Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Khí thế mới, sức bật mới

Hà Bình (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm nghiên cứu về những di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khi trò chuyện với phóng viên Kinh tế & Đô thị đã nhận định: Mặc dù đã 50 năm trôi qua, kể từ ngày bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố nhưng những giá trị lý luận và thực tiễn của văn kiện quý giá này vẫn vẹn nguyên tính thời sự.

Như một cương lĩnh hành động của Đảng
Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử quý giá kết tinh trí tuệ, tâm hồn, tình cảm, đạo đức của Bác. Qua nghiên cứu, theo ông, đâu là những giá trị cốt lõi của bản Di chúc?
- Đúng vậy, trước hết cần phải khẳng định, Di chúc của các bậc vĩ nhân thường tổng kết lại chặng đường lịch sử đã qua, dặn dò thế hệ sau tiếp tục sự nghiệp và dự liệu những vấn đề của đất nước, của dân tộc trong chặng đường sắp tới. Di chúc của Bác là văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, nhân cách của một con người, một lãnh tụ mà cả cuộc đời vì nước, vì dân, không màng tới danh lợi bản thân.
Di chúc của Bác có giá trị soi chiếu đến tận ngày nay. Di chúc đề cập tới nhiều vấn đề, về đổi mới, phát triển đất nước thế nào, về xây dựng Đảng, bồi dưỡng thế hệ sau…, mang tinh thần đổi mới, bởi vì toàn bộ Di chúc hướng tới tương lai, xây dựng lại TP, làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh.
 Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc tại căn cứ Việt Bắc. Ảnh tư liệu
Như Bác viết: “Còn non, còn nước, còn người/Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Có thể nói rằng, ý nghĩa của Di chúc như một cương lĩnh hành động của Đảng từ khi Bác đi xa.
Chúng ta nghiên cứu Di chúc để suy ngẫm những vấn đề đổi mới hiện nay. Từ bản Di chúc, tư tưởng của Bác soi sáng cho công cuộc đổi mới hôm nay như là một sự tổng kết chính từ thực tiễn Việt Nam, của chúng ta chứ không phải giáo điều. Bản Di chúc có sự thiêng liêng, vì thế tập hợp được, đoàn kết được dân tộc để tiến lên sự nghiệp vẻ vang hơn, đi tới thắng lợi cuối cùng và tạo nên niềm tin tất thắng.
Vậy 74 năm sau thành công của Cách mạng tháng Tám và 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, theo ông, đâu là những thành tựu chúng ta có thể báo công với Bác?
- Soi vào những điều Bác căn dặn trong Di chúc, đến nay, Đảng ta thực hiện rất thành công trên nhiều phương diện. Ví dụ Bác căn dặn, khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để đi đến độc lập, thống nhất đất nước, Đảng đã lãnh đạo cả dân tộc hoàn thành vào năm 1975.
Tiếp đó, chúng ta lại tiếp tục bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, chống chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và kiên trì, kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới. Rồi nhiệm vụ xây dựng đất nước ngay sau chiến tranh chúng ta cũng đã thực hiện tốt.
Đặc biệt, kể từ khi có đường lối Đổi mới năm 1986 đến nay, đất nước đã “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Bác trên tất cả các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội… Kinh tế không ngừng phát triển, đất nước ra khỏi khủng hoảng và tình trạng kém phát triển, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.
Khi bắt đầu đổi mới (năm 1986), thu nhập bình quân đầu người một năm khoảng 150 USD, đến năm 2018 đã đạt gần 2.600 USD. Tỷ lệ đói nghèo từ 58% năm 1993 đến cuối năm 2018, giảm xuống còn dưới 6%. Các TP phát triển theo mục tiêu đô thị hiện đại, văn minh, thông minh và đáng sống; nông thôn khởi sắc cùng chương trình xây dựng nông thôn mới.
Nội dung lớn Bác nói đến trong Di chúc là về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện những lời dặn của Bác trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng ở giai đoạn hiện nay?
- Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành một thời lượng lớn để nói về việc xây dựng Đảng. Bởi từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng của các thời kỳ trước, trong đấu tranh giải phóng dân tộc, cuộc Cách mạng tháng Tám, trong các cuộc kháng chiến tiếp theo… bên cạnh những mặt tốt, mặt đúng đắn cũng đã bắt đầu bộc lộ những biểu hiện tiêu cực.
Người đã sớm nhìn thấy những nguy cơ về sự suy thoái đạo đức, lối sống, nguy cơ về chủ nghĩa cá nhân, gắn liền với đó là những tiêu cực khác; xuất hiện tâm lý hưởng thụ, lo vun vén lợi ích riêng... Người cũng đã cảnh báo về những nguy cơ có thể gặp phải với một Đảng sau khi giành được thắng lợi đó là tính kiêu ngạo, sự dốt nát và tham nhũng.
Chính vì vậy, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Các đồng chí từ T.Ư đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”.
Đọc lại Di chúc càng thấy được những điều căn dặn của Bác Hồ rất căn bản. Cái gốc nhất vẫn là đạo đức. Bác viết: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân".
Nhìn vào cuộc đấu tranh chống lại những suy thoái trong Đảng hiện nay, chúng ta càng cần phải ngẫm lại Di chúc của Bác. Có thể nói rằng, các Nghị quyết của Đảng trong những năm qua luôn thấm đẫm tư tưởng và việc làm cụ thể hiện thực hóa những điều Bác dặn. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII đến nay, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Những quyết tâm phòng chống “giặc nội xâm” và quyết xử lý các tiêu cực của cán bộ, đảng viên được làm đến nơi đến chốn. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, hơn 77.000 cán bộ, đảng viên đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có hơn 70 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý. Chưa bao giờ chúng ta xử lý nhiều cán bộ như vậy. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong việc làm trong sạch đội ngũ, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý. Quan trọng đó là củng cố niềm tin của Nhân dân; cảnh báo, cảnh tỉnh để những cán bộ đảng viên tránh khỏi những sai lầm.
Tôi tin là thực hiện đúng những lời Bác dặn, công cuộc này sẽ giành được những thắng lợi lớn. Bởi khi có sự thống nhất ý chí, hành động trong toàn Đảng, từ T.Ư đến cơ sở, hoàn toàn có thể làm được hoặc ít nhất là hạn chế tối đa những tiêu cực mỗi khi chuẩn bị đại hội các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc.
Ý nghĩa của bản Di chúc là lâu dài
Theo ông, cần làm gì để tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần của bản Di chúc trước các vấn đề thực tiễn đặt ra?
- Từ thực tiễn đổi mới của những năm qua, lại càng thấy ý nghĩa, giá trị to lớn mà Di chúc đem lại cho thời đại. Nhưng như tôi đã nói, Di chúc là một cương lĩnh hành động lâu dài. Quá trình xây dựng, phát triển đất nước đã đạt những thành tựu to lớn, song vẫn tồn tại những nguy cơ, cần nhìn nhận, sửa chữa, chấn chỉnh. Các nguy cơ tụt hậu về kinh tế, tham nhũng, lãng phí và “diễn biến hòa bình” vẫn diễn ra, có phần phức tạp hơn.
Trong khi mức sống vật chất không ngừng tăng lên thì lại có một bộ phận dân cư có biểu hiện xuống cấp về chuẩn mực văn hóa, đạo đức, một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái. Thực tế đó đòi hỏi phải suy nghĩ về điều Bác đã viết trong Di chúc, chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng là cuộc chiến đấu khổng lồ mới có thể tạo ra “những cái mới mẻ, tốt tươi”. Đó là những vấn đề đang cần phải tiếp tục thực hiện.
Hơn nữa, để thúc đẩy tinh thần tự hào, ý thức rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên, người dân, chúng ta vẫn cần tiếp tục tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp để học tập, thực hiện di nguyện của Người.
Đồng thời, sự gắn kết trong thực hiện theo Di chúc của Bác với Nghị quyết T.Ư và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị chắc chắn sẽ tạo chuyển biến tích cực, khơi dậy thêm lòng tự hào, trách nhiệm của mỗi đảng viên, cán bộ và Nhân dân cả nước.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần