Nguy cơ xuất khẩu gỗ và lâm sản lỡ hẹn mục tiêu 18 tỷ USD

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2023, ngành gỗ và lâm sản phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 18 tỷ USD. Đây là con số không có nhiều biến động so với kết quả năm 2022 với 17,1 tỷ USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều khó khăn để đạt được mục tiêu trên là không dễ.

Mong manh khả năng phục hồi

Thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu lâm sản đạt trên 6,42 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm trước. Với giá trị trên, xuất khẩu lâm sản đạt 36% kế hoạch đặt ra, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,96 tỷ USD, giảm 29%; lâm sản ngoài gỗ 455,7 triệu USD, giảm 26,2%.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh minh họa 
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh minh họa 

Nhận định về bức tranh xuất khẩu, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho biết: Mặc dù xuất khẩu gỗ giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023 nhưng vẫn có nhóm hàng tăng trưởng. Đơn cử như mặt hàng ván sợi có kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ đạt gần 32 triệu USD, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Hay mặt hàng dăm gỗ, nửa đầu năm 2023, xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là 2 thị trường chính tiêu thụ dăm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 70%.

Báo cáo phân tích của Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT cho thấy: Hiện Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Mỹ. Hai quốc gia đang có thị phần tại Mỹ ngang nhau, ở mức 31%. Dự báo các công ty ngành gỗ và sản phẩm gỗ có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao sẽ gặp khó khăn trong nửa cuối năm 2023.

Năm 2023, ngành gỗ và lâm sản đặt mục tiêu kim ngạch giá trị xuất khẩu đạt 18 tỷ USD. Ảnh minh họa
Năm 2023, ngành gỗ và lâm sản đặt mục tiêu kim ngạch giá trị xuất khẩu đạt 18 tỷ USD. Ảnh minh họa

Dù Việt Nam nằm trong Top 5 quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới nhưng cũng mới chỉ xuất khẩu trên 16 tỷ USD/năm. Thêm vào đó, thời gian qua, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản...., còn các thị trường tiềm năng khác vẫn đang bỏ ngỏ.

VNDIRECT nhận định, mặc dù khó khăn đang tiếp diễn nhưng khả năng phục hồi của thị trường đồ gỗ đã đến gần hơn. Theo đó, trên cơ sở theo dõi lượng hàng tồn kho đã bán hết, khách mua hàng quốc tế đã bắt đầu đến Việt Nam ngày càng nhiều để tìm kiếm sản phẩm cho các đơn hàng mới.

Thêm vào đó, giá cước vận chuyển đường biển đã giảm sâu cũng giúp các công ty mua hàng giảm đáng kể áp lực về chi phí và mạnh dạn hơn trong kế hoạch đặt hàng trở lại. Sự kiên trì, linh hoạt và đầu tư đúng hướng của các DN sẽ sớm đưa ngành xuất khẩu gỗ trở lại đà tăng trưởng.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Để đạt mục tiêu xuất khẩu lâm sản và gỗ đạt 18 tỷ USD như kế hoạch đề ra, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khuyến cáo các DN cần tìm hướng đi riêng biệt, đổi mới mẫu mã sản phẩm, tăng cường sản phẩm đồ gỗ theo nhu cầu thị trường, đồng thời phát triển thị trường ngách để duy trì tăng trưởng.

“Các DN cần chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó tập trung vào tiêu chí giá sản phẩm phải tốt; sản phẩm phải phù hợp với thị hiếu; sản phẩm phải đạt chất lượng và có chính sách hậu mãi tốt. Cùng với đó, đẩy mạnh sản xuất sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm” - ông Đỗ Xuân Lập khuyến cáo.

 

Các DN phải chuẩn bị sẵn sàng khi thị trường ấm lên. Đây cũng là giai đoạn DN cần nhìn lại để tái cơ cấu sau nhiều năm phát triển và tăng trưởng nóng. Đáng nói, hiện nay có tình trạng DN chủ yếu gia công và xuất khẩu qua các nhà buôn lớn mà chưa có được thương hiệu riêng, vì vậy, DN cần thiết phải đầu tư xây dựng thương hiệu để đi đường dài.

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập

Để tăng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản trong thời gian tới, ông Đỗ Xuân Lập kiến nghị Chính phủ sớm cho phép hình thành những trung tâm triển lãm có tầm khu vực và quốc tế đặc biệt để thúc đẩy quảng bá thương mại sản phẩm.

Các bộ, ngành hỗ trợ ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản tổ chức các hội chợ quốc tế trong nước để thu hút, quảng bá sản phẩm. Các tham tán thương mại thường xuyên phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, DN hỗ trợ cho việc cung cấp thông tin về các chính sách, thị trường tại các quốc gia, thị trường quan trọng.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành và địa phương ưu tiên hỗ trợ các DN ngành gỗ và chế biến lâm sản xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường thông qua việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại với các nước khu vực Trung Đông, Nam Mỹ...

Nói về giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị thông tin: Bộ đã chỉ đạo ngành Lâm nghiệp tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả giải pháp phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Song song đó, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, kiểm soát chặt chẽ gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro.

Đặc biệt là bám sát, xây dựng kịch bản điều hành về xuất, nhập khẩu, bảo đảm mục tiêu đề ra năm 2023; tiếp tục phối hợp các đơn vị, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản phát triển thị trường xuất khẩu lâm sản phù hợp với luật pháp quốc tế.