Nguyễn Thượng Hiền - "Nợ nước mài gươm quyết trả thù"

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguyễn Thượng Hiền (1868 - 1925) là một trí thức Nho học sớm tiếp thu tư tưởng duy tân, tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục, là yếu nhân của phong trào Đông du và Việt Nam Quang Phục hội.

Ông còn là nhà thơ lớn có vị trí vào hàng bậc nhất trong dòng văn chương yêu nước và cách mạng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Chân dung chí sĩ yêu nước Nguyễn Thượng Hiền.Ảnh tư liệu
Chân dung chí sĩ yêu nước Nguyễn Thượng Hiền.Ảnh tư liệu

Sự nghiệp cứu nước không thành

Nguyễn Thượng Hiền, tự là Đỉnh Thần, hiệu Mai Sơn, quê làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Đông (nay là Hà Nội), xuất thân trong gia đình khoa bảng. Từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, học giỏi.

Năm 1884, lúc mới 17 tuổi, ông đỗ cử nhân. Năm sau, năm Ất Dậu (1885), ông thi hội trúng cách, vào thi đình, đáng lẽ đỗ đầu nhưng chưa kịp xướng danh thì nổ ra vụ Kinh đô thất thủ nên kết quả kỳ thi bị hủy.

Năm 1892 (Nhâm Ngọ), ông dự thi đình và đỗ Hoàng Giáp lúc 25 tuổi. Lúc này Pháp đã chính thức đô hộ Đông Dương và đang đàn áp cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng.

Không cam tâm làm quan cho nhà Nguyễn, ông ở ẩn ở Núi Nưa (Triệu Sơn - Thanh Hóa), rồi chuyển về quê ở Sơn Lãng (Hà Đông). Ít lâu sau, bị triều đình thúc ép, ông vào làm Toản tu Quốc sử quán, rồi thăng Đốc học Ninh Bình (1901), Hà Nam (1905), Nam Định (1906).

Đó là thời gian ông đã đọc nhiều “Tân thư”, là một trong những người Việt Nam đầu tiên tiếp thu và truyền bá tưởng dân chủ tư sản của Khang - Lương. Từ đó, ông giao lưu vơi các chí sĩ yêu nước, có tư tưởng duy tân như Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…

Năm 1908, sau khi cha là Thượng thư Hoàng giáp Nguyễn Thượng Phiên (1829 - 1907) qua đời, ông bỏ quan, Đông du sang Nhật Bản theo chủ trương bạo động của Phan Bội Châu.

Tại đây, ông sống bên cạnh Phan Bội Châu, hoạt động trong Hội Công hiến một thời gian rồi được phân công về liên hệ với các tổ chức cách mạng ở Trung Quốc.

Năm 1912, khi Hội Duy Tân cải tổ lại thành Việt Nam Quang Phục hội ở Quảng Châu (Trung Quốc), ông được bầu làm Ủy viên Bộ Bình nghị, đại biểu cho Bắc Kỳ. Cuối năm 1913, Phan Bội Châu bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam, ông phải đảm nhiệm thêm nhiều công việc quan trọng của hội.

Tiếp đó, Việt Nam Quang Phục hội bị thực dân Pháp cấu kết với Chính phủ Trung Hoa dân quốc đàn áp. Nguyễn Thượng Hiền phải bôn tẩu khắp nơi, từ Bắc Kinh, Hàng Châu, Thượng Hải đến Quảng Đông, Quảng Tây…

Nhận thấy tình thế khó khăn, ông không tránh khỏi lo lắng và bắt đầu giảm sút nhuệ khí. Năm 1918, chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, nước Pháp thắng trận, ông trở nên thất chí và cuối cùng vào chùa nương bóng cửa Phật.

Thơ văn là vũ khí tư tưởng

Nguyễn Thượng Hiền là một nhà thơ lớn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Gia tài thơ của ông có đến hàng ngàn bài, tập trung chủ yếu trong Nam Chi tập (Tập thơ cành Nam) gồm 3 quyển, ngoài ra còn có nhiều tiểu truyện, câu đối… được tập hợp trong Viễn Hải Quy Hồng (Chim hồng từ biển xa bay về), Hát Đông thư dị (Truyện lạ viết ở phía Đông sông Hát), Tạp thái (Sự tập những văn thơ khác).

Ông là một trong số ít người đầu tiên in sách ở nước ngoài và thơ văn của ông cũng bị/được (?!) mật thám Pháp lưu giữ rất nhiều.

Thơ văn Nguyễn Thượng Hiền như là nhật ký cuộc đời ông, phản ánh tình cảm, ý chí và quá trình chuyển biến tư tưởng trong hành trình cách mạng của ông. Cũng như người bạn, người đồng chí Phan Bội Châu, thơ văn là vũ khí tư tưởng của ông. Ông sáng tác thơ văn để thể hiện tinh thần yêu nước, thương dân, những băn khoăn thao thức trước những biến cố của đất nước; để tố cáo tội ác của chính quyền thực dân phong kiến; để kêu gọi đồng bào đoàn kết đứng lên làm cách mạng, giành độc lập dân tộc.

Đỗ đạt cao nhưng ông không thích làm quan; ông căm ghét quan trường. Ông dồn tình cảm cho non sông đất nước. Vì vậy, ông làm thơ về thiên nhiên đất nước rất nhiều. “Tổng hợp toàn bộ thơ thiên nhiên của Nguyễn Thượng Hiền, chúng ta sẽ có một bức tranh khá hoàn mỹ về non sông đất nước” (Trần Lê Sáng).

“Tính chất căn bản của văn thơ Nguyễn Thượng Hiền, chữ Nôm cũng giống chữ Hán, là giàu tình cảm, tình cảm chân thành đối với thiên nhiên cũng như đối với con người, đói với bạn bè cũng như đối với vợ con” (Vũ Đình Liên).

Ông thấm thía và chia sẻ sự đau khổ, cơ cực của người dân mất nước: “Bế bồng luống những gào than/ Đầy đường nheo nhóc từng đoàn cảm thay/Bút nào tả hết cảnh này/Gửi thần mưa gió trên trời thấu cho”.

Ông tố cáo chế độ thực dân bóc lột, đàn áp đồng bào, tố cáo quan lại triều đình đồng lõa với ngoại bang bức hại đồng bào.

Trong bài thơ “Đại thu vị phong sở bạt” trong Nam chi tập, in ở Trung Quốc năm 1925, Nguyễn Thượng Hiền tự chú thích: “Hoàng Cao Khải ton hót người Pháp, giữ binh quyền chỉ có vài năm mà làm đến Phụ chính đại thần, ra kinh lược Bắc Kỳ gây vây cánh, từ triều đình đến thôn quê ai nấy đều kiêng sợ. Nguyễn Thân cũng chuyên binh quyền ở Quảng Nam, giết hại đồng bào để nịnh giặc, làm đến chức cần chánh đại học sĩ”.

Văn thơ của ông là tiếng nói căm thù giặc và ý chí diệt giặc cứu nước: “Nam nhi sinh hứa quốc/ Chung phà Nhục chi hoàn” (dịch: Làm trai vì nước quyết thề/ Rồi đây phá được Nhục chi mới về); “Dạ bán côn ngô thoát hạp xuất/ Phá ốc phi thủ cừu nhân đầu” (dịch: Gươm báu đêm khuya ra khỏi nắp/Tung nhà bay lấy đầu thù). Năm 1908, lần đầu gặp sinh viên Đông du ở Nhật Bản, ông đã đọc hai câu thơ: “Anh hùng nào phải vị mình đâu/Nợ nước mài gươm quyết trả thù”.

Trong thư gửi đồng bào trên đường xuất dương, ông viết: “Việc chung của thiên hạ, ta lại muốn lánh mình sóng yên thì ai đương đầu nơi nguy hiểm? Ta chọn việc dễ, thì việc khó để cho ai? Nghĩ đến đây, tôi không ngăn được ý chí khảng khái, muốn tung hoành, tiến lên phía trước, đối diện với gian nguy, dù phải thịt nát xương tan, để tụ hội cả dân tộc lại, liều chết giết giặc không do dự gì hết”.

Về văn chương của ông, Phan Bội Châu nhận xét: "Thơ kiểu Thịnh Đường, văn khuôn Tiền Hán"; Lê Thước cho rằng: "Có thể nói ông là một người tiêu biểu tài hoa trong số nhỏ những người tiêu biểu cho nền văn chương chữ Hán của ta hồi tàn cục". Còn Chương Thâu nhận định: “Vị trí của ông trong dòng văn thơ yêu nước và cách mạng xứng đáng được xếp ngay sau Phan Bội Châu”.

Trọn nghĩa vẹn tình chồng vợ

Nói về Nguyễn Thượng Hiền, không thể không nói về tình yêu và hôn nhân của ông.

Chuyện là, Nguyễn Thượng Hiền, năm 1885, vào Huế thi Hội đỗ đầu nhưng do Kinh thành thất thủ nên kết quả kỳ thi bị hủy. Ông lưu lại Huế cùng cha đang làm quan của triều. Nguyễn Thượng Hiền đã gặp tiểu thư Tôn Nữ Thị Ẩn con quan đại thần Tôn Thất Thuyết. Hai người trẻ đã yêu và thề non hẹn bể với nhau.

Năm 1892, Nguyễn Thượng Hiền vào thi Hội rồi thi Đình, đỗ Hoàng Giáp. Lúc này ông 25 tuổi, phải tính chuyện cưới vợ. Ngặt nỗi, phụ mẫu ông đã đính ước với gia đình Thượng thư Tôn Thất Phan gả tiểu thư Tôn Nữ Thị Dậu (hiệu là Viên An nữ sĩ) cho ông. Không thể trái ý cha, cũng không thể phụ tình.

Nguyễn Thượng Hiền đã quyết định cưới cả hai tiểu thư trong cùng một ngày. Một chuyện xưa nay hiếm. Hai bà vợ sống với ông rất hạnh phúc. Bà Tôn Nữ Thị Ẩn có hai con, một trai, một gái. Bà Tôn Nữ Thị Dậu có 3 con trai.

Năm 1911, khi đang ở Trung Quốc, được tin bà Tôn Nữ Thị Ẩn qua đời, ông đã gửi về nước câu đối khóc vợ:

"Ngửa trông trời, trời phủ mây đen khắp ngả; cúi trông đất, đất ngổn ngang đầy ngập chông gai, ruổi rong vài ngàn dặm pha phôi, những là ăn gió uống sương, hận biển xanh chưa chút đắp bồi, tôi quyết thề lòng, giấc mộng hương khuê đà dứt nẻo.

"Bé theo cha, cha vâng mệnh chiếu ra đi; lớn theo chồng, chồng tránh xa lo nạn nước, sau trước ba mươi năm đằng đẵng, bao nỗi ngậm đắng nuốt cay, lúc đầu bạc thêm càng lận đận, nàng sao sớm tỉnh, tơ tình trần thế trước chia ly".

Nguyễn Thượng Hiền tạ thế ngày 27/12/1925, ở chùa Thường Tịch Quang Lan Nhược, trên núi Vân Sơn (Hàng Châu, Trung Quốc), thọ 57 tuổi.

Nhân cách Nguyễn Thượng Hiền là sự kết hợp giữa một bậc chân nho quân tử với một nhà thơ tài tử và một chiến sĩ cách mạng. Ông rất kiên cường, hào sảng nhưng cũng có lúc yếu lòng, chán nản.

Nguyễn Thượng Hiền đã tạ thế nơi đất người gần một trăm năm nhưng tấm lòng yêu nước, nhiệt tình cách mạng và tài năng văn chương của ông thì sáng mãi.

 

Sự nghiệp cứu nước không thành nhưng Nguyễn Thượng Hiền là một chí sĩ yêu nước nhiệt thành. Ông không nhận chức quan, rồi từ quan, từ bỏ mọi công danh phú quý để theo đuổi sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Xuất thân từ Nho học nhưng ông không bảo thủ. Ông có tinh thần tự nhiệm và tự đổi mới tư tưởng. Từ tư tưởng quân chủ của Nho gia, ông tiếp nhận tư tưởng duy tân theo khuynh hướng dân chủ, không chỉ trong chính trị mà cả trong văn hóa, giáo dục và kinh tế.