Nguy cơ gia tăng thiệt hại do mưa đá, dông, lốc tại nhiều địa phương

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau những ngày nắng nóng gay gắt, mưa đá, dông, lốc và gió giật mạnh đã liên tiếp xảy ra tại nhiều tỉnh, TP trên cả nước, để lại hậu quả nghiêm trọng cho nhiều địa phương.

Hơn 1.600 nhà dân tốc mái, hư hỏng

Thông tin cập nhật từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, sau nắng nóng gay gắt, những ngày qua tại nhiều tỉnh, TP trên cả nước đã xuất hiện mưa đá, dông, lốc và gió giật mạnh. Tại Hà Nội, ba ngày qua trời cũng đã có mưa, mưa vừa đến mưa to kèm gió mạnh giật cấp 2 - 3.

Thống kê cho thấy, các loại hình thiên tai đã gây thiệt hại lớn tại nhiều tỉnh, TP như: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đồng Nai. Theo đó, hơn 1.600 nhà dân đã bị tốc mái, hư hỏng, nhiều nhất là tại Cao Bằng với 798 ngôi nhà.

Nhà dân bị sập đổ do dông, lốc tại tỉnh Cao Bằng.
Nhà dân bị sập đổ do dông, lốc tại tỉnh Cao Bằng.

Mưa đá, dông, lốc và gió giật mạnh cũng đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của gần 9.000ha lúa và hoa màu, chủ yếu tại Quảng Bình 7.015,7ha; Quảng Trị 432,8ha; Cao Bằng 409ha; Thái Nguyên 305,6ha; Nghệ An 518,4ha.... 1.000 tấn sầu riêng tại Bình Thuận cũng bị thiệt hại. Các loại hình thiên tai cực đoan còn khiến 18 con gia súc bị chết, 1.045m mương bị sạt lở. Sóng to, gió lớn cũng khiến 3 tàu thuyền của ngư dân bị chìm, hư hỏng.

Ngoài các thiệt hại do mưa đá, dông, lốc, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ Dân sự - PCTT&TKCN tỉnh Cần Thơ, thông tin thêm: Tác động của dòng chảy đã làm sạt lở bờ phải sông Cần Thơ (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền). Chiều dài cung sạt 50m, sâu 5m, ảnh hưởng 7 nhà dân; tổng thiệt hại ước tính khoảng 10 tỷ đồng.

Ngay sau khi xảy ra sạt lở, UBND huyện Phong Điền đã huy động lực lượng tại chỗ giúp đỡ các hộ dân bị ảnh hưởng sơ tán đến nơi an toàn. Đồng thời, cắm biển cảnh báo, thông báo cho người dân xung quanh khu vực biết để chủ động phòng tránh.

Không chủ quan trước diễn biến thiên tai

Trước những thiệt hại nghiêm trọng do thiên tai gây ra những ngày qua, các tỉnh, TP đang tập trung huy động nguồn lực hỗ trợ người dân dọn dẹp, sửa chữa nhà bị sập đổ, hư hỏng. Hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, phục hồi sản xuất… 

Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành cho biết, hiện nay, Văn phòng Thường trực vẫn đang tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết. Chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai để các địa phương biết và thông tin, tuyên truyền đến người dân.

Trong những ngày tới, diễn biến thiên tai được nhận định sẽ còn rất phức tạp. Thiệt hại có thể tiếp tục gia tăng. Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, TP tiếp tục tổ chức trực ban nghiêm túc; theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Ông Vũ Xuân Thành cũng đề nghị các địa phương tiếp tục thống kê, tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại, đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ. Đồng thời, huy động tối đa lực lượng, khẩn trương khắc phục hậu quả do dông, lốc, mưa đá, gió giật mạnh và sạt lở bờ sông nhằm ổn định đời sống nhân dân sau thiên tai. 

 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, từ nay đến ngày 11/5, ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông, với lượng mưa từ 30-70mm/24 giờ, có nơi trên 100mm/24 giờ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa to cục bộ có khả năng gây ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các vùng trũng, thấp.