Nguồn cung thắt chặt, giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt lên hơn 950 USD/1.000m3

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục tăng 5,1% và vượt mức 950 USD/.1000 m3 trong ngày 15/11 mặc dù tuyến đường ống Yamal - Europe đã hoạt động trở lại.

Theo dữ liệu từ sàn giao dịch ICE, giá khí đốt kỳ hạn giao tháng 12 tại trung tâm TTF ở Hà Lan ngay khi mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai (15/11) đã nhảy vọt lên 951 USD/1.000 m3, tương đương 80 Euro/MWh. Tuy nhiên, giá mặt hàng nhiên liệu này giảm về còn khoảng 930 USD/1.000 m3 ở cuối phiên giao dịch.
Giá khí đốt tiếp tục leo dốc trong phiên giao dịch ngày 15/11. Ảnh: AFP
Theo dữ liệu sơ bộ từ nhà khai thác mạng Gascade của Đức, dòng khí đốt của Nga tới Đức qua đường ống Yamal-Europe tiếp tục tăng trong ngày 15/11 và không chịu tác động từ quan hệ căng thẳng giữa Belarus và Liên minh châu Âu (EU).
Phía Nga tuyên bố nước này có thể tăng mạnh nguồn cung khí đốt cho châu Âu nếu dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 được giới chức Đức cấp phép hoạt động. Tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 đưa khí đốt từ Nga sang Đức chạy dưới biển Baltic và không trung chuyển qua Ukraine.
Điện Kremlin hôm thứ Hai cho biết Nga không có kế hoạch thay đổi kế hoạch vận hành tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 bất chấp lãnh đạo Belasur đe dọa chặn nguồn cung khí đốt sang EU. Cơ sở hạ tầng vận chuyển khí đốt thuộc sở hữu của tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom.
Giám đốc điều hành Gazprom  Alexei Miller hôm 12/11 thông báo tập đoàn này sẽ thực hiện vượt cam kết theo hợp đồng vận chuyển khí đốt với Ukraine trong năm nay. Theo ông Alexei Miller, Gazprom cũng đã phê duyệt kế hoạch cung cấp khí đốt đến các kho dự trữ của châu Âu và sẽ vận chuyển qua các tuyến đường ống trung chuyển khí đốt khác nhau, bao gồm cả qua lãnh thổ Ukraine.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từ chối ủng hộ lời đe dọa gay gắt của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko chặn dòng khí đốt tự nhiên từ Nga sang EU.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya-1 hôm 13/11, người đứng đầu Điện Kremlin nói rằng ông không đồng tình với đề xuất của Tổng thống Lukashenko về việc làm gián đoạn xuất khẩu khí đốt qua lãnh thổ Belarus nếu EU áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Minsk. Tổng thống Putin cũng cam kết sẽ thảo luận về các mối đe dọa cung cấp khí đốt với người đồng cấp Belarus Lukashenko nếu cần thiết.
Trước đó, hôm 11/11, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cảnh báo, khi xem xét các biện pháp trừng phạt, các nhà lãnh đạo châu Âu nên nhớ rằng ông có thể "cắt đứt" dòng chảy qua đường ống Yamal - Europe, tuyến đường ống dẫn khí đốt từ bán đảo Yamal của Nga và Tây Siberia đến Đức và các quốc gia EU khác.
Dự kiến, trong tuần này, các ngoại trưởng EU sẽ có biện pháp cứng rắn đối với chính quyền Minsk liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư tại biên giới Belarus - Ba Lan. Theo Reuters, vấn đề Belarus sẽ được các ngoại trưởng EU thảo luận vào tối ngày 15/11 trong cuộc họp tại Brussels.
EU cáo buộc Belarus để cho dòng người di cư, chủ yếu từ Trung Đông, đến nước này và vượt biên giới vào Ba Lan và các nước thành viên khác trong khối nhằm đáp trả việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Belarus. Phía Belarus luôn coi đây là cáo buộc vô căn cứ./.