Nguyên nhân khiến đợt nắng nóng đầu hè 2019 kéo dài đến cuối tháng 4

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự báo, nắng nóng diện rộng tại các khu vực trên cả nước sẽ kéo dài đến hết tuần. Trong khi đó dông lốc, mưa đá đang gây thiệt hại đáng kể tại một số địa phương.

Người lao động làm việc dưới cái nắng ngoài trời tại Hà Nội. Ảnh: Công Hùng.
Sáng 23/4, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thông tin, hiện nay vùng áp thấp nóng phía Tây nước ta đang có cường độ ổn định. Vùng áp thấp trên kết hợp với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên ngày hôm nay nắng nóng tiếp tục xảy ra ở phía Tây Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34 - 37 độ, riêng khu Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng gay gắt với nhiệt độ trên 38 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11 - 16 giờ.
Khu vực Hà Nội, trưa chiều trời nắng, nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 33 - 35 độ.
Phía Tây Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận: Có mây, ngày nắng nóng, có nơi có nắng nóng gay gắt; chiều tối có mưa rào và dông vài nơi. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét mưa đá và gió giật mạnh.
Phía Đông Bắc Bộ: Có mây, ngày nắng, có nơi có nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Tây Nguyên và Nam Bộ: Có mây, ngày nắng, có nơi nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét mưa đá và gió giật mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm KTTV Quốc gia), thống kê từ năm 2013 đến nay, nắng nóng ở phía Tây Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung hầu hết xuất hiện từ nửa cuối tháng 4, một số năm có thể sớm trước ngày 10/4. Có thể nói đợt nắng nóng diện rộng lần này phù hợp với quy luật. Tuy nhiên, cường độ mạnh hơn ở vùng Tây Bắc với nhiệt độ 36 - 39 độ. Thủ đô Hà Nội nhiệt độ cao nhất ngày 20/4 xấp xỉ 39 độ. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn.
Trong khi đó, theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An, thiệt hại do gió lốc và mưa đá trên địa bàn các xã Châu Thôn, Tri Lễ (huyện Quế Phong) trong những ngày qua đã khiến 1 người bị thương; 2 nhà bị sập hoàn toàn, 164 nhà bị tốc mái; 16,6 ha hoa màu bị thiệt hại. Tổng thiệt hại ước tính là: 1,323 tỷ đồng.
Còn tại tỉnh Thanh Hóa, dông lốc, mưa đá trên địa bàn các huyện Lang Chánh, Mường Lát, Vĩnh Lộc, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thường Xuân và Ngọc Lặc khiến 591 nhà bị thiệt hại (1 nhà thiệt hại hoàn toàn, 152 nhà thiệt hại nặng, 438 nhà bị thiệt hại một phần); 901 ha lúa; 265 ha hoa màu; 1.325 ha cây trồng khác và 150 bọng ong bị thiệt hại; 1 cột điện hạ thế bị gãy đổ.
Cũng theo ghi nhận, khoảng 16h chiều 22/4, tại các vùng ven và trung tâm thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà (tỉnh Kon Tum) xuất hiện mưa đá có kích thước từ 1,5cm đến 2cm và rơi với cường độ tương đối dày đã khiến một số cây cối, hoa màu bị hư hại. Ngoài ra, mưa đá còn kèm theo gió lốc mạnh đã khiến các cành cây, pa nô, áp phích, biển quảng cáo dọc quốc lộ 14 bị đổ gãy.