Nhà đầu tư lại bán tháo cổ phiếu công nghệ, chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh nhất từ tháng 9/2021

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhóm cổ phiếu công nghệ lao dốc mạnh nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên ngày 16/12 do nhà đầu tư cân nhắc tác động từ các đợt tăng lãi suất của FED vào năm sau.

Thị trường chứng khoán Mỹ quay đầu giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 16/12 khi các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn bị bán mạnh.
 Chỉ số Nasdaq Composite lao dốc gần 400 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/12.
Chốt phiên giao dịch này, chỉ số Nasdaq Composite “bốc hơi”  385,15 điểm, tương đương 2,47% xuống 15.180,43 điểm, ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 9/2021. Chỉ số S&P 500 cũng mất 0,87%, về mức 4.668,67 điểm. Chỉ số Dow Jones sụt 29,79 điểm, tương đương 0,08%, xuống còn 35.897,64 điểm sau khi tăng hơn 200 điểm trong phiên trước đó.
Các chỉ số trên sàn Phố Wall nhuộm sắc đỏ trong phiên ngày thứ Năm do đà lao dốc mạnh của các “ông lớn” công nghệ, như cổ phiếu Apple với mức giảm 3,9%. Thậm chí, các cổ phiếu bán dẫn lớn còn chứng kiến mức giảm mạnh hơn, như AMD và Nvidia sụt lần lượt 5,4% và 6,8%. Cổ phiếu công ty phần mềm Adobe mất 10% sau khi công ty đưa ra dự báo kết quả kinh doanh không khả quan như dự báo của giới phân tích.
Nasdaq Composite đã giảm hơn 1% trong ngày thứ Hai và thứ Ba, phục hồi vào ngày thứ Tư (15/12). Sau phiên lao dốc trong ngày 16/12, chỉ số công nghệ này đang thấp hơn gần 3% so với đầu tuần. 
Chuyên gia phân tích Frank Gretz tại Wellington Shields cho rằng các nhà đầu tư dường như đang chuyển hướng từ các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn sang các lĩnh vực khác như tiêu dùng thiết yếu. “Tôi cho rằng đang có một sự thay đổi về những cổ phiếu giữ vai trò dẫn dắt thị trường. Theo quan điểm của tôi, xu hướng này có thể còn tiếp diễn trong thời gian tới” -  ông Gretz cho hay.
Tuy nhiên, chuyên gia Gretz không khuyến nghị nhà đầu tư bán nhóm cổ phiếu công nghệ có mức lợi nhuận cao cho dù các cổ phiếu này đã giảm mạnh những phiên gần đây. “Vào những thời điểm biến động, thị trường có xu hướng mua tất cả những cổ phiếu khác. Tôi cho rằng việc họ bán Microsoft và Apple là một dấu hiệu tốt, vì họ cuối cùng đã quyết định mua tất cả những thứ khác”, ông Gretz nói thêm.
Trong phiên giao dịch này, cổ phiếu ngân hàng đã giúp hạn chế bớt đà giảm điểm của Dow Jones trụ tốt hơn, với Goldman Sachs tăng 1,9% và JPMorgan Chase cộng gần 1,6%. Cổ phiếu hãng viễn thông Verizon tăng hơn 4%, và là một trong những cổ phiếu giao dịch tốt nhất trong Dow Jones.
Phiên giảm điểm trong ngày thứ Năm đã xóa gần hết kết quả giao dịch khởi sắc ở phiên ngày thứ Tư sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo sẽ thắt chặt tiền tệ sớm hơn kế hoạch để kiềm chế lạm phát. Trong phiên giao dịch ngày 15/12, nhà đầu tư thở phào khi FED đưa ra những quyết định chính sách tiền tệ không nằm ngoài dự báo, gồm đẩy nhanh việc cắt giảm chương trình mua tài sản và tiến tới nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022.
“Tôi cho rằng điều mà thị trường mong muốn là sự chắc chắn. Và họ đã có được điều đó vào ngày hôm qua”, chuyên gia Don Calcagni của Mercer Advisors nhận xét.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đang theo dõi tình hình lây lan của biến thể Omicron trong bối cảnh tỷ lệ nhiễm Covid-19 tại New York tăng mạnh trong những ngày gần đây.
Theo chuyên gia Calcagni, đà lây lan mạnh của biến thể Omicron có thể buộc FED phải quay trở lại với lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng nếu nền kinh tế có những dấu hiệu suy yếu.
Về dữ liệu kinh tế, số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần cao hơn một chút so với dự báo, trong khi số nhà xây mới trong tháng 11 cao hơn nhiều so với dự báo từ các chuyên gia kinh tế.
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) ngày 16/12 tuyên bố nâng lãi suất cơ bản 0,15 điểm phần trăm lên 0,25%. Tuy nhiên, trong một cuộc họp cùng ngày, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phát tín hiệu sẽ không nâng lãi suất trong năm 2022./.