Nhà đầu tư thất vọng vì cảnh báo của Fed, chứng khoán Mỹ trái chiều

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên ngày 28/6 trong trạng thái không đồng nhất sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell phát tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất.

Chỉ số S&P 500 cũng sụt 0,04% xuống còn 4.376,86 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/6. Ảnh: CNBC
Chỉ số S&P 500 cũng sụt 0,04% xuống còn 4.376,86 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/6. Ảnh: CNBC

Theo CNBC, chốt phiên này, chỉ số Dow Jones mất 74,08 điểm (tương đương 0,22%) về mức 33.852,66 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng sụt 0,04% xuống còn 4.376,86 điểm. Trong khi đó, Nasdaq Composite nhích 0,27% lên mức 13.591,75 điểm.

Trong phiên này, chỉ số Nasdaq Composite tiếp tục đà tăng nhờ sự hỗ trợ từ các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn. Ngược lại, chỉ số Dow Jones và S&P 500 quay đầu giảm dưới sức ép từ những tín hiệu cứng rắn của Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Phát biểu tại một diễn đàn do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tổ chức ở Sintra (Bồ Đào Nha) hôm 28/6, ông Powell tuyên bố Fed có thể tăng thêm lãi suất và không loại trừ khả năng nối lại việc tăng lãi suất ngay từ cuộc họp tháng 7 tới.

“Chúng tôi tin rằng còn phải thắt chặt. Động lực cho điều này là một thị trường việc làm còn đang rất mạnh,” ông Powell cho hay.

Phát biểu này là sự tái khẳng định lập trường của ông Powell và các nhà hoạch định chính sách tiền tệ khác của Fed tại cuộc họp tháng 6, trong đó họ phát tín hiệu có thể tăng lãi suất thêm 0,5% trong năm nay.

Kể từ khi khởi động chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ vào tháng 3/2022, Fed đã có 10 đợt tăng lãi suất liên tiếp, bao gồm 4 đợt tăng nối tiếp nhau với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm. Trong cuộc họp tháng 6 vừa rồi, Fed tạm nghỉ.

Theo bà Kim Forrest - Giám đốc đầu tư của Bokeh Capital Partners, các nhà đầu tư đang phân tích kỹ lưỡng các bình luận từ 4 ngân hàng trung ương lớn. “Dường như thị trường Phố Wall thực sự muốn tăng điểm, nhưng thông điệp “cần phải tăng lãi suất mạnh hơn trong thời gian dài hơn” của Fed đã gây áp lực lên thị trường trong phiên giao dịch hôm nay,” bà nói thêm.

Điểm sáng của phiên giao dịch là cổ phiếu Apple. Kết thúc phiên, cổ phiếu siêu vốn hóa này đạt mức cao nhất mọi thời đại, đồng thời ghi nhận phiên thứ 2 liên tiếp đóng cửa ở ngưỡng cao nhất chưa từng có. Cổ phiếu Alphabet tiến hơn 1%, còn cổ phiếu Tesla tăng hơn 2%. Cổ phiếu Netflix vọt hơn 3%.

Trong khi đó, cổ phiếu ngành bán dẫn đi xuống sau khi tờ Wall Street Journal cho biết Mỹ đang xem xét những hạn chế xuất khẩu mới sang Trung Quốc. Cổ phiếu của Nvidia đã giảm hơn 1%, trong khi iShares Semiconductor ETF cũng đi xuống.

Các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng 82% Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm lên mức 5,25-5,5% trong cuộc họp tháng 7 và duy trì mức lãi suất này cho tới hết năm - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME.

Các nhà đầu tư trên sàn Phố Wall đang chuẩn bị khép lại nửa đầu năm tốt nhất của chỉ số Nasdaq Composite trong 40 năm qua. Tâm lý của giới đầu tư đang trở nên lạc quan hơn nhờ đà phục hồi mạnh của nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn. Tính từ đầu năm đến nay, S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt leo dốc 14% và gần 30%.

Trả lời phỏng vấn đài CNBC, chiến lược gia trưởng về chứng khoán toàn cầu Peter Oppenheimer của ngân hàng Goldman Sachs nhận định: "Tất nhiên, chúng ta đã chứng kiến đà tăng ấn tượng của thị trường chứng khoán Mỹ trong những tháng gần đây. Theo tôi, phần lớn đà phục hồi này cho thấy thị trường Phố Wall đang tự tin rằng nền kinh tế Mỹ có thể tránh được suy thoái kinh tế và lạm phát đã đạt đỉnh".

Ông giải thích rằng tâm lý phấn khích trên có được một phần cũng nhờ các yếu tố rủi ro đã được giảm bớt vào đầu năm, chẳng hạn như cuộc chiến trần nợ hay vấn đề ngân hàng.

Tuy nhiên, chuyên gia Oppenheimer cũng cảnh báo rằng đà tăng điểm trong thời gian quan được thúc đẩy bởi một vài công ty. “Những doanh nghiệp trung bình vẫn tương đối ổn định và chúng tôi nghĩ rằng tình hình này có thể tiếp tục trong một thời gian nữa", vị chuyên gia lưu ý thêm.