Nhà giáo truyền niềm tin yêu cuộc sống cho học trò qua các hoạt động thiện nguyện

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một nhà giáo mang tấm lòng nhân hậu lại công tác tại ngôi trường có nhiều dự án thiện nguyện vì cộng đồng nên hơn 20 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Minh Huệ, trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (ĐH Sư phạm Hà Nội) đã đứng ra tổ chức và hướng dẫn học sinh thực hiện nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo; vừa rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; vừa mang ý nghĩa giúp đời, giúp người.

Lẽ sống giản dị của một nhà giáo yêu thiện nguyện
Vài ngày trước, dù đã cận kề Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 nhưng cô Nguyễn Thị Minh Huệ chưa giờ phút nào nghĩ đến bản thân. Ngoài chương trình dạy trực tuyến trên lớp, cô bỏ nhiều công sức với dự án thiện nguyện dành cho những thầy cô giáo không may mắc bệnh hiểm nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Huyết học & Truyền máu Trung ương. Trên trang Facebook, Zalo của mình, những dòng thông tin cảm ơn các mạnh thường quân đã quan tâm, góp sức cùng cô thực hiện dự án ý nghĩa này liên tục được cập nhật. Cô Huệ kể rằng, đây là một trong rất nhiều chương trình tâm huyết cô đã thực hiện trên chặng đường hơn 20 năm làm từ thiện của mình.
 Chương trình tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam- món quà cảm động dành cho các thầy cô giáo không may mắc bệnh hiểm nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương do cô Huệ và các cộng sự thực hiện
Coi thiện nguyện như lẽ sống, cô Huệ chưa bao giờ có ý định kể về những dự án từ thiện đã thực hiện bởi với cô, những điều mình làm chỉ là một chút bé nhỏ để phần nào giúp vợi bớt khó khăn cho những người kém may mắn. Xuất phát từ tấm gương giản dị, luôn giúp đỡ người khác của bố mẹ, cô Huệ đã học hỏi và thấm thía giá trị của lòng thương người từ lúc bé. “ Bố tôi làm nghề Nhà giáo, mẹ làm nghề Y. Còn nhớ thời bao cấp, vào mỗi dịp cuối tuần, bố tôi thường gọi các sinh viên nội trú đến nhà ăn cơm để “cải thiện”. Khóa sinh viên nào bố cũng thể hiện tình thương yêu, chăm lo như vậy. Còn mẹ tôi- một y sỹ ở địa phương; không quản đêm hôm, dãi dầu mưa nắng, hễ nghe ai ốm, ai đau cần giúp đỡ là mẹ lên đường. Và cả bố lẫn mẹ tôi chưa bao giờ cầm của ai một đồng nào. Tôi coi đó là hai tấm gương ngời sáng về đạo đức mà mình phải học nữa, học mãi để noi theo…”- cô Huệ cho biết.
Khi còn là sinh viên, cô Huệ kết nối với những học sinh thiệt thòi nhưng ham học; sau đó dạy miễn phí. Cô coi sự tiến bộ của học sinh là khoản thù lao tinh thần to lớn mình nhận được. Các chương trình, ý tưởng thiện nguyện nối tiếp ra đời và thường xuyên được cô thực hiện. Cô sống theo triết lý “thấy đủ là đủ”; phần còn lại sẽ cố gắng giúp người. Và rồi, có được duyên lành tốt đẹp, cô Huệ gặp được minh sư - một nhà tu hành chân chính vào năm 2001. Kể từ đó, tâm của cô càng hướng đến làm việc thiện như giúp đỡ bạn bè, những người sống xung quanh gặp khó khăn, thiếu thốn, hoạn nạn.
 Cô Huệ và đoàn thiện nguyện luôn dành tình cảm ân cần, sẻ chia với các bệnh nhân trên hành trình làm từ thiện
Chia sẻ về cách thức duy trì việc làm từ thiện, cô Huệ cho hay: “Ngày trước, tôi làm một mình, kêu gọi các đồng nghiệp hoặc những bạn bè thân thiết cùng tham gia nhưng khoảng 2-3 năm trở lại đây, nhận thấy ưu thế và sức lan tỏa của mạng xã hội, tôi thường đăng bài, kêu gọi sự giúp đỡ của các mạnh thường quân. Rất may mắn, những bài viết của tôi được rất nhiều người quan tâm nên các dự án, chương trình từ thiện thường thực hiện rất nhanh chóng, thuận lợi. Có một nguyên tắc bất di bất dịch khi tôi làm từ thiện đó là không bao giờ chạm một đồng nào; tất cả các khoản chi, khoản thu đều công khai, minh bạch, có hóa đơn, có sao kê và báo cáo đầy đủ lại để mọi người cùng biết và tiếp tục đồng hành cùng mình. Do đó, qua từng năm, số người ủng hộ, đi cùng tôi ngày càng tăng, các dự án từ thiện tôi tổ chức hầu như chưa bao giờ bị trì hoãn”.
Hầu hết các ngày lễ tết trong năm, cô Huệ và các cộng sự đều tổ chức một sự kiện từ thiện nào đó như: Ngày 8/3, 20/10 thì tổ chức kỷ niệm cho bệnh nhân nữ; 1/6 và Tết Trung thu thì tổ chức ngày vui cho bệnh nhi; 20/11, sẽ làm buổi lễ tri ân với các giáo viên mắc bệnh; Tết Nguyên đán là ngày vui chung của tất cả bệnh nhân. Qua năm tháng, các ngày lễ đã in sâu và các chương trình cứ đến hẹn lại lên là được tổ chức chu đáo, ý nghĩa và vô cùng xúc động. Cô Huệ kể rằng, từng kết hợp với rất nhiều đơn vị để làm thiện nguyện nhưng cô đặc biệt gắn bó, đồng cảm với Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương bởi cả Ban giám đốc, phòng Công tác xã hội của viện và cô đều hết lòng và mong muốn làm điều tốt nhất cho bệnh nhân.
Dạy học sinh kỹ năng mềm qua các hoạt động từ thiện
Sau thời gian dạy học, cô Huệ nhận ra rằng: Kiến thức trong nhà trường đóng vai trò nền tảng; kỹ năng cuộc sống, sự bồi đắp vẻ đẹp tâm hồn mới làm nên giá trị của mỗi con người. Bằng lăng kính của cá nhân yêu thiện nguyện, cô cho rằng, làm từ thiện sẽ giúp giáo dục nhân cách rất tốt cho học sinh. Các dự án từ thiện với sự tham gia của học sinh trường THCS &THPT Nguyễn Tất Thành đã được thực hiện với sự đồng tình, ủng hộ rất lớn từ Ban giám hiệu nhà trường và phụ huynh học sinh.
Một trong những hoạt động thiện nguyện thu hút sự tham gia của các em là dạy học cho trẻ em mắc bệnh ung thư đang điều trị tại bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Với lợi thế trường gần bệnh viện nên cô Huệ đã khơi gợi, tạo điều kiện để học sinh tham gia vào việc kèm và dạy kiến thức cho các bệnh nhi. “Ban đầu tôi lập chương trình, xin ý kiến lãnh đạo và thông qua phòng Công tác xã hội của bệnh viện lên danh sách các bệnh nhi đang điều trị ở độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 9 và khảo sát nguyện vọng xem các con thích học gì; từ đó tôi lập kế hoạch, sắp xếp thời khóa biểu để đến bệnh viện dạy học vào các sáng Chủ nhật hàng tuần, mỗi buổi 2 tiếng”- cô Huệ kể.
 Các lớp học thiện nguyện do cô Huệ và các học sinh dạy bệnh nhi tại Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương
Với học sinh, cô mời các con tham gia dự án dạy học này tùy theo nguyện vọng cá nhân. Mỗi buổi thường có một nhóm học sinh được cô soạn nội dung bài giảng và gửi cho từng bạn dạy theo sở trường. “Trực tiếp vào bệnh viện, tận mắt nhìn thấy những bệnh nhi đang điều trị ung thư; dây quấn quanh mình, dù đau đớn nhưng luôn khát khao được học tập và được sống. Có em còn rất nhỏ; có em đang học bất chợt ngất lịm đi; có em thì nén đau để ngồi vẽ; cũng có em tuần trước còn học nhưng tuần sau đã không còn nữa… Các em khát khao học tập đến hơi thở cuối cùng… Tham gia dạy các em nhỏ, học sinh của tôi đã nhiều lần khẽ quay đi lau vội hàng nước mắt. Các con đã biết rung cảm, xót xa trước những số phận kém may mắn; thấy sự khỏe mạnh, bình an, có gia đình đủ đầy, được đến trường học tập cùng bạn bè là hạnh phúc; từ đó biết trân trọng cuộc sống mình đang có. Tôi nhận được nhiều lời cảm ơn của phụ huynh và của chính các con học sinh về những bài học các con nhận được, về sự đổi thay tích cực của các con. Tôi hạnh phúc vì điều đó…”- cô Huệ chia sẻ.
Hành trang hướng thiện
Là một giáo viên công tác tại trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, cô Huệ đã tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện cho học sinh lớp mình làm chủ nhiệm. Điểm nhấn khác biệt đó là, trên con đường thực hiện mục đích xã hội nhân đạo đó, học sinh được học tập và thu nạp rất nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết.
“Hội chợ từ thiện” là hoạt động quen thuộc với học sinh của cô Huệ những ngày chưa giãn cách. Để tạo cho các con có sân chơi bổ ích, cô Huệ đã trao toàn quyền tổ chức kinh doanh cho học sinh từ xác định mặt hàng, tìm hàng, chiến lược quảng bá, bán hàng, tri ân khách hàng… Cô đưa học sinh đi đến nhiều khu vực chợ đầu mối, chia nhóm đứng quan sát để các con học cách bán hàng… Nhờ sự hướng dẫn, chỉ dạy kỹ càng của cô, các học sinh đã học hỏi và thay đổi tư duy rất nhiều. Chưa dừng lại, cô tiến hành tổng kết hội chợ từ thiện và đưa ra bài học cho học sinh như về tính toán, lập kế hoạch, đặt vấn đề… Khi bán hàng hội chợ, cô phân công rõ ràng; bộ phận nào cũng được chuyên môn hóa cao. “Ví như 5 bạn ở bộ phận vệ sinh sẽ như một nhân viên vệ sinh chuyên nghiệp với túi, găng tay; đồ bảo hộ. Nếu gặp khách hàng vứt rác bừa bãi, đầu tiên học sinh sẽ lịch sự chào khách, sau đó cúi xuống nhặt rác. Chính hành động đó sẽ góp phần thay đổi tư duy và thói quen xả rác bừa bãi của một bộ phận người Việt” – cô Huệ kể lại.
 Học sinh nhiệt tình tham gia các dự án thiện nguyện; qua đó trưởng thành hơn, học được nhiều kỹ năng mềm hơn và biết trân trọng giá trị cuộc sống mình đang có
Với mỗi hoạt động từ thiện của học sinh, cô Huệ thường không nghĩ nhiều về việc sẽ kêu gọi được bao nhiêu tiền mà là cô sẽ dạy được gì, trò sẽ học được gì; giáo dục học sinh vấn đề ra sao; thậm chí bản thân mình học được thế nào. Trong quá trình học, cô Huệ thường bàn bạc với học sinh, đưa ra những ý tưởng để các con thực hiện như bán nước chanh leo, làm bánh, làm caramen…  Bán ở đây không phải hình thức mang ra sân, ra cổng bán mà các con lên chiến lược bán hàng như làm thông báo, gửi tờ rơi đến từng lớp, khách đăng ký mua và báo số lượng. Khi có đầy đủ đơn hàng, học sinh sẽ làm đúng theo số lượng đặt trước và giao về từng lớp vào giờ ra chơi. Việc thu tiền cũng được tiến hành nhanh chóng ngay thời điểm đó. Theo cô Huệ, “những dự án xinh xắn như vậy thu hút rất nhiều học sinh tham gia. Các em thích thú, năng động, phát huy được nhiều năng lực cũng như có thái độ sống, có tư duy tích cực hơn rất nhiều. Ở giai đoạn học trực tuyến, với những kỹ năng được trang bị, các con biết tự nấu ăn, tự chăm sóc và phục vụ bản thân”.
Lại có những lần khác, cô Huệ và học trò bán bánh Trung thu, bán bưởi Diễn, cam Canh... Toàn bộ quá trình mua - bán đều do học sinh liên hệ, chọn lựa, quảng cáo, giới thiệu, giao hàng… Cô cũng phát động thi đua giữa các tổ xem tổ nào gây được nhiều quỹ hơn nhằm khích lệ tinh thần bán hàng của từng em và để học sinh phụ trách các đơn hàng đều phải có trách nhiệm.
“Tôi dạy các con kinh doanh nhưng không quên dặn các em rằng, đừng đặt lợi nhuận lên trên hết. Điều tôi muốn hướng đến là lòng trắc ẩn của các con. Hãy biết ơn khách hàng bằng cách bán giá tốt; đó là cách giữ uy tín và gây dựng lòng tin với khách hàng cũng như với cộng đồng. Tôi dạy các con cạnh tranh lành mạnh, không bon chen, làm gì cũng phải xuất phát từ cái tâm trong sáng: Người mua hàng vì mục đích từ thiện thì người bán cũng phải có tâm; đề cao chất lượng sản phẩm, không vì thiện chí của người mua mà bán giá cao… Đó là quy trình cho đi- nhận lại. Bởi vậy, các con vừa làm được từ thiện nhưng cũng là cơ hội để học hỏi và nhìn nhận các vấn đề khác của cuộc sống”- cô Huệ cho hay.
 Cô Huệ hạnh phúc bên học trò thân yêu (ảnh chụp từ các năm học trước)
Suốt thời gian làm thiện nguyện, có một điều cô Huệ tâm niệm là sẽ hoàn thành sứ mệnh của một nhà giáo; luôn đảm nhận tốt vai trò của người con, người mẹ, người vợ trong gia đình; đồng thời dành tâm sức tham gia các hoạt động thiện nguyện giàu ân nghĩa. Với cô, niềm hạnh phúc của cuộc sống không phải là giàu sang vật chất mà là tâm hồn mình giàu lên mỗi ngày. Nhìn thấy các hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ; thấy học sinh trưởng thành, biết suy nghĩ; biết xây dựng, bồi đắp giá trị bản thân; biết mơ ước và lập kế hoạch để biến ước mơ thành hiện thực… là những điều tuyệt vời mà cô có được.
Trong các câu chuyện của mình, cô Huệ lấp lánh hạnh phúc khi nhắc đến trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành. “Tôi là một giáo viên may mắn vì được công tác tại ngôi trường này- nơi có Hiệu trưởng và Ban giám hiệu ngoài chú trọng phát triển chuyên môn của đội ngũ nhà giáo còn rất quan tâm rèn luyện kỹ năng, nhân cách học sinh; tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện sáng tạo với các nội dung giáo dục đạo đức, lối sống được lồng ghép ngay tại những bài giảng trên lớp cùng các hoạt động ngoại khóa. Tại ngôi trường đó, từ bác bảo vệ, cô lao công, cô chú làm văn phòng đến tập thể các thầy cô giáo đều là những tấm gương sáng về giáo dục đạo đức; nhờ đó, tình yêu và ý chí thiện nguyện của tôi càng được vun đắp theo từng ngày”- cô Huệ bộc bạch.