Nguy cơ thụt lùi trong nỗ lực chống đói nghèo trên toàn cầu

Quỳnh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho dù mức độ đói nghèo toàn cầu đang có xu hướng giảm kể từ những năm 2000, nhưng đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và tình trạng xung đột dường như đang làm đảo ngược quá trình này.

“Thế giới có thể sẽ không đạt được mục tiêu xóa bỏ nạn đói vào năm 2030”, đây là nhận định của Báo cáo Chỉ số nạn đói Toàn cầu Global Hunger Index (viết tắt là GHI), một công cụ được sử dụng để đo lường và theo dõi nạn đói trên toàn thế giới.

 Thế giới đối mặt với bước thụt lùi trong nỗ lực xoá đói giảm nghèo. Ảnh: Getty Image.

Xếp hạng chỉ số GHI năm 2021 cho thấy 47 trong số 135 quốc gia được đánh giá là khó có khả năng đạt mức đói thấp vào năm 2030.

Các quốc gia có số điểm từ 50 trở lên trên thang điểm 100 được xếp vào mức độ đói cực kỳ báo động. Với số điểm 50.8 vào năm 2020, Somalia là quốc gia duy nhất hiện đang phải trải qua mức độ đói này.

Năm quốc gia khác, bao gồm Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Tchad, Cộng hòa Dân chủ Congo, Madagascar và Yemen được cho là đang trải qua mức đói đáng báo động.

Chỉ số GHI chỉ ra rằng xung đột là nhân tố chính gây ra nạn đói ở 80% các quốc gia có mức độ đói nghiêm trọng hoặc đáng báo động. Hơn một nửa dân số trong tình trạng suy dinh dưỡng thường sống ở các quốc gia có xảy ra xung đột và bạo lực.

Vào cuối năm 2020, khi đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến vô cùng phức tạp, có tới 811 triệu người phải đối mặt với tình trạng đói kinh niên và 155 triệu người khác phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực. Các chuyên gia cảnh báo rằng con số này sẽ còn gia tăng nếu đại dịch không được chấm dứt.

Để cải thiện khả năng tiếp cận lương thực và mức đói của người dân, GHI kiến nghị các quốc gia cần thúc đẩy hòa bình, các nỗ lực thích ứng với khí hậu, phương thức canh tác đa dạng cũng như hợp tác trên phương diện địa phương, quốc gia và quốc tế.

Các quốc gia cũng nên tăng cường hỗ trợ các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, tính minh bạch và cơ chế quản lý thực phẩm với sự tham gia của nhiều bên.