Nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi: Tránh tăng đàn ồ ạt

Lâm Nguyễn - Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thông tin về bệnh dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam, giá lợn trên địa bàn Hà Nội nói riêng đang có xu hướng tăng. Các chuyên gia, nhà quản lý khuyến cáo người chăn nuôi không nên “găm hàng” hay tái đàn ồ ạt.

 Nông dân chăm sóc đàn lợn tại huyện Thạch Thất. Ảnh: Trọng Tùng

Đàn lợn ổn định

Trang trại của bà Hoàng Thị Giáp, xã Vân Côn (huyện Hoài Đức) hiện đang nuôi hơn 200 con lợn. Đàn lợn là cả gia sản lớn nên thời gian qua, bà Giáp theo dõi rất sát sao tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi, chủ động vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng cho đàn lợn... “Mấy ngày trước tôi vừa xuất bán hơn 30 con lợn với giá 53.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi con cũng cho thu lãi 1,8 triệu đồng. Tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, tôi không dám mạo hiểm giữ đàn, bởi nếu không may bị dịch thì coi như mất cả vốn lẫn lãi…” - bà Giáp cho biết.
Trước nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi, UBND TP Hà Nội vừa có Công văn số 7309 chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm túc công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT. Trong đó, cần tập trung tuyên truyền để người dân hiểu rõ về bệnh dịch tả lợn châu Phi, chủ động các biện pháp phòng chống. Đồng thời, thực hiện tốt hoạt động kiểm dịch, vận chuyển lưu thông thịt lợn và các sản phẩm từ lợn vào tiêu thụ tại Hà Nội, đặc biệt là ở các chợ đầu mối, cơ sở giết mổ…
Cùng chung tâm lý trên, chị Nguyễn Thị Linh, người chuyên thu mua lợn ở xã Ngọc Hòa (huyện Chương Mỹ) cho biết: Khoảng 2 tuần nay, giá lợn có chiều hướng tăng từ 1.000 – 3.000 đồng/kg. Hiện lợn bắt tại chuồng có giá từ 53.000 – 55.000 đồng/kg, tùy loại. Lượng hàng trong dân vẫn khá dồi dào, việc buôn bán diễn ra bình thường, không có chuyện các hộ chăn nuôi “găm hàng”.

Liên quan tới lo ngại dịch tả lợn châu Phi liệu có làm nảy sinh việc các hộ chăn nuôi “găm hàng” chờ “thổi giá” hay không, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Nguyễn Thành Trung cho biết, tình hình chăn nuôi lợn trên địa bàn TP vẫn ổn định. “Bản thân các hộ chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi quy mô lớn rất lo sợ dịch bệnh ảnh hưởng tới đàn lợn. Nếu không may đàn vật nuôi bị nhiễm dịch bệnh thì có thể mất trắng. Vì thế sẽ rất ít hộ dám mạo hiểm “găm hàng” để chờ giá lợn lên cao hơn” - ông Trung nhận định.

Thận trọng khi tái đàn

Việc giá lợn trên địa bàn Hà Nội nói riêng và nhiều tỉnh, TP nói chung có chiều hướng tăng trong thời gian qua khiến nhiều hộ chăn nuôi có ý định tăng đàn. Tuy nhiên, theo các nhà quản lý, thời điểm này, các hộ chăn nuôi không nên tăng đàn một cách ồ ạt. Bởi điều này có thể dẫn tới nguồn cung quá lớn so với nhu cầu tiêu thụ trong chu kỳ xuất bán sắp tới, khiến các hộ chăn nuôi đối diện với nguy cơ khủng hoảng thừa.

TS Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng đưa ra khuyến cáo người dân không nên “găm hàng” chờ giá lên và tái đàn với số lượng lớn. Bởi thực tế, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang được nước ta tổ chức phòng chống, giám sát chặt chẽ. Thêm nữa, khả năng lây lan bệnh dịch (sau khi bùng phát) cũng được đánh giá là khá chậm. Trong bối cảnh đó, Việt Nam hoàn toàn có thể kiểm soát được mức độ lây lan, hạn chế tối đa tác động xấu tới ngành chăn nuôi lợn.

Ở một khía cạnh liên quan, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho biết, chăn nuôi lợn mới hồi phục trở lại được một thời gian ngắn, trong khi đây là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất (70%) của ngành chăn nuôi. Nếu để xảy ra dịch lợn châu Phi thì hậu quả khôn lường. Do đó, bên cạnh tiếp tục làm tốt công tác phòng chống, ngăn chặn bệnh dịch từ xa, để bảo đảm sự phát triển ổn định của ngành chăn nuôi lợn thời gian tới, các địa phương cần khuyến cáo các hộ chăn nuôi hết sức thận trọng trong việc tái đàn vật nuôi.