Người Việt xa xứ: Trái tim hướng về đất tổ trong dịp lễ lớn

Phóng viên The Hanoi Times
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương năm nay, kiều bào tại nhiều miền đất xa xôi đã chia sẻ với Kinh tế & Đô thị những cảm xúc chân thật, da diết và có cả phần rưng rưng khi nhớ về cội nguồn.

Peter Nguyen (Nguyễn Thế Phượng), kiều bào Mỹ: "Nếu cục gạch ở Việt Nam có thể nói, thì cũng sẽ kể câu chuyện dài". 

Rời quê hương đến Mỹ khi chỉ mới là một thanh niên 23 tuổi, đến nay đã thành gia lập thất ở đây, tôi vẫn luôn trông ngóng về quê hương. Hàng năm giờ này tôi vẫn luôn dõi theo lễ tưởng niệm Giỗ tổ Hùng Vương, một dịp lễ lớn và trang nghiêm của đất nước. 

Ông Peter Nguyen (trái) cùng người thân thăm di tích Đền Hùng trong một chuyến đi về Việt Nam. Ảnh: NVCC
Ông Peter Nguyen (trái) cùng người thân thăm di tích Đền Hùng trong một chuyến đi về Việt Nam. Ảnh: NVCC

Năm 2013 khi theo đoàn kiều bào ra Trường Sa, tới những ngôi đền ở đây, bắt gặp câu đối khắc câu nói bất hủ của Bác Hồ - “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, tôi cảm thấy vô cùng xúc động. Vua Hùng là Thánh tổ của Việt Nam và Phú Thọ là thánh địa của Việt Nam. Đến năm 2019 vừa qua, tôi cùng gia đình có cơ hội thăm Đền Hùng và được nghe kể lại câu chuyện ra đời câu nói ấy, tôi lại càng thêm xúc động. Tôi hiểu và  tin rằng ở trong mỗi người Việt Nam dù lớn hay nhỏ đều có nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình rất rõ ràng. Phần lớn người Việt Nam đều đã đọc và được nghe câu nói đó, để hiểu những giá trị cơ bản của dân tộc. 

Tôi cũng thường kể về Việt Nam với các con, nhất là những câu chuyện về lịch sử, văn hóa– chúng đều sinh ra và lớn lên tại Mỹ, luôn tò mò về nguồn cội. Bên cạnh các dịp lễ như Giỗ tổ Hùng Vương, năm 2010 cả gia đình tôi có dịp về Thủ đô Hà Nội dự lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, được hòa trộn vào dòng chảy, sức sống của Việt Nam và Thủ đô. Nếu cục gạch ở Việt Nam có thể nói thì chắc nó cũng kể được một câu chuyện dài, hàng nghìn năm lịch sử cơ mà. Đối với tôi, dù 47 năm qua sinh sống tại nước ngoài, tôi vẫn luôn ghi nhớ trong lòng, rằng mình là người Việt, không được quên nguồn cội của mình. Vào những dịp như thế này, suy nghĩ đó trong tôi lại càng sâu sắc.

Trương Long Vũ – du học sinh tại Hàn Quốc: "Nỗi nhớ quê hương thêm đong đầy dịp này" 

Hiện là năm thứ 3 tôi học tập và sinh sống tại Hàn Quốc. Vì tình hình dịch bệnh khó khăn cho việc di chuyển nên đã tầm 2 năm rồi tôi chưa thể về Việt Nam, qua 3 cái Tết ở Hàn Quốc, mặc dù văn hoá Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng nhưng những ngày Tết đặc biệt chỉ có ở Việt Nam như ngày Giỗ tổ Hùng Vương làm cho tôi luôn cảm thấy nhớ quê hương hơn.

Anh Trương Long Vũ tại Hàn Quốc. Ảnh: NVCC
Anh Trương Long Vũ tại Hàn Quốc. Ảnh: NVCC

Khi vẫn còn ở Việt Nam, đối với tôi ngày lễ Giỗ tổ Hùng Vương luôn là ngày đặc biệt, mẹ sẽ làm mâm cơm cúng tổ tiên và sau đó cả nhà sẽ quây quần bên nhau ăn uống vui vẻ. Đây cũng là một dịp để tôi ở nhà nghỉ ngơi nạp lại năng lượng sau những ngày học hành mệt mỏi ở trường. Nhưng qua sách vở và mạng Internet, tôi cũng biết rằng dịp này nhiều lễ hội và trò chơi dân gian được tổ chức rất lớn.

Vào dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương, tôi luôn phải học tập và ôn thi ở trường, tôi vẫn luôn dành thời gian để nói chuyện với gia đình và một số người bạn đồng hương ở Hàn Quốc. Mặc dù không được tận hưởng lễ hội như ở Việt Nam, việc được chia sẻ ngày này với gia đình và những người xung quanh khiến tôi phần nào cảm thấy thoả mãn nỗi nhớ quê hương.

Mặc dù luôn muốn về Việt Nam với gia đình, nhưng với một niềm đam mê nghiên cứu về ngôn ngữ, tôi muốn trở thành một nhà nghiên cứu về ngôn ngữ Tiếng Việt ở nước ngoài, để có thể khiến nhiều công dân trên thế giới biết đến ngôn ngữ phong phú này hơn nữa.

Với một người luôn thắc mắc về mọi thứ thì từ nhỏ tôi đã hỏi bố mẹ về những ngày lễ ở Việt Nam, mong là sau này những ngày lễ này sẽ luôn được truyền lại qua nhiều thế hệ hơn nữa. Với những người đang ở xa quê hương, tôi mong mọi người dù sinh hoạt ở một nền văn hoá khác, nhưng vẫn sẽ nhớ đến những văn hoá và ngày lễ ở Việt Nam.

Lê Ngân, kiều bào Australia: "Phát huy văn hóa Việt là nguyện vọng của mọi thế hệ"

Gia đình tôi đã chính thức rời Việt Nam tới Australia đã được 6 năm. Nếu tính cả thời gian đi học và công tác ở nước ngoài thì số lần chúng tôi không được sum vầy cùng những người thân trong các dịp lễ, tết truyền thống như Giỗ tổ Hùng Vương hay Tết Nguyên Đán sẽ nhiều hơn con số đó. Ngày Giỗ tổ Hùng Vương năm nay đang đến gần và tôi lại nhớ về câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày Giỗ tổ mùng mười tháng ba”. Dù sống ở đâu chăng nữa, tôi tin rằng tất cả những người Việt đều thành tâm hướng về Tổ tiên nguồn cội, vun đắp tình đồng bào và phát huy những giá trị văn hoá của dân tộc Việt Nam.

Chị Lê Ngân tại Australia. Ảnh: NVCC
Chị Lê Ngân tại Australia. Ảnh: NVCC

Trong ngày này, chúng tôi thường thắp nén hương và thành tâm hướng về nguồn cội. Bên này, chúng tôi vẫn tranh thủ đọc các báo điện tử để cập nhật thông tin và các sự kiện ở Việt Nam và rất mừng khi biết năm nay Việt Nam có nhiều sự kiện ý nghĩa trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương ở khắp mọi nơi.

Tôi tin rằng việc gìn giữ tiếng Việt và phát huy văn hoá truyền thống Việt Nam cho các thế hệ sau của người Việt ở nước ngoài là nguyện vọng của tất cả các bậc phụ huynh như chúng tôi. Những ngày lễ lịch sử như Giỗ tổ Hùng Vương sẽ là dịp dể chúng tôi có thể giải thích về ý nghĩa của truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”, về nguồn gốc của ngày Giỗ tổ Hùng Vương, cũng như giới thiệu về Lễ hội Đền Hùng để các con chúng tôi dù xa quê vẫn nhận thức được được nguồn gốc của mình và hy vọng những nhận thức này sẽ được các con chúng tôi tiếp tục truyền cho các thế hệ sau.

Đào Lâm Phong - Du học sinh Đức: "Đi xa là để trở về"

Đây là năm đầu tiên xa gia đình, xa quê hương đi du học, vì vậy, những ký ức của tôi về ngày Giỗ tổ Hùng Vương nói riêng và những ngày lễ lớn của dân tộc như Ngày thống nhất đất nước 30/4, Ngày Quốc khánh 2/9 vẫn còn như nguyên vẹn trong tâm trí. Vào những ngày này, tuy phải tới trường học ở Đức như bình thường, nhưng tôi vẫn rất nhớ quê hương, nhớ những buổi gặp mặt thầy cô và học trò trước lễ Giỗ tổ.

Du học sinh Đào Lâm Phong.
Du học sinh Đào Lâm Phong.

Những ngày trước lễ, chúng tôi thường xuyên tập luyện kịch, đọc thơ hay thực hiện những bài tiểu phẩm nhỏ về đề tài Hùng Vương và các anh hùng dân tộc bằng các ngoại ngữ khác nhau.

Vào ngày kỷ niệm trước khi chính thức bước vào kỳ nghỉ lễ, sẽ có một buổi biểu diễn của học sinh và các thầy cô giáo về đề tài, nhằm nhắc nhớ cho chúng tôi về những công lao to lớn của các vị Vua Hùng và những anh hùng dân tộc đã có công dựng nước và giữ nước.

Sau này đi muôn phương, chúng tôi luôn nhớ về những kỷ niệm êm đềm ấy, và cả những bài học lịch sử được các thầy cô dạy theo cách “truyền cảm hứng” thú vị như vậy. Mỗi lứa học trò chúng tôi sau khi tốt nghiệp, đều mang trong tim mình một niềm tự hào dân tộc, một ngọn lửa cháy rực, một động lực lớn lao giúp vượt qua mọi chông gai và thử thách.

Vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương năm nay, thời tiết Đức bỗng chuyển mùa giống như ‘Rét nàng Bân’ ở Việt Nam vậy. Trời rất rét, có tuyết rơi vào giữa mùa Xuân, vô cùng khắc nghiệt. Cả khoa chỉ có một mình tôi theo học, nên sự cô đơn, nỗi nhớ nhà ngày càng tha thiết, tôi chỉ biết lên nhóm chat nói chuyện với bạn bè, cùng nhớ lại những kỷ niệm đẹp đẽ, và động viên nhau cùng vượt qua khó khăn, thử thách.

Tôi chỉ muốn nói rằng: Dù có đi xa muôn phương, những du học sinh chúng em luôn một lòng hướng về Tổ quốc! Ở nơi đó có gia đình, thầy cô và bạn bè luôn mong chờ sự thành công của chúng tôi! Và Tổ quốc Việt Nam yêu dấu, chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình, “đi xa là để trở về”!