưởng trong cộng đồng như một dấu hỏi nhức nhối không lời đáp.

May thay, qua một vài nạn nhân tố giác, người ta phát hiện ra và đang truy lùng Trịnh Vũ L., một chuyên gia lừa đảo, có khuôn mặt rất thư sinh, đứng ra nhận lo vé cho những ai muốn có tên trong danh sách về nước. Hàng loạt người một phần vì sốt ruột, phần vì cả tin, rằng có ai lại nỡ lừa dân khó khăn trong khi dịch dã nên đã chuyển vào tài khoản của Trịnh Vũ L. một số tiền mua chỗ có khi gấp đôi giá hàng không quy định. Tổng số tiền Trịnh Vũ L. lừa đảo cho đến thời điểm này lên tới hàng trăm triệu.

Rất có thể vẫn còn các đại lý, một vài nhân vật hữu danh làm tiền theo dạng này mà chưa bị phanh phui, bởi có thể họ làm trót lọt được một số phi vụ.

Những chuyến bay đầu tiên

Ngày 12/5/2020, chiếc máy bay Boeing 787-10 khổng lồ của Vietnam Airlines mang số hiệu VN 62 chở theo hành khách Nga hồi hương và một số vật tư y tế từ Việt Nam sang đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Seheremetyevo. Sau đó, chuyến Matxcơva – Hà Nội mang theo 340 hành khách Việt Nam trở về Tổ quốc.

Những người có tên trong danh sách về nước bắt buộc phải trình báo cho cơ quan chức năng Nga kết quả xét nghiệm y tế trong vòng 72 giờ, được phát đồ bảo hiểm y tế trong suốt chuyến bay, phải đến sân bay từ rất sớm để làm các thủ tục cần thiết. Hàng trăm người xếp hàng trong phòng đợi, chuẩn bị lên máy bay, mặc đồ bảo hộ kín mít, giống hệt những nhà du hành vũ trụ.

Rạng sáng ngày 13/5, máy bay hạ cánh xuống Vân Đồn, toàn bộ hành khách đều được xử lý sát trùng bằng hóa chất đặc biệt, kể cả hành lý xách tay và hành lý ký gửi. Họ được đưa đến khu cách ly, theo dõi y tế và chu cấp miễn phí toàn bộ việc ăn ở trong suốt hai tuần lễ.

Nhưng 340 người chỉ là một phần của hàng nghìn người chờ đợi chuyến bay tiếp theo. Phải đợi gần hai tháng sau, ngày 9/7, mới có thêm được một chuyến chở hơn 300 công dân về sân bay Cần Thơ. Mọi thủ tục cách ly đều thực hiện như công dân các nước khác về nhưng Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế lưu ý rằng, Nga hiện là một điểm nóng của châu Âu về số lượng ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nên việc tổ chức đón tiếp và cách ly rất chu đáo, nghiêm ngặt.

Và cũng đúng thêm sau hai tháng, ngày 9/9 lại có tiếp một chuyến về Cam Ranh, mặc dù trước đó chưa đầy một tuần có một chuyến bay của Bộ Quốc phòng đưa bộ đội sang dự chương trình xe tăng hành tiến Army Games 2020 về nước. Theo một thông báo mới nhất của Bộ Ngoại giao và hàng không Việt Nam, từ giữa tháng 9, các công dân về nước sẽ phải nộp tiền cách ly và ăn ở. Thiết nghĩ quy định này là phù hợp đối với tình hình của đất nước.

Như vậy, sau hơn 7 tháng, một số công dân Việt đã trở lại với Tổ quốc, tạm thở phào chia tay với nước Nga, nơi mà cho đến đầu mùa Thu này, mỗi ngày vẫn có trên 5.500 người lây nhiễm.

Và cũng theo tin của hàng không Việt Nam, sau 7 tháng gián đoạn, bắt đầu từ 17/9/2020 mới nối chuyến bay thương mại tới 6 nước châu Á, chưa có chuyến bay sang Nga. Mặc dù ở Nga đã có thông tin về vaccine V (trên các phương tiện truyền thông của Việt Nam vẫn đọc là vaccine 5, song thực ra nó là V, viết tắt chữ Victoria) nhưng hiện vẫn đang thử nghiệm giai đoạn cuối cho 40.000 người, sắp tới mới sản xuất hàng loạt. Con số hàng loạt tức là phải tới hàng trăm triệu liều, trước hết ưu tiên dành cho những người phục vụ ngành y đầu sóng ngọn gió, sau đó là quân đội, học sinh… Mọi người vẫn còn lo nơm nớp khi xem tin hàng ngày, số người lây nhiễm vẫn chưa thuyên giảm và đợt dịch mùa Đông vẫn còn lởn vởn phía trước.

Hàng nghìn người Việt tại Nga vẫn thấp thỏm ngóng chờ những chuyến bay về nước sắp tới.

(còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần